Chuyện dọc đường

Thảm họa đến từ sự vô ý thức

25/10/2016, 07:25

Rất nhiều anh em công nhân đường sắt phải toát mồ hôi hột để nhanh chóng lắp đặt lại hệ thống đèn tín hiệu...

3

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thăm hỏi gia đình nạn nhân Đặng Duy Tùng

Rất nhiều anh em công nhân đường sắt phải toát mồ hôi hột để nhanh chóng lắp đặt lại hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo đường ngang vừa bị đâm đổ do vụ tai nạn đường sắt khiến 7 người thương vong tại Thường Tín (Hà Nội) vào sáng qua (24/10).

Vừa lắp đặt xong, anh em cho chạy thử hệ thống xem ý thức người đi đường ra sao để điều chỉnh. Dù có đèn báo hiệu nháy đỏ, chuông đổ dồn liên hồi nhưng chiếc xe tải loại 1,5 tấn BKS 30C - 327... vẫn vô tư băng qua đường ngang. Mọi người chứng kiến chỉ còn biết lắc đầu vì ý thức của người tài xế điều khiển chiếc xe tải này quá kém, nếu không muốn nói là quá coi thường tính mạng của chính mình và cả những người tham gia giao thông khác.

Dường như tài xế chiếc xe tải không biết cách đây chỉ hơn 5 tiếng đồng hồ tại vị trí trên, tài xế xe ô tô CRV BKS 30A- 602.25 cũng chỉ vì không chấp hành đèn cảnh báo và chuông kêu cảnh báo an toàn đường sắt nên đã phải trả một cái giá quá đắt. Cả chiếc xe ô tô nằm chắn ngang đường ray và bị đoàn tàu nặng hàng nghìn tấn đâm trực diện ở tốc độ khoảng 50km/h. Xe ô tô bị dập nát, vương vãi máu. 6 người trên chiếc xe ô tô du lịch đã ra đi mãi mãi chỉ vì vài giây mất tập trung của người tài xế, dù đường ngang này rất rộng và thoáng, tầm nhìn không bị che khuất. Hậu quả thật đau xót.

Tôi nhớ lần xin lên đầu máy mới đây để thực tế tuyến đường sắt miền Trung. Ngồi trên máy mới thấy sự liều lĩnh đến đáng sợ của nhiều người đi đường. Còi đã hú to liên hồi, nhưng ở đường ngang phía trước cách chỉ hơn trăm mét, người đi xe đạp vẫn thản nhiên băng qua đường ngang dân sinh như thể đoàn tàu đang lao tới chỉ là vô hình.

Nhiều người vẫn đổ lỗi cho hạ tầng đường sắt không đồng bộ nên mới khiến xảy ra nhiều vụ TNGT thế. Nhưng thử hỏi ngược lại ý thức của nhiều người tham gia giao thông đã tốt chưa, khi vẫn cố tình băng qua đường ngang dù tín hiệu cảnh báo đã bật sáng. Có thể hạ tầng chưa tốt, nhưng trước khi đổ lỗi cho hạ tầng hãy biết cách tự bảo vệ mình bằng việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông.

Luật cũng đã quy định trước khi băng qua đường ngang, người đi bộ và người điều khiển phương tiện phải dừng lại, lắng nghe còi tàu, quan sát trên đường sắt từ xa ở 2 phía đường ngang. Nếu thấy tàu hoặc phương tiện giao thông đường sắt đang đến gần thì phải dừng trước đường ngang cách má ray ngoài cùng trở ra ít nhất 5m. Khi không có tàu mới băng qua đường ngang.  Điều luật này nên được tuyên truyền mạnh mẽ hơn để trở thành kỹ năng cho mọi người tham gia giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.