Thời sự Quốc tế

Thảm kịch Itaewon phơi bày lỗ hổng phản ứng khẩn cấp của cảnh sát Hàn Quốc

Phản ứng của cảnh sát trong thảm kịch Itaewon cho thấy hệ thống chỉ huy, quản lý khủng hoảng của cảnh sát Seoul hoạt động chưa hiệu quả.

11 cuộc gọi khẩn trước thảm kịch Itaewon nhưng cảnh sát chỉ phản ứng với 4 cuộc

Người dân đã gọi hơn chục cuộc gọi khẩn tới đường dây khẩn 112 của cảnh sát Hàn Quốc, cảnh báo tình trạng đông đúc tại phố Itaewon có thể khiến người dân bị xô đẩy, chèn ép và một số người có nguy cơ ngạt thở trong sự kiện Halloween đêm 29/10.

Tuy nhiên, theo hãng tin Yonhap, cảnh sát đã phản ứng chưa phù hợp khi nhận được thông tin.

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ Hàn Quốc và Cảnh sát Hàn Quốc, trung tâm cuộc gọi khẩn 112 của cảnh sát Hàn Quốc nhận được cuộc gọi đầu tiên cảnh báo về nguy cơ tại phố Itaewon vào 18h34 ngày 29/10. Người gọi bày tỏ lo lắng nhiều người có thể bị chèn ép, giẫm đạp dẫn đến tử vong do quá đông người đang dồn về con phố.

Sau đó, cảnh sát tiếp tục nhận được 10 cuộc gọi khẩn cảnh báo về tình hình tại phố Itaewon cho tới 22h15.

Trong số đó, 8 cuộc gọi được xếp loại khẩn cấp, tức cần cảnh sát huy động lực lượng để phản ứng ngay. Người gọi cuộc cuối cùng báo cáo về tình trạng khẩn cấp, lo ngại sẽ bị chèn ép tới tử vong nhưng cảnh sát kết luận đây là tình huống không cần hỗ trợ.

Phản ứng trước 11 cuộc gọi trên, cảnh sát chỉ được huy động tới hiện trường để kiểm tra 4 cuộc gọi và đã không chủ động can thiệp để kiểm soát đám đông.

img

Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee-keun cúi đầu xin lỗi tại họp báo về thảm kịch giẫm đạp tại phố Itaewon. Ảnh - Yonhap

Cảnh sát yêu cầu Trung tâm Vận hành Khẩn cấp Seoul - đơn vị xử lý đường dây nóng 119, phản hồi 2 trong số 11 cuộc gọi vào lúc 20h37 và 21h01 nhưng trung tâm không điều nhân viên cứu hộ tới hiện trường với lý do người gọi nói rằng không cần thiết huy động xe cứu thương.

Trung tâm đường dây nóng 119 cho biết nhận được cuộc gọi đề nghị giúp đỡ đầu tiên từ phố Itaewon vào 22h15 ngày 29/10 về tình trạng 10 người dân bị chèn ép. Sau đó, trung tâm tăng mức phản ứng khủng hoảng thêm 3 lần vào 22h43, 23h13 và 23h50.

Hệ thống báo cáo chỉ huy hoạt động chưa hiệu quả

Theo hãng tin Yonhap, cảnh sát và cơ quan quản lý cần đưa ra quyết định nhanh chóng để phản ứng trước tình huống khẩn cấp nhưng hệ thống báo cáo thông tin lên cấp chỉ huy hoạt động chậm và không hiệu quả trong thảm kịch Itaewon.

Cảnh sát trưởng đồn cảnh sát Yongsan - đơn vị quản lý địa bàn bao gồm phố Itaewon, tới hiện trường vào 22h17 nhưng phải đến 23h34, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul mới nhận được thông báo về sự việc. Như vậy, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul được thông báo về vụ giẫm đạp trễ 1 giờ 21 phút sau khi sự việc xảy ra.

Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee-keun được báo cáo về sự việc vào 0h14 ngày 30/10. Vào thời điểm đó, truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin hàng chục người bị ngưng tim do giẫm đạp tại Itaewon.

Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Hàn Quốc Lee Sang-min, quan chức an ninh cấp cao của Hàn Quốc, nhận được thông báo vào 23h20 ngày 29/10 qua tin nhắn của cấp dưới thuộc Bộ nội vụ, thay vì được báo cáo trực tiếp từ cảnh sát.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol được báo cáo về vụ giẫm đạp tại Itaewon vào 23h01 từ Cơ quan Cứu hỏa Hàn Quốc và phòng tình huống thuộc văn phòng tổng thống.

Theo thống kê của hãng tin Yonhap, Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Hàn Quốc được thông báo về sự việc muộn hơn Tổng thống 19 phút. Thậm chí, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc được thông báo về sự việc muộn hơn 54 phút so với Bộ trưởng Nội vụ và An toàn.

Theo hãng tin Yonhap, hệ thống báo cáo lên cấp chỉ huy hoạt động không hiệu quả dẫn tới cảnh sát phản ứng chậm trễ.

Tới 23h ngày 29/10, cảnh sát mới bắt đầu kiểm soát giao thông, mở đường cho xe cứu thương tại Itaewon. Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul đưa ra chỉ đạo đầu tiên để xử lý tình hình vào 0h25 ngày 30/10.

Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc chủ trì cuộc họp khẩn của cảnh sát vào 2h30 ngày 30/10, khi đó số nạn nhân thiệt mạng tại thảm kịch Itaewon đã vượt quá 100 người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.