Xã hội

Thanh Hóa chi gần 30 tỷ "san phẳng" trụ sở UBND xã để trùng tu di tích?

18/05/2020, 06:52

Để thực hiện công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử thì buộc phải phá dỡ trụ sở UBND xã Thiệu Viên (huyện Thiệu Hóa) và xây mới hoàn toàn.

img
Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn 1967 - 1973

Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa với số tiền gần 30 tỷ đồng. Điều đáng nói, để thực hiện dự án này thì buộc phải phá dỡ trụ sở UBND xã Thiệu Viên (huyện Thiệu Hóa) và xây mới hoàn toàn.

Trụ sở xã nằm trong phần đất của Khu di tích

Theo tài liệu, năm 1967, Tỉnh ủy Thanh Hóa chọn xã Thiệu Viên làm nơi sơ tán và đặt trụ sở làm việc để chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tại thời điểm đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã cho thi công xây dựng các công trình như: Nhà làm việc của Thường trực, hội trường lớn, nhà ăn… và cùng với nhân dân xây dựng hệ thống hầm trú ẩn, hào giao thông…

Tháng 11/1967, toàn bộ cán bộ, cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa được sơ tán về xã Thiệu Viên hoạt động cho đến năm 1973 thì di dời về trung tâm thị xã (nay là thành phố Thanh Hóa).

Ông Nghiêm Duy Cương, cán bộ văn hóa xã Thiệu Viên cho hay: Giai đoạn Tỉnh ủy Thanh Hóa về làm việc tại đây, công sở hành chính của xã Thiệu Viên được sơ tán trong các nhà dân vừa làm việc vừa hoạt động. Đến năm 2008, trụ sở UBND xã Thiệu Viên được xây mới trong khuôn viên của Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy cũ. Đến năm 2009, UBND tỉnh xếp loại khu làm việc Tỉnh ủy cũ là di tích cách mạng cấp tỉnh.

“Khu di tích cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa những năm 1967 - 1973 gồm ngôi nhà ngói 5 gian xây dựng tường hồi bít đốc có tổng diện tích 124,5m2; Hội trường lớn có 7 gian với diện tích 222m2, hiện vật giờ chỉ có 2 cây cổ thụ và cây long não trồng trước sân. Trải qua bao nhiêu thời gian, khu nhà làm việc của Tỉnh ủy đã xuống cấp trầm trọng.

Hàng năm vào các ngày lễ, kỷ niệm chúng tôi cũng thường tổ chức cho các em học sinh, cựu chiến binh tham quan để ôn lại những năm tháng hoạt động cách mạng tại đây. Chúng tôi mong muốn được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn phát huy truyền thống, lịch sử của địa phương”, ông Cương nói.

Xác nhận các thông tin trên, ông Vũ Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Thiệu Viên cho biết: Trụ sở UBND xã Thiệu Viên xây dựng năm 2008 với giá trị khoảng 3,5 tỷ đồng, giờ theo quy hoạch, trụ sở xã nằm trong phần đất của Khu di tích cách mạng Trụ sở UBND tỉnh.

“San bằng” công sở để trùng tu di tích cấp tỉnh

img
Khu nhà làm việc của UBND xã Thiệu Viên xây dựng từ năm 2008 còn như mới nhưng sẽ bị phá dỡ

Quan sát thực tế cho thấy, trong khuôn viên của UBND xã Thiệu Viên bây giờ là ngôi nhà ngói đã cũ nát, một số mái trũng xuống. Phía sau trụ sở là Hội trường lớn của Tỉnh ủy làm việc thời kháng chiến. Án ngữ chính giữa là khu nhà 2 tầng được sơn màu vàng, chắc chắn là nơi làm việc của cán bộ xã Thiệu Viên.

Tuy nhiên, theo quyết định phê duyệt trong việc trùng tu, tôn tạo di tích Khu di tích cách mạng Trụ sở UBND tỉnh thì khu nhà hai tầng này buộc phải phá dỡ.

Khi được hỏi tại sao trước năm 2008 mới xây không tính toán kỹ để bây giờ phải phá dỡ toàn bộ trụ sở UBND xã Thiệu Viên trong khi các phòng làm việc, cơ sở vật chất chưa xuống cấp thì ông Hải cho rằng: “Tôi cũng mới được luân chuyển về đây giữ chức Chủ tịch. Cũng thấy lãng phí thật nhưng đây là quyết định cấp trên và nhân dân cũng mong muốn được trùng tu Khu di tích”.

Theo ông Hải, kinh phí hoàn trả, xây dựng mới trụ sở UBND xã là 6,1 tỷ đồng. Trụ sở UBND xã Thiệu Viên hiện tại (tòa nhà 2 tầng và khu 1 tầng trong khuôn viên Khu di tích) phải đập bỏ, di chuyển sang bên cạnh, xây dựng ngay trên sân vận động. Còn sân vận động thì sẽ thu hồi đất ao của các hộ dân phía sau hội trường.

Ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thiệu Hóa cho biết: Việc có lãng phí khi GPMB các công trình nằm trong khuôn viên dự án trong đó có công sở UBND xã Thiệu Viên hay không thì các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã về làm việc, đánh giá, xem xét kỹ lưỡng rồi tham mưu cho UBND tỉnh có quyết định phê duyệt thực hiện dự án. UBND huyện chỉ là đơn vị thực hiện theo chỉ đạo. Hiện nay, dự án đang lựa chọn nhà thầu, khi chọn xong sẽ tiến hành thi công.

Tại Quyết định số 1345 ngày 17/4/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967 - 1973) có tổng mức đầu tư là 29,8 tỷ đồng, giao UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư.

Trong quyết định này nêu rõ xây dựng hoàn trả công trình thuộc phạm vi GPMB thực hiện dự án: Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Thiệu Viên được xây mới nhà 2 tầng (tầng 1 có diện tích 786,33m2, tầng 2 có diện tích 580,79m2).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.