Đường sắt

Thần tốc khôi phục đường sắt Bắc - Nam sau thống nhất

30/04/2021, 19:30

Hồi đó, việc thi công cầu rất khó khăn, vất vả vì không có thiết bị hỗ trợ, chủ yếu là thủ công...

img

Thông tàu qua cầu đường sắt Thạch Hãn sau khi khôi phục xong vào năm 1976

Giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn sau khi đất nước thống nhất, những người thợ Công trình đường sắt thần tốc thi công trên đại công trường khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam, giữ mạch máu giao thông quan trọng bậc nhất của đất nước lúc bấy giờ.

Khôi phục đến đâu, chạy tàu đến đó

Anh hùng Lao động Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt đến nay vẫn không quên thời tuổi trẻ sôi nổi thi công khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất sau giải phóng. Ông Huyền khi đó trực tiếp thi công cầu Thạch Hãn - cầu dài nhất trên tuyến với 245m, gồm 4 nhịp dầm thép bulông cường độ cao, nặng 1.125 tấn.

Ông Huyền kể, đầu năm 1976, đơn vị của ông trực thuộc Xí nghiệp Liên hợp công trình đường sắt (tiền thân của Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt hiện nay) được phân công làm cầu Thạch Hãn. Đội cầu của ông được giao nhiệm vụ đóng cọc. Để thi đua và động viên nhau lao động, họ đội mũ có dán khẩu hiệu tự sáng tác: “Chưa xong 2 cọc, không cần giao ca”, “Chưa xong 2 cọc, không về ăn cơm”…

Hồi đó, việc thi công cầu rất khó khăn, vất vả vì không có thiết bị hỗ trợ, chủ yếu là thủ công. Như công đoạn lắp dầm, cần cẩu chỉ cẩu thanh thượng, thanh xiên, còn tất cả trên mặt cầu đều phải lắp thủ công.

“Tiến độ rất căng, chúng tôi phải làm liên tục 2 - 3 ca, nếu mệt quá nghỉ ngơi, chợp mắt ít phút xong lại vào làm tiếp. Đến giai đoạn lao cầu, rất nhiều người e ngại vì lần đầu tiên ngành Đường sắt làm cầu dài như vậy (cầu 4 nhịp, mỗi nhịp 71,6m), nếu không khéo sẽ “đổ gục” ngay trên sông. Sau nhiều bàn thảo, phương án được đưa ra và quyết tâm thực hiện”, ông Huyền nhớ lại.

“Khi lao cầu, tôi được phân công làm nhiệm vụ ngồi ngay đầu dầm, quan sát dây tim cầu rồi ra tín hiệu để anh em phía sau kéo điều chỉnh, các bước phải rất nhịp nhàng. Sau 2 tiếng, lao được 1 nhịp, hôm sau lao nốt 3 nhịp còn lại. Thành công rồi, chúng tôi sướng lắm, phấn khởi reo hò ầm ĩ…”, ông Huyền nhớ lại.

Ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN kể, không chỉ ông Huyền, khi đó ngành Đường sắt huy động hàng vạn lao động ở khắp các lĩnh vực, gồm cả TNXP, quân đội tham gia từ Bắc chí Nam để thực hiện nhiệm vụ khôi phục đường sắt Thống nhất. Trong đó, Xí nghiệp Liên hợp công trình đường sắt là một trong các đơn vị chủ lực.

Dấu ấn quan trọng nhất của đơn vị trên tuyến này là đảm nhận khôi phục đoạn từ Tiên An (Quảng Trị) - Đà Nẵng, dài 192km. Đây là đoạn tuyến bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất, có tính chất quyết định thông tàu toàn tuyến đường sắt Thống nhất, trong khi khối lượng công việc rất lớn: Khôi phục toàn bộ công trình cầu, hầm, đường sắt, nhà ga, thông tin tín hiệu…

Nhưng nhiều đoạn không còn dấu vết của tuyến đường, tất cả các cầu đều bị đánh sập, đổ xuống sông hoặc hư hỏng nặng; trong lòng đất dọc hai bên đường, hai đầu cầu, dưới lòng sông còn nhiều bom mìn rất nguy hiểm.

“Phát huy truyền thống dũng cảm, sáng tạo, CBCNV Xí nghiệp phối hợp với nhân dân địa phương, nhanh chóng rà phá bom mìn, dồn lực thi công các công trình với quyết tâm khôi phục đến đâu, chạy tàu đến đó để phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân”, ông Trí kể.

Theo ông Trí, chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đường dần được hình thành, nối dài. Tháng 5/1976, thông tàu đoạn Huế đến ga Mỹ Chánh; Tháng 9/1976, thông tàu đến ga Quảng Trị; Tháng 10/1976 thông tàu qua cầu Thạch Hãn. Đến ngày 4/12/1976, thanh ray cuối cùng được nối, thông toàn tuyến Thống nhất.

Xung phong làm việc khó

img

Thi công hầm Babonneau

Từ dấu ấn trên công trình khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất, đến những năm tháng sau đổi mới, phát triển đường sắt sau này, hơn 45 năm trôi qua, Tổng công ty Công trình đường sắt luôn là “Anh cả đỏ” trong khối xây lắp đường sắt, đặc biệt trong làm cầu, làm hầm.

Phát huy tinh thần khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất trước đây, đơn vị đang nỗ lực triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam gói 7.000 tỷ đồng.

Trong đó, gói thầu đầu tiên XL-CY-01 (Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô), liên danh Tổng công ty Công trình đường sắt - Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng được “chọn mặt gửi vàng” là gói thầu khởi công cho toàn bộ dự án.

Ông Võ Văn Phúc, tổng giám đốc cho biết, gói thầu gồm 6 công trình cầu đường sắt thuộc địa phận TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, giá trị hợp đồng khoảng 82,7 tỷ đồng.

Đây là các cầu ở khu vực có đặc điểm thủy văn phức tạp, vào mùa lũ rất khó thi công. Khởi công tháng 5/2020, công tác thi công chưa được bao lâu, thì bùng phát dịch Covid-19 nên phải tạm dừng, hoãn.

Ngoài ra, bão lũ liên miên khu vực miền Trung cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp bù đắp thời gian đã mất, đơn vị đã hoàn thành toàn bộ gói thầu đúng tiến độ tháng 3/2021, đảm bảo chất lượng, mĩ thuật.

img

Thi công gói 1 Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô

Trong khi đó, tổng công ty vẫn đang đảm nhận thi công nhiều gói thầu xây lắp đường sắt khác thuộc gói 7.000 tỷ như Gói 5 Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và Gói 9 Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang theo đúng kế hoạch tiến độ…

Ông Phúc cũng cho biết, tổng công ty cũng tham gia gói thầu xây lắp số 12 Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang thuộc gói 7.000 tỷ đồng.

Gói thầu này thực hiện cải tạo, gia cố hầm Babonneau tại Km 1226+814 tuyến đường sắt Bắc - Nam (khu vực Đèo Cả, Phú Yên). Đây là hầm dài nhất khu vực với chiều dài 1.198m. Hầm được xây dựng từ thời Pháp, qua hơn 100 năm khai thác, đến nay bị phong hóa nặng, đe dọa an toàn chạy tàu.

Tuy nhiên, điều kiện thi công rất khó khăn. Để thi công hầm, bắt buộc phải phong tỏa chạy tàu, nhưng mỗi lần phong tỏa tối đa chỉ được 4 giờ. Khó khăn nhưng giá trị gói thầu rất thấp, chỉ khoảng hơn 90 tỷ đồng nên các nhà thầu khác không muốn tham gia.

“Với tinh thần xung phong làm việc khó, chúng tôi vẫn tham gia đấu thầu để khẳng định năng lực, uy tín và thương hiệu của “Anh cả đỏ” khối xây lắp đường sắt. Chúng tôi đang dồn lực, khắc phục khó khăn để đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ, chất lượng và an toàn”, ông Phúc nói.

Từ cuối năm 1975 đến tháng 10/1976, Xí nghiệp Liên hợp công trình đường sắt khôi phục và làm mới 31 cầu; Khôi phục 95km đường sắt, 30 bộ ghi, đào đắp 240.000m3 đất đá; Xây dựng 110km đường dây thông tin, lắp đặt tín hiệu 10 ga. Vận chuyển và lắp đặt 6.500 tấn ray, 6.875 thanh tà vẹt, 3.300 tấn dầm cầu, 1.200 tấn cọc dầm, 3.500 tấn xi măng và sắt thép…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.