Khám phá

Tháng cô hồn: Đốt vàng mã cần lưu ý điều gì?

15/08/2018, 14:10

Không phải ai cũng biết hóa vàng mã sao cho đúng với phong tục của người Việt?

thang-co-hon-su-tich-nguon-goc-va-y-nghia2

Đốt vàng mã trong các Lễ vu lan và Xá tội vong nhân là phong tục truyền thống của người Việt

Đốt vàng mã trong các Lễ vu lan và Xá tội vong nhân hay các ngày lễ tết từ lâu đã là phong tục truyền thống của người Việt. Tuy nhiên việc hóa vàng mã sao cho đúng với phong tục thì không phải ai cũng biết.

Tục đốt (hóa) vàng mã trong văn hóa người Việt

Theo quan niệm dân gian, con người tin rằng cũng giống như việc đốt hương sẽ giúp hương khói bay lên và đưa theo những lời cầu nguyện của mình đến với thần linh, các bậc gia tiên thì đồ vàng mã cũng vậy. Người ta luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng con người sau khi chết đi sẽ tồn tại ở một thế giới nào đó vì thế xuất hiện tư duy "trần sao, âm vậy", nó có nghĩa con người khi sống cần gì thì chết đi cũng cần có những thứ đó.

Vì quan niệm này mà tục đốt tiền, vàng mã xuất hiện với mong muốn những người thân của mình khi chết đi cũng được sống một cuộc sống đủ đầy.

Tuy nhiên, đồ mã ngày xưa đều làm nhỏ nhỏ xinh xinh, mỗi lễ gồm những loại tiền gì, bao nhiêu đều quy định rất cụ thể, chứ không phải cứ như bây giờ sính lễ hoành tráng, phải to như thật là không đúng, là tốn kém lãng phí. Khi khách đến mua, đồ lễ đã được sắp sẵn theo đúng phong tục. 

Mỗi khi một người thân bốc mộ, chuyển về nhà mới thì mới hóa nhà cho họ. Nhà cũng nho nhỏ tượng trưng thôi, chứ không phải làm to như thật. Thêm vào đó, chỉ cần dâng cúng tiền vàng, tiền vàng đó có thể trao đổi và mua được các vật dụng cần thiết trong thế giới bên kia, chứ không phải hóa tủ lạnh, tivi, xe máy, ô tô như người ta vẫn làm. Hình thức hóa vàng giờ đây đã bị biến tướng so với cổ tục từ xa xưa đời đời đã truyền lại.

080307-vang-ma-2

 

Hóa vàng cần lưu ý

Theo Dân Việt, trong cuốn “Hương nhang cổ truyền Bồ Đề Tâm”, mâm cỗ hóa vàng gồm có những thứ sau: Hương, hoa tươi, quả tươi, trà, trầu cau (thường là 1 – 3 quả cau còn cuống với một lá trầu), đèn, nến, rượu, vàng mã…Ngoài ra còn là mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay.

Sau khi làm cơm cúng xong, người ta đem số vàng mã đã cúng ra hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, những vàng mã dành cho người mới mất được hóa riêng.

Nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người cho hay:

“Khi hóa vàng xong thì người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng”.

Cúng hoá vàng được thực hiện ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ. Theo đó, khi gần hết 1 tuần hương người ta bắt đầu hóa tiền vàng.

“Mỗi lễ vàng tiền đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống theo thứ tự gia thần trước, gia tiên sau.

Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.

Tục hóa vàng mã theo quan điểm Phật giáo

Nói về câu chuyện nhà nhà mua vàng mã, người người đốt vàng mã cho người chết, các bậc cao tăng Phật giáo mà đại diện là Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này."

"Phật giáo chỉ khuyên trong ngày Lễ vu lan (báo hiếu cha mẹ) thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ. Và làm Lễ xá tội vong nhân (cúng chúng sinh) – cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Đồng thời, giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh” - Thượng tọa Thích Thanh Duệ trả lời báo Gia đình & Xã hội cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.