Lối sống

“Thần cẩu” cầu may vùng biên viễn

17/02/2018, 09:53

Ở vùng biên giới Lộc Bình (Lạng Sơn), bà con dân tộc Tày, Nùng... vẫn giữ phong tục thờ chó đá (thần cẩu)...

112

Vào những ngày rằm, mùng 1, đặc biệt là ngày giáp Tết, người dân ở Lộc Bình chú trọng đến việc tắm rửa cho chó đá để cầu bình an, may mắn

Nếp sống miền biên ải

Người Tày, Nùng ở xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình bao đời nay sống trong những căn nhà trình tường với mái ngói âm dương cổ kính, rêu phong, mỗi căn nhà đều có một con chó đá đặt trước cổng, cửa với bát nhang thơm để xua đuổi những điều không may mắn và giúp chủ nhân trông nom nhà cửa.

Tại bản Khòn Thống, xã Hữu Khánh, bà Nông Thị Vang (74 tuổi) đang tắm rửa cho “thần cẩu” ngay trước cửa nhà. Ngoài sân, 4 cô con gái, con dâu của bà Vang đang sum vầy gói bánh chưng lạc - loại bánh cổ truyền của bản Khòn Thống để phục vụ ngày cúng “tạ tổ” (ngày rằm cúng thờ tổ tiên - PV). Bà Vang nói: “Ngày mai là rằm, cả nhà đang gói bánh để cúng tổ tiên. “Thần cẩu” ngay trước cửa nhà cũng được cúng vì là ngày trọng đại, ngày của lễ tạ tổ”.

"Tục thờ chó đá không chỉ riêng người Tày, Nùng mà còn là nếp sống tín ngưỡng của người Việt cổ đã có ở thời kỳ văn hóa Văn Lang - Âu Lạc. Ngay tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến cũng đã có đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Hình tượng con Nghê được thờ tại các đình, đền, phủ, miếu, mạo cũng là biến thể từ tín ngưỡng thờ chó đá của người Việt cổ."

Tiến sỹ, giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Hồng 
Phó trưởng Khoa Tuyên truyền
(Học viện Báo chí & Tuyên truyền)

Theo bà Vang, tục thờ “thần cẩu” của người dân ở đây có từ nhiều đời, bà lớn lên đã thấy chó đá để trước cửa, rồi ông bà, cha mẹ làm lễ cúng “thần cẩu” vào các ngày rằm, mùng 1, lễ, Tết. “Thần cẩu” trước nhà là để che chắn cho gia chủ. Những con ma, con hùm, chim lợn… sợ tiếng chó sủa, thấy “thần cẩu” phải tránh xa, không dám lui tới phá quấy”, bà Vang giải thích.

Bà Vang kể, khi tìm vị trí đặt “thần cẩu”, chủ nhà phải mời các ông thầy chuyên xem hướng nhà, am hiểu về địa hình để quyết định, sau đó sẽ có lễ cúng linh đình báo cáo với các thần linh trong vùng về “thần cẩu” mới của gia chủ. Các hộ dân nơi đây đều làm theo tập tục này, kể cả di dân ra vị trí khác, vẫn giữ nếp thờ cúng chó đá.

Tại ngôi nhà mới ven tuyến tỉnh lộ 236, địu cháu nhỏ trên lưng, bà Nông Thị Long (76 tuổi) vẫn cặm cụi dùng khăn sạch lau chùi bức tượng chó đá đặt ở góc nhà rồi cẩn thận thắp nén hương. Bà Long cho biết: “Gia đình mới chuyển ra ngoài được mấy năm nhưng phong tục thờ chó đá vẫn phải được lưu giữ vì đó là nếp sống của gia đình, văn hóa của dân tộc”.

Chỉ tay vào bức tượng chó đá, bà Long nói: “Ngài đã ở cùng gia đình từ thời tổ tiên. Khi chuyển ra nhà mới, gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng khi rước “thần cẩu” về thì nhà cửa được bình yên, lũ trẻ không còn ốm đau và luôn chơi đùa khỏe mạnh. Cả nhà ai cũng yên tâm lao động sản xuất, yên lòng mỗi khi đi xa”.

Khi chúng tôi ngỏ ý xin được thắp nén hương cho “thần cẩu”, bà Long ngăn lại: “Vào những ngày bình thường thì không sao nhưng ngày mai là rằm nên những người lạ, người khách không thể chạm hay thắp hương cho “thần cẩu”. Chỉ có người trong nhà mới được chạm vào để lau chùi sạch sẽ. Người Lộc Bình dù giàu hay nghèo cũng phải có “thần cẩu” trước nhà, nếu đã có từ xưa thì gìn giữ, còn không thì đặt mua rồi nhập thần theo lễ tục”.

113

Bà Nông Thị Long kể chuyện tục thờ chó đá - nét văn hóa của người Tày ở vùng biên ải Lộc Bình, Lạng Sơn

Nét văn hóa cổ

Ông Lương Văn Nam, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lộc Bình cho biết, ở Lộc Bình có tới 60% số gia đình thờ tượng chó đá. Người dân ở đây, nhất là người Tày, Nùng, Dao… quan niệm việc thờ chó đá trước cửa nhà sẽ giúp gia chủ gặp dữ hóa lành, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm. Chó đá sẽ bảo vệ mảnh đất nơi họ sống. Đặc biệt, với người Dao, hình ảnh con chó còn được thể hiện trên trang phục.

Người dân dùng đá để tạc “thần cẩu”, rồi phải làm nghi lễ cúng nhập thần. “Nếu không làm lễ cúng thì đó chỉ là một hòn đá bình thường chứ không phải là “thần cẩu”. Theo tục lệ, thầy cúng sẽ chuẩn bị một tấm bùa cùng một tấm khăn đỏ để buộc cổ tượng chó, mang ý nghĩa giống như cái xích giữ “thần cẩu” ở với gia đình và chỉ bảo vệ riêng cho ngôi nhà chủ này. Nghi lễ thường diễn ra vào ngày lành tháng tốt, kéo dài khoảng 3 tiếng. Sau khi kết thúc 3 tuần hương, gia chủ làm lễ tạ xin đón thần về. Những tượng chó đá đặt trước cửa được tạc to bằng chó thật, thường có khối lượng từ 5 - 7kg. Hai chân trước đứng hiên ngang, hai chân làm trụ theo thế đứng bệ vệ. Tuy nhiên, dáng chó đá được ưa thích nhất chính là thế phục mồi, sẵn sàng tư thế tấn công. Chó đá dịch ra tiếng Tày có nghĩa là “Ma Hin”, không chỉ có ý nghĩa về tâm linh, mà nó còn là một vật trang trí nhà cửa”, ông Nam cho biết.

Theo Tiến sỹ, giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Khoa Tuyên truyền (Học viện Báo chí & Tuyên truyền), trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn, vừa giữ của, vừa là bạn của gia đình. Dân gian vẫn quan niệm: “Chó đến nhà thì giàu, mèo đến nhà thì nghèo”, bởi vậy, chó được gắn với tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, giàu có.

Vào những ngày rằm, nhất là ngày Tết, các gia đình dùng nước lá bưởi, lá đào tắm cho chó đá. Người Tày, Nùng ở đây quan niệm nước của 2 loại lá này đều có hương thơm và có tác dụng trừ tà ma, tẩy uế.

“Việc thờ chó đá của bà con dân tộc Tày, Nùng nói riêng và người Việt nói chung đang góp phần giữ được bản sắc dân tộc Việt và cần phải được phát triển hơn nữa”, Tiến sỹ Hồng nhìn nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.