Hồ sơ tài liệu

Thăm Trung Quốc, ông Duterte mang gì về Philippines?

24/10/2016, 06:00
image

Lần đầu tiên công du ngoài khối ASEAN, ông Duterte đã chọn Trung Quốc cho chuyến thăm từ 18-21/10.

Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Tập Cận
Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc từ 18-21/10

Ngoài lợi ích kinh tế sau chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc, Tổng thống Philippines còn mang về bài toán ngoại giao đau đầu…

Thu về hàng chục tỉ USD

Lần đầu tiên công du ngoài khối ASEAN, ông Duterte đã chọn Trung Quốc cho chuyến thăm từ 18-21/10. Theo nhiều nhà quan sát, về mặt kinh tế, ông Duterte thành công khi mang về các thỏa thuận và đầu tư có tổng trị giá lên tới 24 tỉ USD, theo Bloomberg.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez, thỏa thuận sơ bộ trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỉ USD cũng được ký kết giữa các công ty. Đáng chú ý trong các thỏa thuận kinh tế có nhà máy thép trị giá 700 triệu USD; dự án đường sắt 2,5 tỉ USD; đặc biệt, một dự án cảng biển trị giá 780 triệu USD sẽ được triển khai ở Davao, thành phố quê hương của ông Duterte.

Trong khi đó, theo số liệu của Nhà Trắng, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào Philippines hiện khoảng 4,7 tỉ USD. Đồng thời, Mỹ đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Philippines với 731 triệu USD đầu tư trực tiếp vào năm 2015. Hai năm qua, Mỹ viện trợ quân sự cho Philippines hàng triệu USD - như một cách hỗ trợ đồng minh, tạo đối trọng với việc Trung Quốc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Ngoài ra, Philippines đứng thứ 33 trong danh sách các nước đối tác xuất khẩu của Mỹ.

So sánh như trên để thấy điều đó phần nào lý giải cho tuyên bố có phần hấp tấp của ông Duterte rằng, “muốn cắt quan hệ với Mỹ” khi đang ở Bắc Kinh hồi cuối tuần qua và muốn xoay trục chính sách đối ngoại về phía Trung Quốc và Nga. Thậm chí, ông Duterte tuyên bố: “Tôi sẽ không cần (viện trợ) của Mỹ nữa” vì “chúng ta sẽ bị họ sỉ nhục”.

Theo The Economist, dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino, Philippines từng can đảm đối đầu với Trung Quốc trên hồ sơ biển Đông; nhưng giờ đây, ông Duterte lại cần phát triển cơ sở hạ tầng, cần có vốn đầu tư, cần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngoại giao hỗn loạn

Những phát biểu tại Bắc Kinh đã khoét sâu thêm rạn nứt mối quan hệ của hai đồng minh chiến lược lâu năm. “Trung Quốc không chỉ là bạn, mà còn là người thân, một người anh lớn”, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Philippines, ông Marti Andanar phát biểu tại Bắc Kinh. Ông Andanar cũng nói, Mỹ từng giống như một người cha đối với Philippines, nhưng giờ đã đến lúc Manila rời khỏi nhà và “tự quyết định cho bản thân mình”.

Sau đó, các bộ trưởng và chính ông Duterte phải đăng đàn để “nói lại cho rõ” về các phát ngôn trên. Ngay khi kết thúc chuyến công du, tối 21/10, ông Duterte tổ chức một cuộc họp báo để giải thích rằng, “không hề có ý định cắt đứt quan hệ với Mỹ” mà chỉ muốn một “đường lối ngoại giao độc lập với Washington”. Liên quan đến Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ - Philippines, có hiệu lực từ tháng 1/2016 (cho phép Mỹ luân chuyển chiến hạm và chiến đấu cơ cũng như binh sĩ tại 5 căn cứ quân sự ở Philippines), ông Duterte cho biết, có thể có thay đổi nhưng sẽ “tham vấn giới chức quân sự, giới cảnh sát và toàn dân”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Carlos Dominguez và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch kinh tế Ernesto Pernia nói, nội các Philippines sẽ chuyển động mạnh mẽ và nhanh chóng theo hướng hội nhập kinh tế khu vực, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ với phương Tây, theo Philippines Inquirer.

Ngay lập tức, Nhà Trắng có phản ứng với động thái “nói lại cho rõ” trên, khi ông Josh Earnest - Người phát ngôn Nhà Trắng cho rằng, một thái độ như vậy “phù hợp hơn với quan hệ đồng minh 70 năm giữa hai bên”. Philippines được coi là một “mắt xích” trọng yếu trong chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama.

Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn lời các chuyên gia cảnh báo chính sách của ông Duterte, vì trong cuộc chơi này chỉ có một người thắng - Trung Quốc. Theo GS. luật Jay Batongbacal, Đại học Philippines, ông Duterte đang đánh bài liều, chỉ trông chờ vào thiện chí và những mối lợi từ Trung Quốc, mà không có sự bảo đảm từ mối quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước bạn và đồng minh truyền thống.

Chuyên gia Richard Javad Haydarian, thuộc Đại học De La Salle ở Manila cho rằng, hãy còn quá sớm để Bắc Kinh mừng chiến thắng, vì nếu thua ván bài nói trên, tức là nếu không nhận được nhân nhượng thỏa đáng nào từ Trung Quốc, ông Duterte sẽ lại xoay về phía Mỹ.

Thậm chí, tạp chí Economist (Anh) kết luận, Mỹ nên kiên nhẫn chờ đợi, sớm muộn gì Manila cũng sẽ lại “trở về với quan điểm cũ” và khi đó đôi bên lại tiếp tục hợp tác như đã từng hợp tác trong hàng chục năm qua. Ngoài ra, kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Social Weather Stations (SWS) thực hiện tuần trước cho thấy: 76% người Philippines tin tưởng Mỹ, trong khi 22% tin tưởng Trung Quốc.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.