Thời sự

Thân xác các anh còn nằm ở Gạc Ma

14/03/2015, 07:03

Lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma như thắp lại tinh thần bất tử Gạc Ma.

vien da
Ông Đặng Ngọc Tùng cùng mẹ Hằng đặt viên đá đầu tiên 

Sáng 13/3, tại Công viên Biển Đông, bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Ký ức hào hùng

Tại buổi lễ, cựu binh Lê Hữu Thảo, người có mặt tại trận chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988, đã kể lại sự việc Trung Quốc tấn công chiếm đảo Gạc Ma làm 64 chiến sĩ hi sinh. Theo đó, trong trận hải chiến lịch sử ngày 14-3-1988, ông Thảo cùng trung úy Nguyễn Mậu Phong, thiếu úy Trần Văn Phương, chiến sĩ Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc mang theo 2 khẩu AK với nhiệm vụ xuống bãi đá ngầm san hô Gạc Ma, cảnh giới và bảo vệ cho lực lượng công binh dựng cờ.

Khi đó mọi người đang làm nhiệm vụ thì bốn tàu khu trục của Trung Quốc ập đến, với khoảng 50 người được trang bị vũ khí, đổ bộ xuống bao vây lấy chúng tôi. Tên chỉ huy đội bao vây của Trung Quốc cao hơn 1,8m cầm súng ngắn, tên điện đàm đi sau cùng, còn 48 tên còn lại cầm 48 khẩu AK hăm dọa.

Thiếu úy Phương khi ấy vẫn bảo Thảo cùng anh em vững súng đứng canh để anh em công binh dựng cờ. Hai bên đánh giáp lá cà, chúng tôi đã đánh bật chúng, bảo vệ thành công lá cờ Tổ quốc. Tuy nhiên, tên chỉ huy bắn súng chỉ thiên xua lính nổ súng vào chúng tôi. Anh Trần Văn Phương bị trúng đạn, những chiến sĩ công binh anh dũng xông lên bảo vệ và giương cao cờ Tổ quốc. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội anh dũng giành lại cờ liền bị đối phương dùng lưỡi lê đâm và bắn nguyễn Văn Lanh bị thương. Bên cạnh đó, đối phương nã pháo liên tiếp vào Gạc Ma và tàu HQ-604…

“Hai đồng đội của tôi là anh Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư mất tích, anh Phương vớt được thi thể. Chúng tôi xé áo bịt xuồng, tát nước đưa thương binh, tử sĩ lên về hướng Cô Lin. Bản thân tôi cũng một mình bơi ra cứu anh Hoàng Bùi Hải - nay là Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Thanh Hóa, sau đó cùng đồng đội đưa các anh em về nơi an toàn”, anh Thảo kể.

Thân xác còn nằm ở Gạc Ma

Đã 27 năm trôi qua nhưng nhiều liệt sĩ của chúng ta vẫn chưa tìm được thi thể. Các anh đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhưng thể xác vẫn còn mãi nằm lại với lòng biển lạnh. Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông đến từ Quảng Trị đã rơi nước mắt khi nói về người con mình dứt ruột đẻ ra nhưng đến nay vẫn chưa tìm được thân xác.

Mẹ cho biết: “Mẹ rất đau lòng. Ước mong duy nhất là tìm được xác con để mang về với đất mẹ. Bây giờ khi có khu tưởng niệm này sẽ rất an ủi phần tâm linh cho các gia đình, anh linh các anh cũng được ấm cúng”.

Giao luu than nhan, cuu binh Gac ma

Giao lưu với thân nhân, cựu binh Gạc Ma

Bà Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cũng không cầm được nước mắt khi con gái là Đinh Thị Mỹ Lệ nhớ về cha qua lời kể của mẹ. Thắp nén nhang lên di ảnh của liệt sĩ Doanh, bà Hà bùi ngùi xúc động: “Hồi trước, một số người từng là đồng đội với anh Doanh trên tàu đến thăm tôi. Tôi hỏi lúc ấy anh Doanh ở đâu, họ nói ảnh còn ở trong hầm tàu. Cách đây ít năm, ngư dân vớt được 8 xác, họ tổ chức xét nghiệm ADN tôi cũng hi vọng có chồng mình đó nhưng không phải. Suốt 27 năm một mình nuôi con, vật vã với cuộc sống lo toan, mong mỏi được có chồng bên cạnh dù đó chỉ là một nầm mồ để hương khói”.

Biểu tượng lòng yêu nước

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh: Việc xây dựng Khu tưởng niệm  chiến sĩ Gạc Ma nhằm thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đồng thời giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông. Khu tưởng niệm như một mộ phần chung giúp an ủi các thân nhân chiến sĩ Gạc Ma.

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha, thuộc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, sau nữa huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.

Hai phương án được bình chọn nhiều nhất đó là tác phẩm “Những người nằm lại phía chân trời” của tác giả Lý Thị Liễu (Công ty TNHH mỹ thuật - nhiếp ảnh Oanh Vũ, TPH.HCM) và “Hành trình khát vọng” của nhóm tác giả trẻ đến từ Trung tâm nghiên cứu kiến trúc - Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM. Các tác giả chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm thiết kế với nội dung trọng tâm là “Vòng tròn bất tử” của các chiến sĩ Gạc Ma cùng tinh thần bất khuất, dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay tại buổi lễ, các cá nhân đơn vị đã nhắn tin cú pháp “GM” gửi 1407 tượng trưng cho một viên gạch (14.000 đồng). Đồng thời 38 đơn vị, cơ quan khắp cả nước cũng ủng hộ được gần 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, cán bộ và  nhân dân tỉnh Khánh Hòa vịnh dự khi địa phương được lựa chọn là nơi xây dựng tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma. Thời gian qua Khánh Hòa đã phối hợp nhịp nhàng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp để công trình được đúng tiến độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.