Thời sự

Tham nhũng càng tăng, chất lượng dịch vụ công càng kém

10/12/2015, 07:22

Nhận định trên được đưa ra trong buổi tọa đàm “Phòng chống tham nhũng vì công bằng xã hội ở Việt Nam”...

8
Vì hạ tầng thiếu thốn nên bệnh nhân thường không được cung cấp dịch vụ xứng đáng với mức viện phí phải trả - Ảnh: Thùy Sinh

Tỷ lệ người dân tố cáo tham nhũng giảm

Tại buổi tọa đàm, một nhóm học giả thuộc trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố nghiên cứu “Quản trị địa phương, tham nhũng với chất lượng dịch vụ công: Bằng chứng tự khảo sát ở Việt Nam”. Nhằm chỉ rõ mối quan hệ tương quan giữa quản trị tốt - tham nhũng và chất lượng dịch vụ công, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục tiểu học tại 207 huyện, kèm theo ý kiến khoảng 5.000 người dân trên cả nước. Thời gian khảo sát được tiến hành từ năm 2011- 2014.

Thông qua buổi tọa đàm, nhóm học giả còn nêu kiến nghị: Nền quản trị và hành chính công tốt cũng góp phần giảm bất bình đẳng thu nhập và giảm tỷ lệ đói nghèo. Nâng cao chất lượng dịch vụ công và tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ cho mọi người, đồng thời tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát tham nhũng sẽ khiến cho khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội ngày một thu hẹp.

Theo đó, kết quả nghiên cứu chỉ rõ: Tệ nạn tham nhũng đang gây tổn hại đến chất lượng dịch vụ công. Cụ thể, trong khi cảm nhận của người dân về nạn tham nhũng diễn ra tại dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục tiểu học có chiều hướng ngày càng tăng, thì chất lượng của những dịch vụ công này lại giảm hoặc "giậm chân tại chỗ". Về mặt quản trị, nghiên cứu cũng cho thấy, ở đâu có tính minh bạch cao, trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo tốt, huy động người dân tham gia... thì tham nhũng sẽ giảm. Tuy nhiên, đáng tiếc, số liệu thống kê cũng cho thấy, sự tham gia của người dân tố cáo nạn tham nhũng theo thời gian ngày càng giảm.

Trước thông tin trên, từ góc độ người dân, một cán bộ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam đặt vấn đề: “Tôi là người dân bình thường, để con được học ở trường tốt, tôi phải “bôi trơn”. Để người nhà được mổ sớm, tôi cũng phải “bôi trơn”. Rõ ràng người dân chỉ cần biết làm cách nào để được đáp ứng nguyện vọng của mình một cách nhanh nhất, còn câu chuyện chống tham nhũng, quyết tâm hệ thống chính trị với họ dường như còn rất xa vời”.

Người dân cũng tiếp tay tham nhũng

Bày tỏ chia sẻ với quan điểm trên, TS. Nguyễn Văn Thắng, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, chính luận điểm “bôi trơn”, “có tiền việc mới chạy” tồn tại trong ý thức của mỗi người dân hiện cũng là nguyên nhân chính khiến cuộc chiến với nạn tham nhũng ngày càng khó khăn. “Trong bối cảnh thủ tục hành chính phức tạp hiện nay, đa số người dân, doanh nghiệp và nhiều cán bộ công chức tin rằng “có tiền việc mới chạy”, mà không hề biết hành vi tiếp tay tham nhũng làm tổn hại cho chính mình và sự phát triển của cả đất nước”, ông Thắng nói.

Bình luận về kết quả nghiên cứu, bà Nguyễn Kim Phương (chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO tại Việt Nam) nhận định, tham nhũng đang dần biến tướng dưới nhiều hình thức, thậm chí tham nhũng ở mỗi ngành, nghề, địa phương lại có những đặc thù khác nhau. Đây chính là điểm nghiên cứu chưa chỉ ra được. Lấy ví dụ ngay trong dịch vụ chăm sóc y tế, tham nhũng đang diễn ra như thế nào, dưới hình thức gì... vẫn chưa được làm rõ. “Nếu nói tham nhũng là việc sử dụng nguồn lực không đúng mục đích thì tiền túi của người dân có được coi là một nguồn lực hay không? Người dân phải bỏ tiền ra để được hưởng các dịch vụ y tế, song họ lại không có khả năng đánh giá chất lượng dịch vụ ấy. Lợi dụng tâm lý này, nhà cung ứng lại đưa ra nhiều dịch vụ để tăng nguồn thu. Như vậy liệu có phải tham nhũng hay không?”, bà Phương phân tích.

Theo TS. Edmund J.Malesky (ĐH Duke - Mỹ), trong cuộc chiến chống tham nhũng, vấn đề quan trọng làm thế nào để minh bạch thông tin, chuyển tải tới người dân để họ có cơ sở dữ liệu phản biện trước những nghi vấn. “Trường học chất lượng kém, ai là người phải gánh chịu dịch vụ giáo dục chất lượng tồi? Đó chẳng phải là chính người dân hay sao? Chúng ta cần làm thế nào để người dân hiểu rằng, tham nhũng không chỉ làm tổn hại tới tài sản của Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của chính họ khi phải gánh chịu chất lượng dịch vụ công kém”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.