Thế giới

Tham vọng bá chủ của ông Tập Cận Bình

30/08/2014, 06:53

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo được truyền thông thế giới nhắc đến nhiều nhất. Ông được biết đến bởi chính sách đối nội cứng rắn, bá quyền ...

TIN LIÊN QUAN

 

img


Diệt tham nhũng hay thanh trừng


Có thể khẳng định, kể từ khi lên nhậm chức, một trong những quyết sách đối nội gây tiếng vang nhất của Chủ tịch Tập là diệt tận gốc nạn tham nhũng đang “đục khoét” Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2013, khoảng 182 nghìn quan chức bị kỷ luật, 23 nghìn vụ tham nhũng bị phơi bày. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2104, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cho biết cơ quan kiểm tra kỷ luật các cấp đã xử lý 84.000 người vi phạm kỷ luật Đảng và chính quyền, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 7, điều tra gần 4.500 vụ việc liên quan tới hơn 6 nghìn người. Mới đây nhất, vụ “con hổ” Chu Vĩnh Khang - nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp T.Ư bị sa lưới tham nhũng là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công phá bỏ quy luật bất thành văn vốn được áp dụng ngầm lâu nay - thành viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc đương chức hoặc đã nghỉ hưu là bất khả xâm phạm.

Sau đòn mạnh tay này, rất nhiều quan chức Trung Quốc phải run sợ vì không biết khi nào đến lượt mình bị lôi ra tòa án. Thậm chí, chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của ông Tập Cận Bình “đặt nhiều áp lực lên Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến nỗi khiến nhiều đại biểu trong Đảng tự sát” - Simon Denyer báo Washington Post bình luận.


Mặt khác, theo nhận định tác giả John Garnaut - Biên tập viên của hai tờ The Age và The Sydney Morning Herald, sở dĩ ông Tập cực lực chống tham nhũng bởi đây là chiến lược một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, sự quyết liệt này nâng cao hình ảnh chính trị của bản thân ông Tập cũng như của chính phủ Trung Quốc; Thứ hai, việc tiêu diệt quan tham là vỏ bọc cho mục đích thanh trừng chính trị, củng cố quyền lực.

Nhận định trên tờ The Diplomat về quyết sách chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc, ông Yuxin Zhang - nhà nghiên cứu tại Viện Asia Policy Point (Mỹ) cũng nói: “Ông Tập chọn giải quyết vấn đề tham nhũng trước các vấn đề xã hội cấp thiết khác vì nó có lợi ích nhãn tiền và ngay lập tức nâng cao uy tín đang ngày càng mai một của chính phủ trong lòng người dân”. 


Cũng theo ông Yuxin Zhang, Trung Quốc còn tồn tại rất nhiều vấn đề cốt lõi cần giải quyết. “Bao nhiêu quan chức bị buộc tội, bao nhiêu người giàu bị tịch thu tài sản không ảnh hưởng nhiều tới người dân Trung Quốc. Những vấn đề nội tại như phân phối thu nhập, phúc lợi xã hội, công bằng giáo dục, giá cả, cải cách y tế, an toàn thực phẩm - mới là những vấn đề sát sườn với người dân nhưng vẫn còn rất ngổn ngang và cần sự cứng rắn trong xử lý của Chủ tịch Tập như với nạn tham nhũng.
 

Quân đội Trung Quốc luyện tập chiến đấu
Quân đội Trung Quốc luyện tập chiến đấu


Đối ngoại kiểu bành trướng


Chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình không kém mạnh mẽ, thậm chí có thể dùng từ ngày càng ngang ngược. Một mặt, ông Tập tăng cường quan hệ - cả kinh tế và chính trị - với Hàn Quốc; thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc cùng Liên minh châu Âu; tái xây dựng Con đường Tơ lụa với khu vực Trung Á; củng cố dự án đường sắt xuyên Á, bước đầu được Thái Lan, Malaysia, Singapore hưởng ứng; mở rộng thương mại và đầu tư giữa hai bên qua chuyến thăm tới các nước châu Mỹ La tinh; mở rộng ảnh hưởng tới khu vực châu Phi.


Mặt khác, chính phủ Trung Quốc liên tiếp thể hiện những hành vi ngang ngược trong vấn đề chủ quyền với các nước láng giềng. Trong đó, thái độ và hành động của Trung Quốc trên biển Đông thời gian gần đây khiến thế giới vô cùng quan ngại. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như 90% diện tích biển Đông nơi có các nước như:  Việt Nam, Philippines, Indonesia… cùng tuyên bố.

Bắc Kinh còn đưa ra tấm bản đồ gọi là “đường chín đoạn”, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của nhiều quốc gia, để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của mình. Philippines thách thức tính hợp pháp của “đường chín đoạn” bằng cách đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối tham gia. 
 

Phóng viên Michael Forsythe của New York Times từng tiết lộ trong bối cảnh ông Tập Cận Bình ráo riết chống tham nhũng, các thành viên gia đình ông Tập đã bán ra rất nhiều tài sản: Từ năm 2012 đến năm nay (2014), chị gái ông Tập là Tề Kiều Kiều (Qi Qiaoqiao) và anh rể Đặng Gia Quý (Deng Jiagui) đã bán cổ phần của họ tại ít nhất 10 công ty, hầu hết là các công ty khai thác mỏ và bất động sản.

 

Tổng cộng các công ty mà hai vợ chồng này bán, thanh lý hoặc chuyển giao cho một đối tác kinh doanh thân cận có giá trị lên tới hàng trăm triệu đôla Mỹ. Tuy nhiên, không có cổ phần đầu tư nào liên quan trực tiếp tới ông Tập, phu nhân và con gái.

Tháng 5 vừa rồi, Trung Quốc ngang nhiên đưa trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đưa nhiều tàu thuyền trong đó có tàu chiến ra bảo vệ.

Ông Gordon G. Chang - luật sư làm việc tại Trung Quốc và Hồng Kông hơn 20 năm, khẳng định: “Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam - nơi đáng lẽ ra họ không nên đặt”. 

Tại khu vực biển Hoa Đông, cuối tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản và bãi đá Leodo/Tô Nham Tiêu tranh chấp với Hàn Quốc.

Theo đó, các phi cơ bay vào khu vực này phải tuân thủ mệnh lệnh của Trung Quốc, nếu không quân đội nước này có quyền “vận dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”.

Không chỉ có vậy, ngày 25/6, trong bối cảnh Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đang thăm Trung Quốc để đánh dấu kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Panchsheel - tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, Trung Quốc phát hành tấm bản đồ bao trùm gần như toàn bộ biển Đông và “ngoạm” luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.


Ông Gordon G. Chang từng viết và xuất hiện nhiều trên các báo quốc tế lớn như: New York Times, Wall Street Journal, International Herald Tribune, CNN, BBC, CNBC… nhận định, Chủ tịch Tập có vẻ không quá quan tâm tới việc giữ gìn quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng hay giữ thiện chí của mình trên cộng đồng quốc tế.

Theo ông Gordon, những tham vọng lớn cùng tính cách quyết đoán, cứng rắn của ông Tập đang khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa hòa bình tại châu Á. Kết quả một cuộc điều tra dư luận do BBC World Service tiến hành gần đây cho thấy, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng xấu xí và chưa xứng tầm với vị trí cường quốc hiện nay.

Trang Trần
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.