Khi số ca nhiễm lên tới hàng nghìn, chục nghìn/ngày, một số nước đã phải áp dụng biện pháp cho người bị nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc nhẹ tự cách ly tại nhà để giảm tải cho các bệnh viện.
Số ca nhiễm mới tại Thái Lan tăng cao trong 3 ngày cuối tuần qua
Ba ngày cuối tuần căng thẳng
Tại Thái Lan, 3 ngày cuối tuần qua thực sự là những ngày khủng hoảng khi số ca nhiễm liên tục tăng. Riêng ngày 18/7, Thái Lan ghi nhận 11.397 ca mắc mới, 101 người tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 403.386 ca và 3.341 người thiệt mạng.
Đa phần số ca nhiễm và tử vong tập trung vào đợt bùng phát dịch thứ ba, bùng lên từ đầu tháng 4 tới nay, xoay quanh các biến chủng dễ lây nhiễm như Alpha và Delta.
Do đó, chính quyền Bangkok quyết định mở rộng các biện pháp phòng dịch như hạn chế đi lại, đóng cửa trung tâm thương mại, giới nghiêm vào ban đêm ở 3 tỉnh, thành phố nữa (tổng cộng là 12 tỉnh, thành), đánh dấu mức phòng dịch nghiêm ngặt nhất trong hơn 1 năm trở lại.
Tại Campuchia, theo tờ Khmer Times, cuối tuần qua, số ca nhiễm hàng ngày tiếp tục ở mức cao với 836 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 66.363.
Cùng với đó, số ca tử vong/ngày cũng tăng nhanh, dao động trong mức 20-40 ca/ngày. Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine một lần nữa cảnh báo các biến thể virus mới có thể khiến đất nước Chùa Tháp “vượt lằn ranh đỏ”, kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn và những đợt bùng dịch quy mô lớn trong cộng đồng.
Cần truyền thông tốt
Để đối phó với số lượng ca nhiễm tăng nhanh chóng mặt, giảm tải cho ngành y tế, Thái Lan và Campuchia đã chính thức áp dụng phương án cho người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc nhẹ được tự điều trị tại nhà.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen, Bộ Y tế Campuchia đã nghiên cứu từ đầu tháng 4 và chính thức cho phép các bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà từ ngày 12/7.
Bệnh nhân phải ký vào một thỏa thuận chứng minh tự nguyện rời bệnh viện. Trong quá trình cách ly tự điều trị tại nhà, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh, chăm sóc, xử lý chất thải… Chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm phân phối vật tư y tế, giám sát y tế.
Tại Thái Lan, sau 2 tháng nghiên cứu, cuối tháng 6, Bộ Y tế nước này cũng ra quyết định cho phép những người thuộc nhóm “xanh” (không có triệu chứng nhiễm Covid-19 tại Thủ đô Bangkok và cùng lân cận) được tự điều trị tại nhà, nhường giường bệnh cho những người bị nặng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Sathit Pitutecha, để đảm bảo an toàn cho người bệnh tại nhà cũng như tránh trường hợp lây nhiễm ra cộng đồng, Thái Lan sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo và theo dõi từ xa, thực hiện quy trình báo cáo các thông tin cần thiết về người bệnh như nhiệt độ cơ thể, mức độ oxy trong máu, qua ứng dụng.
Ngoài ra Cục Dịch vụ y tế (DoMS) đưa thêm một số tiêu chí cho bệnh nhân tự điều trị như phải ở độ tuổi từ 60 trở xuống, có sức khỏe tương đối tốt, không mắc béo phì hoặc bệnh nền. Để được tự điều trị, bệnh nhân cần nhận được sự đồng ý từ bác sĩ.
Khi cách ly tại nhà, họ nên ở một mình hoặc tối đa là thêm 1 thành viên khác trong gia đình. Trong suốt quá trình cách ly, người bệnh không được đón tiếp khách, tiếp xúc gần với người già/trẻ nhỏ. Nếu sống cùng với người khác, cần phải ở phòng riêng, có đồ dùng riêng, tránh đi vào phòng chung như phòng khách, phòng ăn...
Ngoài ra, họ phải liên tục vệ sinh, khử khuẩn như rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách...
Thực phẩm cho người bệnh sẽ được bệnh viện đang giám sát bệnh nhân cung cấp. Văn phòng An ninh Y tế Quốc gia (NHSO) sẽ trả 1.000 baht/ngày (hơn 700 nghìn VNĐ) cho tiền ăn 3 bữa/ngày và thêm 1.100 baht/ngày/người (hơn 770 nghìn VNĐ) cho thiết bị y tế như thiết bị đo mức độ oxy và thuốc kháng virus Favipiravir nếu xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ.
Trong trường hợp tình trạng bệnh nhân trở nặng, họ sẽ được đưa tới bệnh viện.
Dù đã quan tâm tới việc giám sát từ xa, hỗ trợ tài chính nhưng theo tờ Bangkok Post, cách Thái Lan thực hiện phương án cho người nhiễm Covid-19 nhẹ điều trị tại nhà vẫn còn lỗ hổng. Đó là thiếu truyền thông, nâng cao nhận thức người dân.
Qua vài tuần thực hiện, đến nay vẫn có nhiều bệnh nhân, người thân không biết chăm sóc mình và người nhà của mình cụ thể tại nhà như thế nào. Nhiều cộng đồng xuất hiện tâm lý kỳ thị, hoang mang lo sợ khi trong khu mình sinh sống có người bị nhiễm đang điều trị tại nhà.
Đó là lý do vì sao, rất nhiều bệnh nhân điên cuồng đổ xô tới các bệnh viện lớn, chấp nhận trả thêm tiền để được nhập viện tư nhân.
WHO HƯỚNG DẪN VỀ ĐIỀU TRỊ NGƯỜI MẮC COVID-19 TẠI NHÀ
Với người bệnh:
- Ở trong phòng thông thoáng, tách biệt, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay.
- Khi bị sốt, có thể dùng các biện pháp điều trị triệu chứng hoặc dùng thuốc hạ sốt.
- Ăn uống đủ chất, uống đủ nước, duy trì thói quen ăn uống tốt.
- SARS-CoV-2 là một loại virus, không khuyến khích sử dụng kháng sinh.
- Có thiết bị theo dõi nồng độ oxy trong máu.
- Khi thở gấp hoặc khó thở, đau ngực... cần báo với cơ quan y tế.
Với người chăm sóc:
- Đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay.
- Có sức khỏe tốt.
- Khi đưa thức ăn, đồ dùng cho người mắc Covid-19, cần đeo găng tay, mặc đồ bảo hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp. Đồ bảo hộ, găng tay chỉ sử dụng 1 lần.
- Găng tay, khẩu trang và các chất thải khác trong quá trình bệnh nhân điều trị tại nhà phải được đặt trong thùng rác có nắp đậy trong phòng bệnh nhân và được xử lý như rác thải truyền nhiễm.
- Thường xuyên lau dọn sạch các bề mặt hay tiếp xúc nhiều bằng nước chứa 0,1% Natri hypochlorit (javen). Quần áo và khăn phải được giặt ở nước nóng từ 60 - 90 độ.
- Dùng riêng các đồ dùng cá nhân như bát, đũa, ga giường.
- Theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày kể từ lần cuối cùng tiếp xúc người bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận