Xã hội

Tham gia CPTPP: "Không thể mang tư duy "chôm", "copy" đi hội nhập"

02/11/2018, 12:23

Khi ra sân chơi thế giới, văn hoá phải thay đổi, từ văn hoá sáng tạo, nếu “chôm”, "copy" thì không hội nhập được.

ĐB Nguyễn Việt Dũng

ĐB Nguyễn Việt Dũng - TP.HCM

Đó là quan điểm được ĐB Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở khoa học Công nghệ TP HCM nhấn mạnh khi thảo luận tại tổ về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, sáng 2/11.

Đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Nguyễn Việt Dũng lưu ý lĩnh vực này phải được hỗ trợ bởi khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm vấn đề thể chế, nếu Chính phủ không làm sớm sẽ khó khăn cho người dân.

Giám đốc Sở khoa học Công nghệ TP HCM cũng kiến nghị hoàn thiện luật pháp về sở hữu trí tuệ. "Tư duy quản trị phải 4.0, cứ 2.0 thì khó thay đổi lắm. Mình phải tạo điều kiện để sự sáng tạo phát triển", ông nói và nhấn mạnh, năng lực thực thi của chính quyền và văn hoá của cộng đồng cũng phải được chuẩn bị.

"Khi ra sân chơi thế giới, các văn hoá phải thay đổi, từ văn hoá sáng tạo. Hiện đang có thực trạng “chôm”, copy... khi hội nhập thì không được" - ông Dũng lưu ý.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, khi gia nhập CP TPP thì Việt Nam có cơ hội lớn và thách thức không nhỏ. Theo đó, cơ hội là Việt Nam sẽ được tiếp cận tài chính thương mại toàn cầu, đẩy nhanh hội nhập quốc tế, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhanh hơn, mở ra thị trường mới rộng hơn với khoảng 500 triệu dân.

Phân tích thêm, ông Ngân cho biết, CTPPP gồm 11 quốc gia - đều là những nước giàu, GDP bình quân đầu người là trên 30.000 USD, trong đó Canada là hơn 45.000 USD, Australia là 55.700 USD, Newzeland là 41.600 USD, Singapore là 57.500 USD, chỉ có Việt Nam GDP thấp nhất là 2.380 USD. "Khi thu nhập cao, tiêu dùng nhiều, Việt Nam sẽ có cơ hội tạo ra sản phẩm chất lượng và giá cả thích hợp. Chúng ta không nhắm đến hàng giá rẻ mà là hàng tiêu chuẩn cao, phù hợp với người có thu nhập cao", ông Ngân nêu quan điểm.

Ông cũng nhận định, dư địa để Việt Nam phát triển hàng hoá vào thị trường này còn rất lớn, nhưng cũng lưu ý đây là thị trường rất kén sản phẩm.

Từ thực tế khi gia nhập WTO năm 2007, ông Ngân cho biết khi đó chúng ta phấn khích vì nghĩ hàng Việt nam sẽ đi ra biển lớn, nhưng thực tế hàng các nước vào nhiều hơn, nhập siêu nghiêm trọng dẫn đến bất ổn vĩ mô. Bởi vậy, theo ĐB này, khi ký xong CPTPP, ta cũng phải lưu ý thực tế đã nêu, bởi dù có công ăn việc làm, GDP tăng trưởng thêm nhưng biến đổi về xuất nhập khẩu cũng có thể dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại, gây bất ổn về tỷ giá.

Cùng chung lo lắng, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng khi gia nhập CPTPP, thuế sẽ giảm cả 2 chiều, sẽ có lợi cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, nếu chúng ta có đầu tư tốt thì có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, bà lan lại lo lắng về cán cân nhập khẩu. Theo bà, nếu doanh nghiệp Việt không cố gắng thì sẽ “mất thị trường”, vì thế cần phải có chiến lược tầm quốc gia.

Nhấn mạnh thị trường là yếu tố quyết định, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nước ta có khoảng 100 triệu dân, đây sẽ là một lợi thế khi hội nhập thế giới, tham gia CPTPP. "Nhưng lợi thế ấy chỉ được phát huy khi năng suất lao động, trình độ phát triển của chúng ta đủ cạnh tranh và thị trường đó là dành cho người Việt" - ông Dũng lưu ý.

Ông đề nghị sau khi Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP thì ngay lập tức Chính phủ phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài, làm rõ những mặt chưa được và những thách thức, nói rõ việc DN và người dân cần phải làm để chúng ta có lợi thế nhất trong ký kết này.


"Để làm được việc đó có hiệu quả nhất thì cái quan trọng vẫn là khoa học công nghệ, chỉ có khoa học công nghệ trong lúc này thì mới tăng được năng suất lao động"- ông Dũng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.