Xã hội

Thái Bình gấp rút triển khai loạt công trình giao thông trọng điểm, kết nối

04/08/2022, 18:33

Thái Bình đang đẩy nhanh tiến độ đồng bộ hệ thống mạng lưới giao thông thu hút mạnh mẽ đầu tư, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giao thông "kéo" khách du lịch

Từ tháng 6/2022, tuyến đường 221A từ ngã ba Trái Diêm đến khu du lịch sinh thái cồn Vành (Tiền Hải) dài hơn 17,8 km được thông tuyến, đưa vào vận hành, khai thác đã khiến lượng khách đến với khu du lịch này tăng mạnh, nhất là vào dịp cuối tuần, kỳ nghỉ lễ.

"Tuyến đường 221A rút ngắn thời gian về cồn Vành, nên cuối tuần gia đình tôi, bạn bè ở các tỉnh lân cận dễ dàng về đây nghỉ dưỡng", anh Trần Văn Tú, ở TP Thái Bình chia sẻ.

Đại diện Ban quản lý Khu du lịch sinh thái biển Cồn Vành cho biết: "Sau 2 năm đóng cửa do dịch bệnh, đây là thời điểm hoạt động du lịch nhộn nhịp trở lại. Đúng thời điểm này, đường tỉnh 221A đã thông tuyến phục vụ tốt việc đi lại, khiến lượng khách đổ về Cồn Vành tăng đột biến".

img

Cầu đường bộ ven biển nối tỉnh Thái Bình với Nam Định trên địa phận xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Trao đổi với Báo Giao thông, Vũ Xuân Thành, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình cho biết, tuyến đường 221A có tổng mức đầu tư hơn 734 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn hỗ trợ xi măng và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

"Tuyến đường đi vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh Thái Bình, đồng thời là con đường kết nối giữa hệ thống giao thông nội bộ trong Khu kinh tế Thái Bình với đường ven biển và các trục giao thông chính của huyện Tiền Hải", ông Thành cho hay.

Giao thông "hút" nhà đầu tư

Theo ông Thành, nhận thức rõ vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, Thái Bình đã sớm định hướng, thông qua các nghị quyết, chương trình hành động, có những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, trong đó tập trung tối đa nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông.

Theo ông Vũ Xuân Thành, bên cạnh tuyến đường bộ ven biển, Thái Bình cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ như: Tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn nối với Hải Phòng, hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường tỉnh 454 từ Thái Bình đi cầu Tịnh Xuyên (huyện Hưng Hà) và đi phà Sa Cao (huyện Vũ Thư), đường vành đai phía Nam TP Thái Bình, đường TP Thái Bình đi cồn Vành và một số tuyến giao thông quan trọng khác.

Hiện tỉnh Thái Bình đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối tập trung cho khâu đột phá. Giao thông thuận lợi giúp các doanh nghiệp dễ dàng vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa, từ đó rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ thực tế cho thấy, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nào có hạ tầng giao thông tốt luôn được nhiều doanh nghiệp quan tâm và ưu tiên lựa chọn là điểm đến đầu tư. Tỉnh Thái Bình hiện có Khu kinh tế Thái Bình quy mô 30.583ha tại khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Khi Khu kinh tế đi vào hoạt động, tỉnh Thái Bình đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối khu vực ven biển. Trong đó, quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có chiều dài trên 34km với tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng.

"Tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ tạo ra hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế. Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển còn có vai trò quan trọng kết nối Khu kinh tế Thái Bình với các vùng kinh tế trọng điểm lân cận", ông Thành cho hay.

Trong chuyến công tác tại Thái Bình dịp tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Muốn phát triển được Khu kinh tế, tỉnh Thái Bình cần dồn lực nguồn vốn đầu tư công hoàn thiện hạ tầng giao thông mà trước hết là dự án tuyến đường bộ ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)...

Theo đó, tuyến đường sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Khu kinh tế Thái Bình đến Hải Phòng chỉ khoảng 40 phút lái xe, đến sân bay quốc tế Cát Bi khoảng 55 phút, đến cảng quốc tế Lạch Huyện khoảng 60 phút. Thời gian di chuyển từ Thái Bình đi Hạ Long, Vân Đồn và cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cũng được rút ngắn. Nhờ vậy, việc di chuyển, lưu thông hàng hóa từ Thái Bình tới các tỉnh lân cận và xuất khẩu được thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù; sự quyết liệt, sáng tạo trong xúc tiến đầu tư cũng như quyết tâm xây dựng các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện đại kết nối đồng bộ, vị thế của Khu kinh tế Thái Bình trong mắt các nhà đầu tư ngày càng được nâng lên.

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Thái Bình vẫn thu hút được 7 dự án FDI vào Khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký 540 triệu USD, từ đó góp phần đưa Thái Bình vươn lên xếp thứ 17 cả nước và thứ 5 khu vực đồng bằng sông Hồng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Từ đầu năm đến nay có rất nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đã đến tìm hiểu, nghiên cứu và bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Điều này minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của Thái Bình với các nhà đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.