Điều tra

Thái Nguyên: Đua xây nhà, trồng cây đón đền bù dự án nghìn tỷ

30/03/2016, 15:25

Đối với 3 hộ dân xây nhà trái phép xã đã gửi công văn yêu cầu tháo dỡ.

IMG_0958
Dù dự án chưa có quy hoạch cụ thể nhưng nhiều hộ dân đã cơi nới, xây dựng công trình để đón đền bù

Ngay sau lễ động thổ xây dựng khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc sáng 17/2 tại xã Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên, nhiều hộ dân đã phớt lờ chính quyền tiến hành trồng cây, cơi nới nhà trái phép để đón đền bù giải phóng mặt bằng.

Với mục tiêu xây dựng và kết nối khu du lịch Hồ Núi Cốc với khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, di tích lịch sử Tân Trào, khu du lịch Hồ Ba Bể… nhằm tạo thành một chuỗi du lịch sinh thái, tâm linh, lịch sử nối liền khu vực miền núi phía Bắc, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng siêu dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc với số vốn lên đến 15.000 tỷ đồng. Nhưng ngay sau khi lễ động thổ khởi công dự án, tại khu vực đền Gàn, xã Vạn Thọ, một số hộ dân tại đây đã đua nhau cơi nới nhà trái phép, trồng cây để đón đền bù.

Đua nhau “đi tắt, đón đầu”

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, tại khu vực xóm 9, xã Vạn Thọ, cạnh khu di tích đền Gàn có 3 hộ dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Theo quan sát thì những ngôi nhà trên mới được cơi nới thêm bằng gạch bi và lợp mái tôn một cách cẩu thả. Xung quanh con đường dẫn vào khu vực động thổ dự án và một số khu vực xóm 9, xóm 10 lác đác cũng xuất hiện những khu vực trồng chè mới, không theo quy hoạch và phương pháp thâm canh. Tuy nhiên, tại thời điểm PV có mặt thì những hoạt động này không còn tiếp diễn.

Trả lời câu hỏi của PV về thực trạng xây dựng đón đền bù tại địa phương, ông Trần Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Thọ thừa nhận có tình trạng trên. Ông Trọng cho biết, xã đã tiến hành kiểm tra và đưa ra biện pháp xử lý. Hiện tại trong xã có 3 hộ dân xây nhà trái phép và khoảng gần 20 hộ trồng cây mới đón đền bù. Đối với 3 hộ dân xây nhà trái phép xã đã gửi công văn yêu cầu tháo dỡ (hiện đang trong quá trình giải quyết) còn các hộ dân trồng mới thì cũng đã cử cán bộ xuống tận nơi nhắc nhở.

Ngay sau khi sự việc diễn ra, huyện đã lập đoàn kiểm tra, cắm chốt, để kịp thời ngăn chặn, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giải thích cặn kẽ đến từng hộ dân. Bên cạnh đó, đoàn công tác của huyện đã kiểm đếm diện tích cây trồng và công trình tại thời điểm kiểm tra, tuyên truyền cho bà con hiểu rằng, nếu cố tình trồng mới sẽ không được được đền bù dù dự án có lấy đất.

“Vấn đề bây giờ là ngay cả chính quyền xã cũng chưa rõ quy mô dự án cũng như chưa nắm được quy hoạch cụ thể nên việc người dân xây dựng đón đền bù trước là rất nguy hiểm. Người dân đầu tư tiền của để xây dựng, cơi nới có thể gây thiệt hại cho chính họ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân thiếu hiểu biết vẫn nghe theo sự kích động của một số đối tượng xấu, lén lút cơi nới và trồng cây mới bất chấp hậu quả”, ông Trọng cho hay.

Nguy cơ thành “canh bạc” trắng tay

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ cũng thừa nhận có sự việc một số hộ dân đã cơi nới và xây dựng thêm một số hạng mục trên diện tích đất nông nghiệp, một số khác đã tích cực trồng thêm một diện tích lớn cây chè với mục đích đón đền bù ngay sau lễ khởi công.

Ông Sơn cũng cho biết thêm về chủ trương huyện ngăn cấm triệt để tình trạng này và đã có công văn chỉ đạo về các xã mà dự án đi qua thường xuyên kiểm tra ngăn chặn không để sự việc tiếp diễn. Huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra và cử cán bộ đến từng hộ dân tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và làm đúng; Đồng thời tiến hành kiểm tra, ghi chép, quay phim, chụp hình thực trạng đất đai trước và sau giải tỏa. “Nếu phát hiện hộ nào xây dựng, trồng cây mới sẽ kiên quyết không chi trả đền bù”, ông Sơn khẳng định.

“Sự việc đến thời điểm hiện tại thì huyện đã cơ bản ngăn chặn được bởi số hộ dân cố tình làm sai không nhiều nhưng nếu không tuyên truyền và xử lý dứt điểm sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Đây là bài học của nhiều xã trong huyện bởi trước đây đã từng có nhiều người dân bất chấp sự khuyên ngăn của chính quyền, vay mượn đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng, trồng cây đón đền bù, nhưng cuối cùng không được đền bù do nằm ngoài quy hoạch, nhiều hộ đã lao đao vì nợ nần”, ông Sơn khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.