Vận tải

Thăng trầm xe buýt TP.HCM

08/05/2017, 07:23

TP HCM đang thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm thu hút hành khách đi xe buýt.

11

Với chủ trương xã hội hóa, hệ thống xe buýt TP HCM đã được đầu tư hiện đại (Trong ảnh: Tuyến xe buýt 109 từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Bến Thành hoạt động không trợ giá) - Ảnh: Linh Hoàng

TP.HCM đang xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại từ xe buýt đến BRT, tàu điện ngầm. Nhưng mấy ai biết, đã có thời những chiếc xe lam cũ kỹ là một trong những phương tiện giao thông công cộng chính của thành phố này.

Thời của xe Lam

Hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM đã được hình thành từ trước năm 1975. Sau giải phóng, tồn tại 2 loại hình là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hợp tác xã (HTX) tham gia hoạt động trong lĩnh vực giao thông công cộng. Lúc này, phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng xe buýt và xe lam. Đến năm 1980, giao thông công cộng đã thực hiện vận chuyển được khoảng 10% nhu cầu đi lại. Thời điểm này, khối lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt do Công ty Xe buýt du lịch Sài Gòn và Công ty Xe buýt TP HCM chiếm 63% thị phần.

Trong khi đó, phương tiện xe lam chủ yếu do các HTX đảm nhận. Dù chỉ chiếm 33,5% thị phần, nhưng những chiếc xe lam trở nên rất gần gũi với người dân vì nó đi đến tất cả đường cùng, ngõ hẻm từ khu vực trung tâm đến ngoại thành. Đến thời điểm năm 1992, cả thành phố có hơn 3.000 chiếc xe lam, xe buýt chỉ có 167 chiếc, lượng hành khách đi xe buýt bắt đầu giảm dần.

Năm 1992, thực hiện chủ trương xã hội hóa, Công ty Xe buýt TP.HCM đã giải thể để hình thành 5 HTX, trong khi Công ty Xe buýt du lịch Sài Gòn vẫn còn là một công ty Nhà nước và được đổi tên thành Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn (Sài Gòn Bus). Trong năm 1993, Công ty liên doanh Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star) được thành lập. Đến năm 1998, TP HCM có 1 DNNN, 1 công ty liên doanh và 30 HTX hoạt động VTHKCC với khoảng 460 xe buýt, 600 xe lam 4 bánh và 2.000 xe lam ba bánh.

12
Những chiếc xe lam một thời thịnh hành tại TP.HCM phục vụ hành khách công cộng

Hướng đến hệ thống giao thông công cộng hiện đại

Đầu năm 2002, TP.HCM đã đẩy mạnh phát triển hệ thống xe buýt thông qua chính sách trợ giá xe buýt, hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng... Mục tiêu là phục hồi và phát triển hệ thống xe buýt làm nền tảng cho vận tải công cộng, tạo dần thói quen và thu hút người dân đi lại bằng xe buýt, góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, tạo nếp sống văn minh đô thị,… Thời điểm này, có 4 loại hình doanh nghiệp tham gia khai thác VTHKCC bằng xe buýt có trợ giá gồm 1 DNNN, 1 công ty liên doanh, 1 công ty TNHH và 29 HTX.

Đến năm 2006, số lượng xe buýt từ 17 ghế đến trên 39 ghế tăng lên 2.283 xe, số lượng xe lam giảm xuống còn 1.007 xe. Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh đã bộc lộ năng lực quản lý điều hành của khối HTX. Lúc này, Sở GTVT có chủ trương tái cấu trúc lại các HTX. Qua quá trình thực hiện tái cấu trúc, từ 32 doanh nghiệp vận tải (năm 2002), đến cuối năm 2016 chỉ còn 13 doanh nghiệp vận tải trong đó có 1 công ty cổ phần, 1 công ty TNHH, 1 công ty liên doanh và 10 HTX.

Để thu hút hành khách đi xe buýt, TP HCM đang thực hiện hàng loạt giải pháp. Đầu tư đổi mới phương tiện xe buýt, lượng xe chạy bằng nhiên liệu khí CNG được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Trên phương tiện được gắn camera để quan sát thái độ của tài xế, tiếp viên. Có cả hệ thống phần mềm Busmap, tạo thuận lợi cho hành khách trong việc lựa chọn điểm đi, điểm đến, biết được chiều dài lộ trình, thời gian xe sắp tới...

Hoạt động VTHKCC bằng xe buýt tại TP.HCM mang tính xã hội hóa cao, khối HTX chiếm tỷ trọng lớn về thị phần vận tải như: Số lượng tuyến đảm nhận, khối lượng vận chuyển hành khách và số lượng phương tiện hoạt động. Hệ thống luồng tuyến cũng được tăng lên, năm 2002 chỉ có 97 tuyến đến nay có 146 tuyến. Nguyên tắc tổ chức mạng lưới tuyến được xây dựng trên quan điểm tuyến trục - tuyến nhánh và sử dụng từ một đến hai tuyến là có thể thực hiện chuyến đi của mình.

Qua 13 năm củng cố và phát triển hệ thống VTHKCC, khối lượng vận chuyển xe buýt tăng từ 36,18 triệu lượt (năm 2002), lên đến 413,14 triệu lượt vào năm 2012. Năm 2016, khối lượng vận chuyển giảm xuống chỉ còn 326,2 triệu lượt hành khách. Nguyên nhân là những năm gần đây phương tiện xe buýt bắt đầu xuống cấp. Sự gia tăng của phương tiện cá nhân làm cho xe buýt luôn trong tình trạng bị “bao vây” trên đường. Tốc độ vận doanh của xe buýt giảm xuống, kéo theo mức độ hấp dẫn của xe buýt cũng giảm, người dân chuyển sang sử dụng xe cá nhân nhiều hơn.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm VTHKCC TP.HCM cho biết, trung tâm đang xây dựng nhiều kế hoạch để tiếp tục nâng cao chất lượng VTHKCC thời gian tới. Trước mắt, tiếp tục đổi mới hệ thống xe buýt, thay dần những phương tiện cũ. Tập trung nghiên cứu hệ thống thẻ xe buýt điện tử để thay vé giấy. Loại thẻ này được nghiên cứu để sau này kết hợp với thẻ của tàu điện ngầm, tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng. Đội ngũ tiếp viên, tài xế được đào tạo để nâng cao thái độ phục vụ hành khách. Nghiên cứu làn ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến đường, từng bước thu hút người dân sử dụng phương tiện VTHKCC để góp phần giảm ùn tắc, kẹt xe, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.