Xã hội

Thác về để lại nhân gian con đường...

27/01/2020, 05:57

Những con đường bê tông dọc triền sông Vệ (Quảng Ngãi) hoàn thành không chỉ kết nối thông thương mà kết cả nghĩa tình, thông điệp nhân sinh...

img
Con đường làm từ tiền phúng điếu cụ Bùi Kiệt và Lê Thị Hồi đã thay đổi cả một vùng quê nghèo

Tâm nguyện làm đường cho dân

Những ngày giáp Tết, mùa hoa cúc trải vàng trên khắp các ngõ xóm vùng Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Con đường bê tông rộng chừng hơn 3,5m, chạy dọc bên triền sông Vệ, qua các thôn Hải Môn, Đông Mỹ… như đang tô điểm sự đổi thay của thôn làng.

Không chỉ ngạc nhiên trước hạ tầng giao thông vùng quê khởi sắc, nhiều du khách bất ngờ dừng lại đọc từng chữ trên những tấm bảng đá khắc dòng chữ trang trọng “Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu ông Bùi Kiệt”, tiếp đến đoạn đường bê tông cắm bảng “Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu bà Lê Thị Hồi”.

Lão nông Nguyễn Bốn (79 tuổi, xã Nghĩa Hiệp) niềm nở: “Đường của vợ chồng ông Kiệt, bà Hồi đó. Tâm nguyện cuối đời của họ với gia đình là để tiền phúng điếu làm đường cho dân chúng tôi”.

Theo ông Bốn, trước năm 2012, địa phương chỉ có con đường duy nhất từ huyện về xã, còn lại các tuyến đường khác đều là đường đất nham nhở. Dân vùng bãi bồi càng thêm khổ, nhất là những lúc mưa lũ. Sống ở khu vực này, nên vợ chồng cụ Hồi cảm nhận sâu sắc những khó khăn, cách trở của người dân. Ai cũng mong có được con đường kiên cố để dân đi lại bớt khổ.

“Dân mong nhiều năm, nhưng riêng cụ Hồi rất đặc biệt. Ngày đó cụ đã ngoài 70, hay tựa cửa, rồi nói vui với con cháu, hàng xóm làm sao để trúng độc đắc, lấy tiền làm đường. Số không trúng nhưng cả làng bất ngờ khi sau ngày cụ mất vào năm 2012, cụ Kiệt và các con cháu thông báo di nguyện của cụ Hồi là lấy tiền phúng điếu để làm đường”, ông Bốn kể.

Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp vẫn nhớ nguyên hình ảnh ngày cụ Kiệt chừng 80 tuổi, tóc muối tiêu, mặc bộ đồ bà ba giản dị bước đến UBND xã nói các cán bộ: “Bà nhà tôi mất, có di nguyện là được dùng toàn bộ số tiền phúng điếu làm đường cho dân. Xã xem chỗ nào cần trước thì làm đường ngay”.

“Số tiền 280 triệu đồng lúc đó lớn lắm. Ai mới nghe cũng ngạc nhiên và xúc động, bởi chưa từng ai nghĩ tới. Thấy cụ Kiệt cũng cao niên, đi lại khó khăn nên xã quyết định làm ngay đường bê tông khu vực này”, ông An kể.

Sau khi chung tay giúp mồ yên mả đẹp cho cụ Hồi xong, bà con trong xã Nghĩa Hiệp lại lao vào làm con đường đúng như di nguyện của cụ trước lúc mất. Trước lễ cúng 49 ngày của cụ Hồi, một con đường dài 230m đúng chuẩn đường nông thôn mới hoàn thành.

Đường mới, dân đi lại thuận lợi, cụ Kiệt cùng con cháu tản bộ mỗi ngày như một sự nhắc nhớ, hiếu kính đến người vợ, người mẹ đã khuất. Mỗi lần dạo bước, cụ Kiệt lại ấp ủ hy vọng làm thêm những tuyến đường bê tông mới. Nhưng tâm nguyện chưa kịp hoàn thành thì cụ cũng ra đi vì tuổi cao, sức yếu năm 2015.

Xúc động hơn, biết mình từ biệt cõi đời, cụ Kiệt căn dặn các con và không quên nhắn nhủ di nguyện tiếp tục dành tiền phúng điếu để làm đường cho dân địa phương. Ngay sau đám tang cụ Kiệt, toàn bộ số tiền phúng điếu 380 triệu đồng cũng được con cháu lên xã, xin làm thêm 3 đường bê tông khác ở thôn Đông Mỹ, và hoàn thành ngay dịp lễ giỗ 49 ngày của cụ Kiệt vào cuối năm 2015.

Thông điệp đường “nhân sinh”

img
Ngôi nhà hiện tại của con gái cụ Bùi Kiệt nhỏ bé và đơn sơ

Là “ân nhân làm đường” của bà con, nhưng vợ chồng cụ Kiệt vốn chỉ sống trong căn nhà cấp 4 giản dị. Khi vùng quê dần trù phú, nhà nhà cao tầng mọc lên san sát, căn nhà được vợ chồng cụ để lại cho con đầu là bà Bùi Thị Phong vẫn vẹn nguyên nét giản dị.

Vợ chồng cụ Kiệt có 6 người con (1 gái, 5 trai), hiện đều lập gia đình và sống ở nhiều tỉnh, thành như: TP HCM, Đắk Lắk, Đắk Nông. Vợ chồng bà Phong làm giáo viên nhưng nghỉ hưu, hiện ở cùng con gái và con rể trong chính căn nhà bố mẹ để lại. “Căn nhà không rộng nhưng ấm áp. Nhiều người bảo sửa, nhưng chúng tôi muốn lưu giữ lại và muốn để kinh phí làm những việc thiện nguyện như bố mẹ từng dạy bảo…”, bà Phong tâm sự.

Sinh thời, cha mẹ luôn dạy chúng tôi phải sống có ích cho xã hội. Làm những con đường cho dân cũng là tâm nguyện của cha mẹ lúc mất.

Noi gương bố mẹ, vợ chồng, anh em chúng tôi luôn căn dặn con cháu phải sống tốt, trọng tình nghĩa, hiếu thảo với xóm làng như ông bà, bố mẹ đã từng làm.

Bà Bùi Thị Phong


Kể về bố mẹ mình, ông ông Bùi Liêu (SN 1957, hiện đang làm việc tại TP HCM) đầy tự hào: “Gia đình tôi vốn làm nông như bao người dân khác, cuộc sống đầy khó khăn, cơ cực nhưng cụ luôn lấy đức làm trọng.

Thời kháng chiến, cha tôi tham gia cách mạng và nhiều lần bị bắt bớ, tù đày, được tặng Huy chương Kháng chiến vào năm 1995. Cuộc sống thiếu thốn mỗi ngày, nhưng cha mẹ tần tảo để nuôi dạy 6 người con ăn học đến nơi, đến chốn. Nhờ vậy, anh em chúng tôi hiện đang công tác trong Nhà nước, luôn đùm bọc, yêu thương nhau để hiếu kính với cha mẹ”.

Ăm ắp những kỷ niệm về 2 bậc sinh thành, nhưng trong tâm thức ông Liêu nhớ như in ngày mẹ mình lâm bệnh, biết khó qua khỏi nên từ đầu năm 2012 đã cùng chồng, gọi các con đến và căn dặn con, cháu phải sống hiếu kính, đạo đức với mọi người và có tâm nguyện mong quê hương phát triển, đổi mới nên dành tiền phúng điếu để làm đường cho địa phương.

“Cha mẹ tôi khi còn sống vẫn mong quê hương sớm có đường sá khang trang, nên mọi người đều thống nhất làm sao thực hiện tốt nhất tâm nguyện này”, ông Liêu tâm sự.

Không chỉ làm đường, số tiền phúng điếu của hai cụ Bùi Kiệt còn được con cháu sử dụng để mua 6.000 cuốn vở cho học sinh xã Nghĩa Hiệp, đóng góp quỹ “Vì người nghèo”, “Hội Người cao tuổi” xã; quỹ “Kết nối những tấm lòng”, ủng hộ cơm từ thiện cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, mua 2 dàn máy vi tính cho Trường Tiểu học Đông Hiệp, ủng hộ Trung tâm Trẻ em khuyết tật tỉnh…

Ông Nguyễn Bốn, hàng xóm của cụ Bùi Kiệt tâm sự: “Ngày còn sống, dù cuộc sống đầy khó khăn nhưng cụ Kiệt, cụ Hồi luôn sống chan hòa, nghĩa tình với hàng xóm láng giềng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Trân quý vợ chồng cụ, nhưng không ai nghĩ khi hai cụ mất lại có tâm nguyện dùng toàn bộ số tiền phúng điếu để làm đường cho dân. Hai ông bà là niềm tự hào của hàng xóm để mọi người cùng răn dạy nhau đề cao những chuyện tử tế trong gia đình, hàng xóm”.

Còn nhớ, câu chuyện làm đường của nhà cụ Kiệt tạo thông điệp nhân sinh mạnh mẽ. Cuối năm 2015, 39 hộ dân ở ruộng lúa dọc cánh đồng thôn Đông Mỹ đã tình nguyện hiến 1.500m2 đất và ngày công lao động để mở rộng 2 tuyến đường nội đồng với tổng chiều dài 850m. Trong đó, gia đình bà Phong là một trong những hộ tiên phong.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết: “Học tập gia đình cụ Kiệt, hiện nhiều con em địa phương đi làm xa, thành đạt cũng chung tay góp sức cho quê hương. Nhờ đó mà đến nay, nhiều tuyến đường trong thôn, xã đều đã được bê tông kiên cố, góp phần đổi mới, khởi sắc quê hương”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.