Kinh tế

Tham gia CPTPP, ngành nào của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhất?

09/03/2018, 18:51

Tham gia Hiệp định CPTPP, những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày... sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

hiep-dinh-CPTPP

Hiệp định CPTPP vừa được 11 nước thành viên thông qua trong đó có Việt Nam 

Chiều 9/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới nền kinh tế Việt Nam, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu sẽ tăng thêm 4% nhờ những thỏa thuận trong CPTPP.

“Theo hiệp định này, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm nhưng với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 đến 10 năm. Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương, dệt may, giày dép của Việt Nam cũng nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi. Ngoài ra, các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%, thậm chí có nước như Canada, Nhật Bản dành cho 90% các mặt hàng công nghiệp Việt Nam có thuế nhập khẩu 0%”, ông Thái nói.

Ngoài hàng rào thuế quan còn có hàng rào phi thuế quan, nhưng theo ông Thái, khi tham gia CPTPP, các nước sẽ có lợi thế tốt hơn, đặc biệt trong đấu tranh khi có một hàng rào thương mại được dựng lên hoặc những cân nhắc để vượt qua rào cản thương mại đó. Ví như rào cản kiểm dịch động, thực vật để xem xét sản phẩm nông sản nhập khẩu, với các nước tham gia CPTPP có tiêu chuẩn chung, thời gian để công nhận sản phẩm đó sẽ nhanh hơn nhiều, rút ngắn từ 7 năm còn khoảng 2 năm.

Trả lời câu hỏi ngành nào sẽ được hưởng lợi lớn khi Hiệp định CPTPP thực thi, ông Thái cho biết: những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm sẽ được hưởng lợi nhiều nhất bởi thị trường được mở rộng và nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lộ trình thực thi cam kết CPTPP sẽ kéo dài hơn, tập trung vào mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế trong khi các nước tham gia CPTPP không có sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ hiệp định CPTPP phần lớn tập trung vào mặt hàng nông sản, sản phẩm chăn nuôi như sản phẩm thịt gà và thịt lợn vì năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao. Việt Nam cần có bước chuẩn bị tốt hơn đối với các sản phẩm này để đối phó và vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn chung của hiệp định.

Lợi ích lớn nhất từ việc tham gia CPTPP là thông qua việc các nước cùng thực hiện tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư theo hướng cởi mở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó nâng cao khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. “Lợi ích gián tiếp này được nhận định còn lớn hơn rất nhiều lợi ích trực tiếp mà các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng từ CPTPP”, ông Thái nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.