70 năm truyền thống ngành GTVT

Thái Nguyên hướng tới 70 năm thành lập ngành GTVT

22/06/2015, 13:08

Những công trình về đích đúng hẹn, những hoạt động xã hội ý nghĩa cũng chính là các hành động thiết thực...

IMG_1342
Dự án nâng cấp mặt đường QL37 sẽ hoàn thành trong tháng 6.

Cùng với việc hoàn thành nhiều dự án trọng điểm đúng hẹn, hàng loạt hoạt động xã hội mang ý nghĩa thiết thực cho người dân trong vùng cũng đã được các cán bộ, công nhân viên ngành GTVT Thái Nguyên triển khai trong thời gian qua. Những công trình về đích đúng hẹn, những hoạt động xã hội ý nghĩa cũng chính là các hành động thiết thực mà ngành GTVT Thái Nguyên hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành GTVT Việt Nam tới đây…

Thu hút đầu tư tăng mạnh nhờ hạ tầng giao thông

Chiều 8/6, Giám đốc BQL các dự án giao thông Thái Nguyên Phạm Quang Anh thông tin: Trong ba công trình Chào mừng 70 năm thành lập ngành GTVT và Đại hội Đảng các cấp gồm Tỉnh lộ (TL) 266, TL 269 và QL37 thì đến nay, dự án nâng cấp, cải tạo TL269 lên thành QL17 có tổng vốn đầu tư khoảng 80 tỷ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đều được huy động từ ngân sách của địa phương đang bám sát tiến độ. Công trình này sẽ hoàn thành trước tháng 10 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Riêng QL37 có tổng giá trị đầu tư khoảng 55 tỷ hiện đã hoàn thành được 80%, TL266 với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng hiện đã cơ bản và sẽ hoàn thiện trong tháng 6 chào mừng 70 năm truyền thống ngành GTVT.

Tại hiện trường dự án nâng cấp mặt đường QL37, có tổng số vốn đầu tư 55 tỷ đồng, đoạn qua huyện Đại Từ, PV Báo Giao thông chứng kiến nhà thầu Công ty CP 236 đang khẩn trương thực hiện bù vênh một số đoạn để chuẩn bị cho việc thảm lại mặt đường. Đại diện nhà thầu tại đây cho biết theo tiến độ, đến ngày 6/7 đơn vị sẽ hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư để đưa vào sử dụng.

DSCF3038
Đoạn đường 2 km do Sở GTVT thi công đã vượt tiến độ, chất lượng bảo đảm, giúp sinh hoạt của đồng bào Mông thuận lợi hơn.

Ông Phạm Quang Anh cũng cho biết, quá trình triển khai dự án, Ban đã chủ động tìm kiếm các nguồn vốn, cân đối hợp lý với yêu cầu thi công thực tế, kịp thời báo cáo đề xuất bố trí nguồn và không để tình trạng nợ đọng các nhà thầu, tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”, chính vì vậy, đến nay, các dự án đã được hoàn thiện theo đúng tiến độ đề ra.

Trước đó, chia sẻ với PV, Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên Trương Văn Phụng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc tích cực phối hợp triển khai hoàn thành một số dự án giao thông trọng điểm thời gian qua, góp phần không nhỏ cho việc thu hút các nhà đầu tư lớn đến Thái Nguyên, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

“Việc phát triển hạ tầng giao thông không chỉ là tiền đề và động lực cho phát triển KT-XH, đảm bảo các kết nối với  hệ thống hạ tầng giao thông toàn vùng phía Bắc mà còn tạo hệ thống giao thông huyết mạch, kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đặc biệt, Thái Nguyên lại là tỉnh có thể phát triển công nghiệp. Thời gian qua, từ việc tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường huyết mạch xung quanh khu công nghiệp Samsung Thái Nguyên, hiệu quả đã chứng minh là năm đầu năm 2013, Tập đoàn điện tử Samsung đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động vào khu công nghiệp Yên Bình với số vốn ban đầu là 3 tỷ USD thì ngay trong năm 2014 nhà máy đã đi vào sản xuất với giá trị xuất khẩu được gần 8 tỷ USD.

Đến nay Tập đoàn điện tử Samsung đã nâng số vốn đầu tư lên 5 tỷ USD, dự kiến trong năm 2015 giá trị xuất khẩu sẽ tăng trên 10 tỷ USD cùng với tạo công ăn việc làm cho trên 50 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ vào tăng ngân sách cho địa phương”, ông Trương Văn Phụng dẫn chứng.

Nhiều hoạt động xã hộiý nghĩa, thiết thực

Cùng với công tác chuyên môn, trong 5 năm trở lại đây, nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa đã được tập thể lãnh đạo, CBCNV ngành GTVT Thái Nguyên tích cực triển khai. Chánh Văn phòng Sở GTVT Thái Nguyên Tân Hoàng Long chia sẻ với chúng tôi câu chuyện CBCNV của Sở đảm nhận hoàn thành 2 km đường bê tông lên bản người Mông nằm cách TP Thái Nguyên gần 80km, giáp huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh tháng 2/2015 vừa qua về việc Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở GTVT Thái Nguyên đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các ngành chức năng trong tỉnh nhanh chóng đẩy mạnh một số dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như cải tạo, nâng cấp QL3 đoạn đầu cầu Đa Phúc, xây dựng tuyến đường quốc gia gồm đường Hồ Chí Minh, QL1B, QL37 đạt cấp III miền núi; triển khai xây dựng tuyến trục ngang liên tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Tuyên Quang; nâng cấp tuyến trục dọc liên tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Hà Giang theo hướng thành tuyến QL3C, nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà thành ĐT270B; đường Hóa Thượng - Hòa Bình thành ĐT273; tuyến nút giao Yên Bình - Bắc Giang; đường Vành đai 5 đoạn từ Phổ Yên - Phú Bình.

Đây là công trình nằm trong Đề án phát triển KT-XH, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2037). Trước đây, đoạn đường hơn 6km dẫn lên đỉnh núi bản Lân Thùng, xóm  Đồng Dong, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, nơi sinh sống của bà con dân tộc Mông là con dốc ngoằn ngoèo, dựng đứng hiểm trở, lổn nhổn sỏi đá mà ít ai dám lên, xuống khi trời mưa.

“Đảm nhận từ thiết kế, đến tổ chức thi công 2 km đường với quy mô chiều rộng 3 m, lớp bê tông xi măng dày 18 cm, tỉnh hỗ trợ vật liệu, Sở chịu trách nhiệm tổ chức thi công xây dựng với tổng kinh phí nhân công, máy móc khoảng 600 triệu đồng. Khi đó, Sở GTVT chịu trách nhiệm phụ trách trưởng nhóm thi công. Ngoài chuyện đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật đổ bê tông, anh em còn phải cố gắng san gạt nền đường đảm bảo độ dốc êm thuận. Sở đã huy động anh em đóng góp kinh phí, thuê thiết bị làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật. 5 kỹ sư được cử xuống ăn, ngủ tại công trình để chỉ đạo tổ chức thi công. Sau gần 1 tháng, 2 km do Sở đảm nhận đã hoàn thành trước Tết Nguyên đán để bà con hân hoan đón Tết”, ông Long cho biết thêm.

Quan điểm của ngành GTVT Thái Nguyên là các hoạt động xã hội sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển, song hành cùng hoạt động chuyên môn trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển KT-XH một cách bền vững của địa phương”.

Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên

Ông Ngô Văn Sinh, một trong những người có uy tín của bản Lân Thùng vui mừng nói với PV: “Có đường bê tông, đường về nhà, đi chợ giờ thuận lợi, dân bản vui lắm; ngày mưa không còn lo ngã xe vì đường dốc trơn, cũng không còn phải người dắt, người đẩy xe đi bộ, có khi mất nửa ngày mới về đến nhà”.

Lãnh đạo xã Phương Giao cho biết thêm: “Lân Thùng có 83 hộ gia đình, trên 400 nhân khẩu, 100% đồng bào là người dân tộc Mông. Trước đây việc đi lại của bà con hết sức khó khăn. Để giúp đồng bào Mông ở Lân Thùng có điều kiện phát triển KT-XH, ổn định đời sống và sản xuất, UBND tỉnh, các sở, ban ngành đã huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng tuyến đường vào khu với tổng kinh phí 9 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 6,2km, mặt đường rộng 3m được đổ bê tông theo tiêu chuẩn đường giao thông loại B. Đoạn đường 2 km do Sở GTVT thi công đã vượt tiến độ sớm, chất lượng bảo đảm giúp cho đồng bào Mông sớm có đường đi và thuận lợi trong giao thương, buôn bán. Hiện nay, đời sống của bà con nơi đây đã được cải thiện”.

Không chỉ Lân Thùng, Phương Giao, trong những năm qua, nhiều hoạt động từ các sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên ngành GTVT Thái Nguyên đã đến với người dân, học sinh, thông qua các hoạt động xã hội thiết thực. Đó là việc Sở vận động CBCNV đóng góp tiền của và ngày công để xây dựng các công trình đường GTNT tại các xã miền núi khó khăn, hỗ trợ thiết kế miễn phí cho các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng sân khấu, mua sắm bàn ghế cho trường học… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.