Thế giới giao thông

Thái Lan xây thêm sân bay dân dụng để giảm tải

09/06/2015, 19:05

Thái Lan dự định đầu tư 2,01 tỉ USD để mở rộng, nâng cấp sân bay Suvarnabhumi,...

Sân bay Suvarnabhumi đã quá tải
Không chỉ Suvarnabhumi, nhiều sân bay của Thái Lan đều rơi vào cảnh quá tải.

Hạn chế chuyến bay vì không phận quá chật

Mới đây, ông Prajin Janthong,  Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan cho biết: Sẽ hạn chế số lượng chuyến bay vào nước này. Dự kiến, chính sách “Rộng mở bầu trời có điều kiện” sẽ được công bố chi tiết vào tháng 9 tới, nhằm hạn chế số lượng chuyến bay, cân nhắc kỹ khả năng mỗi sân bay chứa được bao nhiêu người. Kế hoạch này sẽ được trình lên nội các sau đó triển khai thi hành ngay lập tức.

Thái Lan bắt đầu áp dụng chính sách “Rộng mở bầu trời” từ năm 2001 để thúc đẩy du lịch. Từ đó đến nay, số chuyến bay quốc tế và nội địa liên tục tăng. Hiện mỗi ngày Sân bay Suvarnabhumi đón 800 chuyến bay; trong khi thiết kế ban đầu chỉ để đón 600 chuyến. Về sức chứa, thiết kế của Suvarnabhumi chỉ có thể phục vụ 45 triệu lượt khách/năm song thực tế nó phải đón thêm năm triệu lượt. Sân bay quốc tế Phuket - sân bay bận rộn thứ hai Thái Lan, được thiết kế để đón 20 chuyến bay/giờ, nay vọt lên 23 chuyến/giờ.

Giới chức Thái Lan khẳng định, những thay đổi này là cần thiết, một phần để đảm bảo an toàn vì không phận và sân bay của họ đã quá tải. Mặt khác, sang năm, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) sẽ tới Thái Lan trong chương trình kiểm định an ninh toàn cầu. Nếu một lần nữa Thái Lan không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn, sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề còn tồi tệ hơn bây giờ.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải không ít phản ứng từ những các hãng hàng không. Ông Santisuk Klongchaiya, Giám đốc thương mại của Hãng hàng không Thai AirAsia thừa nhận không phận Thái Lan đã quá chật; nhưng theo ông, số lượng chuyến bay tại hai Sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang tăng mạnh không liên quan tới các vấn đề về an toàn đang phải đối mặt. Còn Giám đốc điều hành Hãng hàng không Nok Scoot, ông Piya Yodmani cho rằng, các hãng hàng không rất bối rối trước kế hoạch này của chính phủ. Theo ông, thay vì chấm dứt chính sách rộng mở bầu trời, chính phủ nên chuẩn bị những phương án dài hơi để giải quyết vấn đề này. Ông Piya nghi ngại, một khi được áp dụng, kế hoạch này sẽ làm hoen ố hình ảnh của Thái Lan.

Mở rộng, nâng cấp sân bay

Đoán trước được thực trạng này, từ tháng 8/2010, Thái Lan thông qua ba dự án mở rộng, nâng cấp tại sân bay Suvarnabhumi; trong đó mở rộng nhà ga số 2 lên 214 nghìn km2 dự kiến đón 20 triệu khách/năm. Theo ước tính năm 2014, ba dự án trên sẽ tiêu tốn khoảng 2,01 tỉ USD,  chủ yếu từ ngân sách nhà nước, còn lại là từ các tổ chức đầu tư nước ngoài (Nhật, Trung Quốc). Tuy nhiên, kế hoạch này bị sửa đổi và hoãn tới hoãn lui do các biến cố chính trị. Ngày 20/5/2015, chính phủ mới quyết định: Sau khi, đánh giá lại tác động về môi trường và sức khỏe; kế hoạch này thực hiện vào năm 2018, hoàn thiện vào năm 2020. Khi hoàn thành, Sân bay Suvarnabhumi sẽ có sức chứa lên tới 85 triệu lượt khách/năm.

Trong khi chờ đợi  cải tạo lại Sân bay Suvarnabhumi, đầu tháng 6 này, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan - Kraisorn Jansuwanit cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông - Prajin Juntong đã ký bản ghi nhớ xây dựng sân bay thương mại mới trong căn cứ quân sự hải quân U-Tapao gần Bangkok để giảm tải lượng khách du lịch tới đất nước này. Theo đó, Sân bay U-Tapao sẽ phục vụ đồng thời quân sự và thương mại từ ngày 1/6/2016.

Trong kế hoạch xây dựng, chính phủ sẽ xây mới một nhà ga đón khách trị giá 200 triệu baht để nâng khả năng đón khách từ 800 nghìn lên tới 3 triệu khách/năm và tiếp tục tăng lên 5 triệu khách cho tới năm 2020.Theo ông Juntong, tình hình tắc nghẽn nghiêm trọng tại Sân bay Suvarnabhumi đặt ra ra đòi hỏi cấp thiết cần phải nâng cấp Sân bay U-Tapao để giảm tải cho Suvarnabhumi. Sân bay này chỉ cách Pattaya - địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ. Khi đưa vào hoạt động, U-Tapao sẽ trở thành sân bay thương mại thứ ba của Thủ đô Bangkok.

Sân bay Suvarnabhumi đi vào hoạt động năm 2006 nhằm thay thế sân bay quốc tế Don Mueang. Sân bay Don Mueang từng nhiều lần được nâng cấp, có khả năng phục vụ 30 triệu khách/năm. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển của Thủ đô Bangkok nên sân bay này dần dần bị các công trình hạ tầng dân sinh bao bọc.

Đây cũng là một trong những lý do chính khiến Don Mueang bị mất danh hiệu sân bay số 1 khu vực Đông Nam Á vào tay Sân bay Changi của Singapore. Điều này dẫn đến sự tranh cãi của giới chuyên môn và giới chức trong việc tận dụng vị trí địa lý để duy trì vị thế là trung tâm hàng không của ASEAN.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.