Kinh tế

Thách thức lớn nhất là “đụng chạm” lợi ích nhóm

03/11/2017, 07:09

Thách thức lớn nhất với Ban Nghiên cứu PTKTTN là phải xử lý khi đụng chạm tới quyền lợi của các nhóm lợi ích.

12

Ông Trương Gia Bình: “Nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân không nhỏ, kỳ vọng của cộng đồng DN tư nhân vào chúng tôi càng lớn”

Nhiệm vụ không nhỏ, cộng đồng DN kỳ vọng còn lớn hơn

Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân có thể kỳ vọng gì vào Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)?

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia.

Có thể nói, Ban chúng tôi được giao trách nhiệm không nhỏ. Song, cộng đồng DN, doanh nhân còn trông đợi vào chúng tôi lớn hơn nữa. Với lực lượng hiện tại chỉ có 6 người, muốn hoạt động hiệu quả, Ban sẽ phải dựa vào cộng đồng DN tư nhân. Theo đó, họ sẽ là nguồn phát tín hiệu về những vướng mắc gặp phải một cách rất thực tiễn, cụ thể, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Tôi lấy ví dụ, một số nghiên cứu cho rằng, chi phí vận tải hàng hoá của Việt Nam chiếm tới 25% tổng chi phí của DN, trong khi các nước khác chỉ 5-6%. Song, nhiệm vụ của Ban là phải cùng các DN làm rõ chi phí đó chi vào đâu, khoản nào là chính thức, khoản nào không chính thức. Khi biết chính xác rồi mới đề xuất, tìm kiếm biện pháp cắt giảm phù hợp...

Ban có “quyền hành” gì để có thể thực hiện được những “trọng trách” đó?

Chúng tôi sẽ được tổ chức tham vấn, đối thoại chính sách giữa khu vực tư nhân với Chính phủ và các bên liên quan, hướng tới xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, vùng miền; Đánh giá thực thi chính sách, đề xuất cải cách, tháo gỡ rào cản, kiến tạo môi trường thúc đẩy kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại; Nghiên cứu, đánh giá và tư vấn, đề xuất thí điểm các mô hình mới để hỗ trợ phát triển DN tư nhân thúc đẩy phát triển KTTN gắn với các nhiệm vụ kinh tế trọng tâm, trọng điểm quốc gia theo từng thời kỳ.

Nói một cách cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung trả lời 2 câu hỏi: Doanh nghiệp mong muốn điều gì? Doanh nghiệp vướng gì?

Để trả lời 2 câu hỏi này, phương pháp của chúng tôi là: Nghiên cứu chuyên sâu & ý kiến chuyên gia; Thực nghiệm một số phương cách mới hỗ trợ DN để xác định cơ chế khả thi; Đối thoại chính sách công - tư; Báo cáo phân tích, giải trình sâu từ các căn cứ pháp lý và thực tiễn gửi để làm căn cứ trình Thủ tướng; Hỗ trợ kỹ thuật thực thi sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng…

Thách thức lớn nhất với Ban hiện nay là gì?

Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất với Ban là phải xử lý khi đụng chạm tới quyền lợi của các nhóm lợi ích. Chẳng hạn, liên quan đến câu chuyện chi phí, nhất là chi phí phi chính thức - được phản ánh quá cao tại Việt Nam - rõ ràng phải “đi vào túi ai đó”, nhóm lợi ích nào đó và họ sẽ phải tìm mọi cách để bảo vệ “nguồn lợi” này. Không cách nào khác, chúng ta phải cân bằng giữa lợi ích nhóm và phát triển bền vững.

Cũng liên quan đến câu chuyện lợi ích nhóm, làm thế nào để các tư vấn chính sách đảm bảo mục tiêu thúc đẩy KTTN nói chung mà không vì lợi ích riêng của chính các DN thành viên hoặc lĩnh vực mà thành viên đại diện?

Đấy là vấn đề chúng tôi cũng đã suy nghĩ và rất cẩn trọng. Với mong muốn đóng góp cho việc chung, lợi ích chung, song nếu làm không đúng, các DN có thể nói rằng, chẳng qua đây cũng là “cách thức kinh doanh mới” của các anh mà thôi.

Do vậy, chúng tôi đã đưa ra một quy trình. Theo đó, sẽ xây dựng một website kết nối với các thành viên DN và các chuyên gia. Qua đó, DN sẽ đưa ra các vấn đề, ví dụ trong sản xuất vướng gì, thương mại vướng gì, dịch vụ vướng gì, hay tài chính, thuỷ sản, nông nghiệp, du lịch... Trên cơ sở các nhóm vấn đề DN kiến nghị đó, chúng tôi dự kiến sẽ lấy ý kiến của cộng đồng bằng cách bỏ phiếu. Mỗi DN có thể được 3 lá phiếu, lựa chọn những vấn đề họ cho là khó khăn, cản trở lớn nhất. Từ những thông tin này, chúng tôi cùng tìm cách tháo gỡ, bằng cách báo cáo một cách chi tiết nhất có thể, có bằng cứ rõ ràng nhất có thể, có lý lẽ chắc chắn nhất có thể, trình Thủ tướng để Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thúc đẩy quyết liệt cổ phần hóa DNNN

Để có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ KTTN, Ban cũng phải hiểu rất rõ điểm mạnh/yếu, những cơ hội, thách thức của chính cộng đồng các DN của mình. Từng trải qua môi trường từ DN Nhà nước sang DN tư nhân, ông thấy điểm mạnh/yếu đó là gì?

Các DNNN có nhiều lợi thế về các nguồn lực như đất đai, vốn liếng... Các DN tư nhân họ có lợi thế là chủ, làm chủ, nên có thể quyết định nhanh, rất năng động. Tuy nhiên, DN tư nhân của Việt Nam cũng mới hình thành, phát triển từ sau khi đổi mới, nên còn rất non trẻ so với các DN tư nhân trong khu vực và thế giới, cả về tài chính, quản trị, kinh nghiệm thị trường... Trong điều kiện hội nhập ngày một sâu rộng, sức ép cạnh tranh lên vai các DN tư nhân Việt Nam càng lớn.

Trong khi đó, môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, rào cản, khiến DN tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức để xử lý. Chúng ta cũng chưa phát triển được những liên kết chuỗi và đó cũng là điểm yếu cốt tử của DN Việt Nam nói chung, trong đó có khối DN tư nhân. Thêm vào đó, cơ chế chính sách còn nặng yếu tố xin - cho nên các DN cũng không có cơ hội và không nỗ lực phát huy hết sức sáng tạo, năng động của mình.

Theo quan sát của ông, KTTN đã thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa 12) đã xác định chưa?

Cộng đồng DN tư nhân rất phấn khởi là vai trò của họ đã được xác định tại Nghị quyết của Đảng, nhiều chính sách của Nhà nước cũng cụ thể hoá vấn đề này. Song trên thực tế, từ đó đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách. Tôi lấy ví dụ, Thủ tướng chỉ đạo, công tác thanh tra đối với các DN chỉ thực hiện mỗi năm một lần, nhưng sự thực thì họ vẫn bị thanh, kiểm tra nhiều lần. Hay tinh thần chung là DN tư nhân cũng có cơ hội tiếp cận các nguồn lực (vốn, đất đai) một cách bình đẳng, song thực tế thì có một khoảng cách rất xa với DNNN...

Mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp vào GDP của khối DN tư nhân từ 40% lên 60%, có tham vọng quá không?

Chúng tôi tin tưởng sẽ làm được nếu chúng ta đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN. Thời gian qua, công tác cổ phần hoá tuy đã được thúc đẩy quyết liệt, song vẫn còn nặng về hình thức. Tôi cho rằng, hiệu quả cổ phần hoá, không phải chỉ tính theo “đầu” DN được cổ phần hoá, mà quan trọng là tỷ lệ tham gia của tư nhân vào những DN này được bao nhiêu? Hiện nay, tổng tài sản của Nhà nước tại các DNNN mới bán ra 8%, 92% còn lại Nhà nước vẫn nắm giữ. Theo tôi, bao giờ chúng ta bán được 51% tài sản Nhà nước tại các DN này thì chúng ta mới “hoàn thành nhiệm vụ”.

Cảm ơn ông!

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân được giao nhiệm vụ cùng với Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng… nghiên cứu các giải pháp cốt lõi, đề xuất trong các phiên họp thường trực của Chính phủ và những giải pháp hợp lý sẽ đươc đưa vào Nghị quyết của Chính phủ tại các phiên họp này.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) được thành lập theo Quyết định số 842/QĐ-HĐTV ngày 3/10/2017 của Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng gồm có 6 thành viên. Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Trương Gia Bình làm Trưởng ban; Tổng giám đốc Tập đoàn Vina Capital, Phó chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN (Diễn đàn Kinh tế thế giới) Don Lam làm Phó trưởng ban. 4 thành viên còn lại cũng là các doanh nhân có tên tuổi: Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư U&I (Unigroup); Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung; Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh; Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình.

Mục tiêu đặt ra trong trung hạn của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: Hướng tới Top 3 ASEAN năm 2022 về năng lực cạnh tranh Quốc gia; DNTN đóng góp 60% GDP năm 2020; Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Đặc biệt vào 3 trụ cột gồm: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và du lịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.