Thế giới giao thông

Thái Lan: Bùng nổ du lịch, sân bay chịu trận

03/07/2017, 11:54

Ngành du lịch Thái Lan bùng nổ đặt ra thách thức lớn đối với người đứng đầu Cơ quan quản lý sân bay...

25

Bên trong sân bay Suvarnabhumi tại Bangkok

Ngành du lịch Thái Lan bùng nổ đặt ra thách thức lớn đối với người đứng đầu Cơ quan quản lý sân bay Thái Lan (Airports of Thailand Pcl - AOT) trong việc giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng để xử lý tình trạng tắc nghẽn tại sân bay, tạo sự thông suốt, thuận tiện và thoải mái cho hành khách.

6 sân bay hoạt động vượt công suất 30%

Năm 2016, Thái Lan thu hút khoảng 29,9 triệu khách du lịch, theo Business Insider. Năm 2017 dự kiến sẽ đón khoảng 32,4 triệu khách, thậm chí có thể lên tới 34,4 triệu lượt. 6 sân bay do công ty AOT điều hành là Suvarnabhumi, Don Muang, Hat Yai, Chiang Mai, Chiang Rai và Phuket đã phục vụ gần 87 triệu hành khách tính trong giai đoạn từ tháng 10/2016 đến tháng 5/2017, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

AOT dự đoán tăng trưởng hành khách nhích thêm khoảng 7% tính đến tháng 9/2017, Chủ tịch AOT Nitinai Sirismatthakarn cho biết. Nhờ sự tăng trưởng này, cổ phiếu của AOT đã tăng 18% trong năm nay. 

Tuy nhiên, nhà kinh tế đến từ World Bank, ông Kiatipong Ariyapruchya cho biết, dòng chảy ồ ạt của khách du lịch đặt áp lực lên hạ tầng giao thông, đặc biệt là sân bay. “Nhiều địa điểm tại Thái Lan đang hình thành những nút thắt cổ chai như Chiang Mai, Bangkok, Phuket trong khi hạ tầng vẫn giậm chân tại chỗ”.

Tình hình tắc nghẽn tại sân bay gia tăng khi mỗi khi bước vào các vụ đỉnh điểm du lịch, lượng đặt vé máy bay tăng gấp đôi. Chủ tịch AOT Nitinai Sirismatthakarn cho biết, 6 sân bay công ty này điều hành đang hoạt động quá công suất 30%. 

Ông Sunsanee Fongcharoen, chuyên viên giám sát dịch vụ hành khách của hãng hàng không Bangkok Airways tại sân bay Suvarnabhumi cho biết, hiện nay dịch vụ hành khách tại sân bay khá căng thẳng. Nếu không cải thiện hạ tầng sân bay, “hành khách sẽ bị dồn đống tại các khu vực check-in và ở khu vực xuất nhập cảnh”, ông Sunsanee nhận định.

Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu 2016-2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện đánh giá hạ tầng của Thái Lan đứng ở vị trí thứ 49, thụt lùi so với vị trí thứ 38 trong xếp hạng năm 2006-2007. 

Chi 6,5 tỉ USD để nâng cấp sân bay

thaiheader

 

Đứng trước thách thức này, AOT cho biết, họ đã xây dựng kế hoạch cải thiện hạ tầng để giải quyết tình hình tắc nghẽn. Nhà khai thác sân bay Thái Lan dự định chi 6,5 tỉ USD tính đến năm 2025 để mở rộng 6 sân bay chính, qua đó, tăng tổng công suất tại 6 sân bay này lên 185 triệu lượt từ 101 triệu lượt khách hiện nay. 

Đây là quyết định tăng ngân sách đầu tư sân bay mới nhất của Thái Lan. Năm ngoái, AOT dự định đầu tư 5,7 triệu USD vào 6 sân bay tính đến năm 2030, tăng 39% so với kế hoạch trước đó.

Trong đó, họ tính toán, đến năm 2022, sân bay Suvarnabhumi có công suất đón 90 triệu lượt khách; sân bay quốc tế dành cho các hãng hàng không giá rẻ Don Mueang đón 40 triệu lượt khách, tăng cao so với tổng công suất hiện tại của hai sân bay là 75 triệu lượt.

Kế hoạch mở rộng sân bay Suvarnabhumi bao gồm đưa thêm một nhà ga vệ tinh vào hoạt động trong năm 2020, nâng công suất sân bay lên 60 triệu lượt khách (tương đương với dân số Hàn Quốc) vừa đủ để đáp ứng với nhu cầu hiện tại.

Sau đó, AOT sẽ xây thêm đường băng thứ 3 trong năm 2021 và một nhà ga quốc tế mới vào năm 2022 giúp tăng công suất thêm 30 triệu lượt khách. Lợi nhuận hoạt động của công ty AOT có thể tăng tới hơn 50% trong năm 2020 khi các cơ sở hạ tầng mới đi vào hoạt động. 

Chính phủ đất nước Chùa Vàng xác định mở rộng sân bay là điều quan trọng đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch chiếm khoảng 18% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó lượng khách tham quan nước ngoài mang đến lợi nhuận dồi dào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.