Chất lượng sống

Thảm hoạ: Hồ lớn thứ 4 thế giới đang dần bốc hơi hết

30/09/2014, 07:09

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), "lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, lưu vực phía đông của biển Aral - hồ lớn thứ 4 thế giới hoàn toàn bốc hơi".

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), “lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, lưu vực phía đông của biển Aral - hồ lớn thứ 4 thế giới hoàn toàn bốc hơi”.

Biển Aral vào năm 1989 (trái) – khi đã “co” lại khá nhiều so với trước năm 1960, và gần như biến mất vào mới đây (Ảnh: NASA)
Biển Aral vào năm 1989 (trái) – khi đã “co” lại khá nhiều so với trước năm 1960, và gần như biến mất vào mới đây (Ảnh: NASA)

Dần biến mất

Vào thập niên 1960, bờ biển Aral (biển hồ nước mặn nằm giữa Ouzbekistan và Kazakhstan) là một nơi sầm uất với bãi tắm trải dài và cảng cá đầy ắp tàu thuyền. Con người đã sử dụng nước tại biển Aral cho hoạt động nông nghiệp trong nhiều thế kỷ, nhưng đáng tiếc là hồ nước khổng lồ hình thành cách nay 5,5 triệu năm tại Trung Á đang biến mất với tốc độ cực kỳ đáng quan ngại trong thời của chúng ta.

Theo Thanh niên, một chuyên gia Philip Micklin của Đại học Tây Michigan (Mỹ) cho hay đây là lần đầu tiên trong lịch sử vùng phía đông của biển Aral hoàn toàn khô cạn trong vòng 600 năm.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ năm 1960, khi một chương trình nông nghiệp do Liên Xô khởi xướng đã đổi hướng dòng chảy của hai con sông cung cấp nước cho vùng hồ là Amu Darya và Syr Darya.

Khi Liên Xô tan rã, tình hình ngày càng tệ hơn, và giới chuyên gia dự đoán biển Aral sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2020.

Khi biển biến thành bãi rác

Theo Sức khoẻ & Đời sống, cùng với việc dần biến mất, nồng độ muối của biển Aral tăng từ 10g/lít lên 45g/lít. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ đà này, biển Aral sẽ mất hẳn chỉ sau chưa đầy chục năm nữa. Đây là hậu quả của một dự án sai lầm: biến khu vực Trung Á thành một vùng trồng bông phục vụ cho công nghiệp dệt. Để có nước tưới cho 8 triệu ha đất, người ta đã tước đi lượng nước khổng lồ của những con sông đổ vào biển Aral.

Trong khi nước biển ngày một cạn, bãi biển trở nên trống vắng thì tại các bệnh viện quanh vùng lại ngày càng đông nghẹt người. Dân trong vùng đến bệnh viện điều trị với đủ các loại bệnh nguy hiểm như suy thận, u tuyến giáp, tăng huyết áp, lao, viêm gan siêu vi… Đáng chú ý là tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai nhiễm độc, người bị bệnh thận, tiêu chảy kinh niên và quái thai tăng đột biến. Chỉ tính riêng bệnh lao, mỗi năm đã cướp đi 2.000 sinh mạng ở khu vực này.

Cứ 100.000 dân thì có 370 người mắc bệnh. Bệnh phong và dịch hạch cũng tràn lan. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, tất cả bệnh tật này đều liên quan đến cái chết của biển Aral. Do khi biển cạn, mực nước lùi xa, nó đã để lại một bãi rác mênh mông chứa đầy chất thải độc hại trong đó có một lượng muối và thuốc trừ sâu khổng lồ. Những chất độc này vô tư phơi mình dưới nắng và được phát tán một cách khủng khiếp theo gió trời đi khắp nơi gieo họa cho con người.

Theo bà Oral Atanyazova - người đứng đầu Tổ chức phi chính phủ Perzent - đây là một thảm họa lớn gấp bội so với thảm họa nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl. 35 triệu người đã và sẽ nhiễm bệnh đủ mọi hình thức từ đất, nước, không khí và thực phẩm. Môi trường bị hủy hoại đã phá luôn đất canh tác và thế là không ai còn hy vọng vào chuyện trồng trọt chăn nuôi.

Ảnh chụp từ vệ tinh của biển Aral được đăng trên trang Twitter của NASA vào ngày 26.9 - Ảnh: NASA Earth
Ảnh chụp từ vệ tinh của biển Aral được đăng trên trang Twitter của NASA vào ngày 26/9 - (Ảnh: NASA Earth)

Khảo sát của WHO cho thấy, kẽm, thủy ngân và strontium hợp thành bộ ba các chất giết người, chúng tạo tỉ lệ viêm phổi tăng đến 3.000%, còn các bệnh viêm khớp tăng tới 6.000%. WHO đã cử nhiều đoàn chuyên gia đến đây và nhận thấy rằng cái chết của biển Aral đã đẩy tỉ lệ phụ nữ thiếu máu, trẻ em chết sớm ở đây lên hàng cao nhất thế giới. Biển Aral bao đời nay vốn giữ vai trò như một chiếc điều hòa không khí khổng lồ cho toàn vùng, giờ không thể tiếp tục giúp con người được nữa.

Giới lãnh đạo Liên Xô ngày trước, ở một chừng mực nào đó, đã thành công với các kế hoạch 5 năm nhằm đẩy mạnh sản xuất bông trong khu vực quanh biển Aral. Kết quả là Uzbekistan ngày nay nằm trong số những nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới. Nhưng hậu quả khôn lường đối với môi trường, mà người dân là nạn nhân đầu tiên, thì họ đã không lường được. Một ngành mũi nhọn là xuất khẩu bông ra đời, nhưng chỉ xét đơn thuần về lợi ích kinh tế thì không thể bù đắp được sự biến mất của nghề cá, ngành đóng tàu, các hoạt động cảng biển vốn từng sử dụng khoảng 60.000 lao động. Còn tổn thất về văn hóa, môi trường thì chẳng thể nào đong đếm được.

Cứu biển Aral

Trước khả năng biển Aral - mà thực ra bây giờ chỉ là những hồ nước nhỏ - sẽ biến mất trong khoảng 50 năm nữa, giới lãnh đạo các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế đã nhiều lần ngồi lại để tìm cách giải cứu. Nhiều dự án xây đập và kênh để dẫn nước vào Aral được đưa ra, nhưng hầu hết đều vô cùng tốn kém mà các nước trong khu vực như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan không kham nổi. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu khoa học được công bố trên website Ecoworld.com, giải pháp dẫn nước từ các sông Volga, Ob và Irtysh phải mất khoảng 30 năm với kinh phí chừng 50 tỉ USD thì mới có thể đưa biển Aral trở về diện tích ban đầu.

Năm 2005, với nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới, Kazakhstan đã có giải pháp của riêng mình để “cứu được chừng nào hay chừng ấy”. Họ xây một đập nước ngăn phần biển phía bắc, gọi là biển Bắc Aral, với các phần còn lại. Từ đó đến nay, vùng biển bắc đã có sự hồi sinh đáng kể. Nếu như trước năm 2005, người dân tại thành phố Aral phải đi 100 km mới tới biển thì hiện họ chỉ cần đi 12 km là tới. Trong vài năm nữa, biển sẽ nhích lại gần hơn, nhưng điều đó không có nghĩa biển Aral đã hồi sinh. Bởi phần biển bắc này, nếu được phục hồi lại tối đa, cũng chỉ chiếm chưa đầy 10% diện tích biển Aral nguyên thủy.

 

P.V (Tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.