Thế giới giao thông

Thái Lan quyết làm rõ nghi vấn Toyota hối lộ để hưởng lợi thuế

01/06/2021, 06:44

Tập đoàn Toyota Motor (Nhật Bản) đang điều tra nội bộ đối với Công ty Toyota Motor tại Thái Lan hối lộ lãnh đạo tòa án để hưởng lợi thuế.

img

Dây chuyền sản xuất xe Prius của Toyota tại Thái Lan

Vấn nạn tham nhũng tại Thái Lan lại nổi lên sau nghi vấn Toyota Motor tại Thái Lan (TMT), công ty con của Tập đoàn Toyota Motor hối lộ lãnh đạo tòa án để hưởng lợi về thuế. Trong động thái mới nhất, giới chức nước này cho biết sẽ “không khoan nhượng” đối với bất cứ vi phạm nào.

Nghi vấn hối lộ lãnh đạo tòa án

Theo Bangkok Post, hiện Tập đoàn Toyota Motor (Nhật Bản) đang điều tra nội bộ đối với nghi ngờ Công ty Toyota Motor tại Thái Lan (TMT) đã trả tiền cho một số công ty luật bên ngoài hoặc các tư vấn viên để họ chuyển hoặc chia tiền cho cố vấn tòa án hay một số quan chức tòa án tại Thái Lan nhằm đảm bảo hãng xe này sẽ được xử có lợi trong vụ kiện tranh chấp thuế đối với xe lai (hybrid) Prius tại đất nước Đông Nam Á.

Mâu thuẫn về thuế xuất phát từ năm 2015 khi cơ quan hải quan Thái Lan tố cáo Công ty Toyota tại nước sở tại báo cáo sai lệch về xe Prius. Theo cơ quan này, Prius là xe nhập khẩu nguyên chiếc nhưng Toyota khẳng định đây là xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu (CKD).

Nếu là xe CKD, Prius sẽ được giảm thuế theo thỏa thuận thương mại tự do Thái Lan - Nhật Bản; còn nếu được xác định là phương tiện nhập khẩu nguyên chiếc sẽ bị tính thuế cao hơn.

Ban đầu, Tòa sơ thẩm ra phán quyết khẳng định hải quan Thái Lan đúng và TMT phải đóng thêm 11 tỷ baht (khoảng 8,1 nghìn tỷ VNĐ) tiền chênh lệch thuế trong vòng 2 năm cho Chính phủ Thái Lan.

Ngay trong năm 2015, Toyota đã kháng cáo phản đối quyết định tăng thuế với xe Prius. Tòa Phúc thẩm Thái Lan bác quyết định của Tòa sơ thẩm, chấp nhận đơn của Toyota nhưng đến nay vẫn chưa bắt đầu xét xử.

Tập đoàn mẹ Toyota nghi ngờ công ty con tại Thái Lan đã trả tiền cho 1 cựu Chánh án Tòa án Tối cao Thái Lan và một cố vấn cấp cao Tòa án Tối cao để thuyết phục Chánh án Tòa án Tối cao thời điểm đó chấp nhận kháng cáo của Toyota.

Toyota đã thực hiện cuộc điều tra riêng, đồng thời nộp hồ sơ về những vi phạm có thể có lên Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ từ tháng 4/2020. Hai cơ quan này đã vào cuộc điều tra nhưng đến nay vẫn chưa tiết lộ thêm thông tin. Cả hai cơ quan của Mỹ đều từ chối bình luận.

Sở dĩ, Toyota phải báo cáo lên 2 cơ quan trên của Mỹ vì công ty này hoạt động dưới phạm vi của đạo luật chống hành vi tham nhũng nước ngoài của Mỹ, trong đó cấm hành vi hối lộ ở bên ngoài nước Mỹ cho các công ty hoặc cá nhân có liên quan đến Mỹ.

Các cơ quan quản lý ở Mỹ, Vương quốc Anh và Nhật Bản từng điều tra rất nhiều vụ tham nhũng, trong đó các công ty đa quốc gia trả tiền hối lộ ở Thái Lan.

Phía Toyota khẳng định sẵn sàng hợp tác với các cơ quan điều tra liên quan và từ chối bình luận về vụ tranh chấp thuế tại Thái Lan. “Chúng tôi luôn xem xét rất nghiêm túc mọi hành vi sai trái và cam kết đảm bảo hoạt động kinh doanh của Toyota hoàn toàn tuân thủ mọi quy định pháp luật hiện hành ở nước sở tại”, theo thông báo của hãng xe Nhật.

Kiên quyết xử phạt bất kể là ai

Ngay sau khi có thông tin, Tòa Công lý Thái Lan cam kết sẽ có hành động kiên quyết đối với những cá nhân vi phạm pháp luật.

Đại diện Tòa án Công lý Thái Lan Suriyan Hongwilai khẳng định, văn phòng của ông đã đề nghị giới chức Mỹ cung cấp thông tin và đang chờ phản hồi. Vị này khẳng định, nếu cơ quan này phát hiện hoặc xác nhận có hành vi hối lộ sẽ lập tức kỷ luật bất chấp người thực hiện hành vi sai trái là ai, ở vị trí nào.

Sự việc này sẽ là một trong những dấu mốc để đánh giá cuộc chiến chống tham nhũng mà Thái Lan đang chú trọng thực hiện trong nhiều năm trở lại đây.

Đất nước Chùa Vàng là một trong những quốc gia thuộc Đông Nam Á có chủ trương siết chặt các quy định luật pháp phòng chống tham nhũng, nâng tầm kế hoạch chống tham nhũng lên chương trình nghị sự quốc gia.

Đáng chú ý, năm 2018, Thái Lan đã ban hành Luật chống tham nhũng mới trong đó chú trọng đấu tranh chống hành vi hối lộ, tư lợi trong lĩnh vực tư nhân, mở rộng đối với cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu như trước đây, Thái Lan chỉ tập trung vào những người nhận hối lộ, cụ thể là quan chức chính phủ thì với sửa đổi mới, nước này mở rộng ra cả những người hối lộ, bao gồm cả các tập đoàn và cá nhân trong lĩnh vực tư nhân.

Nếu công ty nước ngoài tại Thái Lan thực sự xảy ra tình trạng hối lộ vì lợi ích của doanh nghiệp và công ty không có biện pháp nội bộ thích hợp để ngăn chặn thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Mức phạt tối đa đối với hành vi hối lộ có thể là gấp đôi thiệt hại thực tế hoặc lợi ích thu được thông qua hành vi tham nhũng.

Toyota là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan và công ty con Toyota Thái Lan (TMT) là cơ sở sản xuất ô tô lớn nhất của hãng tại Đông Nam Á. Đây là nơi hãng xe Nhật chọn để sản xuất rất nhiều mẫu xe chở khách, xe tải nhẹ, xe bán tải cho thị trường địa phương cũng như xuất khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.