Vận tải

Thần tốc gỡ ùn tắc vận tải mùa dịch

23/07/2021, 06:00

Đến thời điểm này, các Sở GTVT 19 tỉnh phía Nam đã cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh cho gần 50.000 xe.

Kể từ khi dịch bùng phát mạnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra là không để vận chuyển hàng hóa bị ách tắc.

Với sự nỗ lực, vào cuộc kịp thời của Bộ GTVT cùng các đơn vị trong ngành, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ một cách thần tốc, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt. Báo Giao thông trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN về các giải pháp đã được triển khai.

img

Bà Phan Thị Thu Hiền

Vận tải hàng hóa gặp khó vì dịch bệnh

Những ngày đầu bùng phát dịch tại TP HCM cho đến khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố, tình hình vận tải tại khu vực này ra sao, nhất là đối với vận tải hàng hóa?

Đánh giá chung tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đi, đến TP HCM kể từ ngày thực hiện Chỉ thị 16 đến nay cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Trong 2 ngày đầu tiên, tại một số chốt kiểm soát có xảy ra tình trạng ùn ứ, nhưng thời gian xảy ra ngắn và không kéo dài.

Tuy nhiên, trước đó, từ ngày 15/7 đến nay, khi 19 tỉnh, thành thực hiện theo Chỉ thị 16, ở một số địa phương có xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số vị trí chốt kiểm soát do lực lượng chức năng kiểm tra y tế đối với toàn bộ lái xe và người dân ra, vào địa phương. Khi xảy ra ùn tắc, các lực lượng chức năng đã khẩn trương phân luồng, giải tỏa và điều chỉnh phương án kiểm soát nên ùn tắc nhanh chóng được giải toả.

Không chỉ khu vực phía Nam mà tại khu vực phía Bắc, ngày 20/7, tại Trạm thu phí QL5, Trạm thu phí QL10 và Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng do các phương tiện phải dừng lại để khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh.

Sau khi nhiều giải pháp chỉ đạo giải toả, hạn chế việc ắch tắc của Tổng cục Đường bộ VN và Ủy ban ATGT Quốc gia được đưa ra, giao thông trên các tuyến này bắt đầu dần dần đi vào ổn định.

img

Tổ công tác số 1 của Bộ GTVT kiểm tra ngẫu nhiên một xe có dán thẻ QR code tại chốt cầu Đồng Nai sáng 19/7. Toàn bộ thông tin của tài xế, hàng hoá và lịch trình di chuyển đều trùng khớp. Ảnh: Đặng Đại

Để lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các tỉnh, thành phố không phải là điều dễ dàng, nhất là trong điều kiện dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Những thách thức mà cơ quan quản lý phải đối mặt là gì?

Tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh gây khó khăn cho công tác chỉ đạo điều hành của các ngành, địa phương.

Lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, phải làm việc trên đường, với cường độ cao, dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt; đồng thời, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với lái xe, người đi theo xe và người dân, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là rất cao.

Chỉ đạo của các địa phương chưa thống nhất, dẫn tới khó khăn cho đơn vị vận tải khi đi qua các tỉnh khác nhau như: Thời hạn hiệu lực kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 của các địa phương chưa thống nhất với nhau.

Ví dụ: Bình Dương, TP HCM quy định 3 ngày; Long An quy định 5 ngày và Đồng Nai quy định 7 ngày. Việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên (test nhanh) và PCR cũng chưa thống nhất gây khó khăn lái xe khi vận chuyển hàng hoá.

Thần tốc gỡ khó

img

Trong ngày 22/7, 7 tàu hàng vào làm hàng phân bón ở cảng Khánh Hội, TP.HCM. Các cảng trong khu vực miền Nam đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K, "3 tại chỗ" để sản xuất, khai thác

Trước tình hình như vậy, những giải pháp được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đưa ra là gì để tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa?

Với tinh thần thần tốc, “chống dịch như chống giặc”, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương và chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, các Sở GTVT phối hợp để tạo “luồng xanh” trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, cấp giấy nhận diện phương tiện kèm mã QRCode với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho các phương tiện được lưu thông nhanh chóng, tránh ùn tắc giao thông.

Những giải pháp tháo gỡ vừa qua doanh nghiệp đã được hưởng lợi rất nhiều như việc vận chuyển hàng hóa được lưu thông thông suốt qua các chốt kiểm soát, hàng hóa thiết yếu (đặc biệt là hàng hóa mau hỏng được vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng); phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia được rút ngắn thời gian kiểm tra tại các chốt kiểm soát, tránh ùn tắc giao thông tại các điểm chốt.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN


Tổng cục cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng cổng thông tin đăng ký giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải theo hình thức trực tuyến, thực hiện áp dụng tại 63 Sở GTVT từ ngày 19/7/2021. Thời gian các Sở GTVT duyệt và cấp giấy nhận diện phương tiện tối đa trong thời gian 24 giờ.

Bộ GTVT đã kiến nghị Bộ Y tế sớm cập nhật dữ liệu về con người vào phần mềm quản lý người ra vào các nơi công cộng như bến tàu, nhà ga, bến xe và trên phương tiện để đáp ứng với các phương án kịch bản “luồng xanh” mà tổng cục đang xây dựng; Đề nghị sớm có quy định thống nhất giá trị của giấy xét nghiệm để tránh ảnh hưởng đến chi phí giá thành vận tải.

Đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT trong việc tổ chức phân “luồng xanh” cho phương tiện chở hàng hoá và công nhân, chuyên gia; đề nghị Bộ TT&TT sớm đưa phần mềm quản lý người vào hoạt động để tạo thuận lợi hơn cho vận tải hàng hóa.

Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, thống kê ban đầu và tổng hợp các vị trí địa điểm trạm dừng nghỉ trên hệ thống đường quốc lộ, cao tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xem xét và bố trí lực lượng để tổ chức lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm SARS -CoV-2 khi phương tiện di chuyển trên địa bàn các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe trong quá trình vận chuyển.

Tổng số có 106 vị trí trạm dừng nghỉ, cửa hàng xăng dầu có thể bố trí để lấy mẫu xét nghiệm.

Tổng cục cũng chỉ đạo cục trưởng các Cục Quản lý đường bộ huy động lực lượng tại các chi cục phối hợp với lực lượng địa phương tiến hành phân luồng giao thông, tháo gỡ giải phân cách khi phương tiện ùn tắc, điều tiết giao thông và tổ chức phối hợp xét nghiệm nhanh cho lái xe.

Thực hiện việc tạm dừng thu phí các trạm thu phí trên địa bàn các tỉnh đang áp ụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 20/7/2021 để tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông qua trạm nhanh chóng, tránh ùn tắc, lây lan dịch bệnh.

Doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tới đây cần giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

Trong thời gian qua, doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, do dịch nên vận tải hành khách đã bị ngừng hoạt động toàn bộ, chỉ còn vận tải công nhân, chuyên gia và vận tải hàng hóa thì chủ yếu là vận tải hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống và phục vụ sản xuất kinh doanh.

Những khó khăn này đã được nêu tại nhiều các báo cáo, như khó khăn vay lãi suất ngân hàng mua phương tiện, giá xăng dầu tăng cao, đăng kiểm phương tiện và đặc biệt hiện nay là khó khăn về công tác xét nghiệm cho lái xe.

Trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tăng cường thêm một số giải pháp nữa để hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể như: Nâng cấp phần mềm thẻ nhận diện phương tiện để có thể kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế (về việc cung cấp thêm thông tin lái xe đã được xét nghiệm, tiêm phòng) phục vụ công tác truy vết và quản lý.

Tiếp tục bổ sung luồng xanh của các địa phương hệ thống luồng xanh trên cả nước để thuận lợi cho đơn vị khi được cấp thẻ nhận diện có thể lựa chọn tuyến đường; tiếp tục có văn bản chỉ đạo các sở GTVT tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phương tiện hoạt động trên luồng xanh, có thẻ nhận diện phương tiện được qua các chốt kiểm tra một cách nhanh nhất.

Tiếp tục tăng cường lực lượng của các cục Quản lý đường bộ phối hợp với lực lượng tại chốt để giảm tải ùn tắc, phân luồng giao thông.

Cảm ơn bà!

Đã cấp giấy nhận diện cho 50.000 phương tiện

Từ ngày 18/7, Bộ GTVT lập 4 tổ kiểm tra thực hiện luồng xanh trong hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Các tổ kiểm tra được giao các nhiệm vụ: Khảo sát các hoạt động vận tải thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của các địa phương; kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông, việc cấp logo gắn với mã QR code nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa tại các Sở GTVT... Thời gian kiểm tra là 14 ngày, bắt đầu từ ngày 19/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021.

Thông tin kết quả kiểm tra đến chiều 22/7 của 4 tổ công tác, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, các địa phương trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 và các tỉnh vành đai (Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng) đã lập tổng số 117 chốt kiểm soát dịch Covid-19.

Nhìn chung hoạt động vận tải thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP HCM đến 15h chiều 22/7 cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Khu vực bến cảng, việc phòng, chống dịch được thực hiện khá chặt chẽ.

Qua kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông và cấp logo gắn với mã QR code nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa tại các sở GTVT, ngoài luồng xanh Quốc gia đã công bố, tất cả các Sở GTVT đã triển khai luồng xanh trên địa bàn nội tỉnh, kết nối với luồng xanh Quốc gia.

“Kết quả kiểm tra một số xe đã cấp giấy nhận diện cho thấy, hầu hết thực hiện đúng quy định, đi đúng lộ trình và chưa phát hiện giấy in giả”, ông Thành cho hay.

Đến thời điểm này, các Sở GTVT đã cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh cho gần 50.000 xe. Trong đó, Sở GTVT TP HCM đã cấp nhiều nhất với hơn 42.000 xe.

Đánh giá về những vướng mắc, ông Thành cho hay, nhìn chung các xe có mã QR Code qua chốt trên tuyến còn rất ít. Vì vậy, các Sở GTVT cần báo cáo Ban chỉ đạo của tỉnh để có hướng dẫn chi tiết cho các chốt nắm về ưu tiên luồng xanh (có mã nhận diện QR Code) và tuyên truyền để các doanh nghiệp vận tải, chủ xe biết, hoàn thiện thủ tục để được cấp mã QR Code được nhiều hơn, lưu thông nhanh hơn.

Bên cạnh đó, tình trạng một số địa phương như chốt: Km 4+200, QL80, Đồng Tháp; Km 30+800, QL54, Đồng Tháp; Km33, QL54, Vĩnh Long... xe ngoại tỉnh qua chốt vẫn yêu cầu tài xế xe vận chuyển có giấy xét nghiệm âm tính hiệu lực 72 giờ. Nguyên nhân là do chưa thống nhất và mỗi địa phương hiểu mỗi kiểu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.