Thông tin doanh nghiệp

Thanh Hóa hưởng lợi gì từ dự án cao tốc Bắc - Nam?

22/11/2021, 17:00

Dự án cao tốc Bắc - Nam được đầu tư sẽ là động lực cho tỉnh Thanh Hóa phát triển về kinh tế - xã hội, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm.

Là địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua với chiều dài 98,5km, tỉnh Thanh Hóa sẽ có nhiều lợi thế trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

img

Dự án thành phần đoạn QL45- Nghi Sơn thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai thi công

"Sợi chỉ đỏ" kết nối giao thương

Thanh Hoá là tỉnh có diện tích tự nhiên 11.129km2, dân số hơn 3,64 triệu người, với 23.272km đường bộ (trong đó: Quốc lộ 1.299km, đường tỉnh1.464km, đường đô thị 1.021km, đường chuyên dùng 142km, đường giao thông nông thôn 19.345km), bao gồm đầy đủ 5 phương thức vận tải (Hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt). Hiện nay, hệ thống mạng lưới đường giao thông quốc lộ, đường tỉnh và giao thông nông thôn cơ bản kết nối liên hoàn.

Tuy nhiên, với địa hình đa dạng, trải dài từ miền núi, trung du, đồng bằng đến ven biển, nhiều năm qua, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hiện đại, chưa đáp ứng năng lực thông hành dẫn đến kinh tế tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là du lịch, chưa thể có bước đột phá.

Từng trao đổi với Báo Giao thông về hạ tầng giao thông của tỉnh Thanh Hóa như hiện nay, ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định: Khi chưa có tuyến đường bộ cao tốc đi qua, hạ tầng giao thông của tỉnh còn hạn chế nhiều. Chưa có trục giao thông hiện đại với năng lực thông hành lớn để kết nối xuyên suốt tỉnh Thanh Hóa với các khu vực trong cả nước.

Giao thông đường bộ phục vụ giao thương, kết nối liên tỉnh chủ yếu thông qua Quốc lộ 1 nhưng những năm gần đây nhiều đoạn tuyến trên Quốc lộ 1 đã quá tải, gây ùn tắc trong giờ cao điểm, phát sinh nhiều nhiều điểm đen về giao thông. Mặt khác, đây là tuyến đường được đầu tư xây dựng đã lâu, qua nhiều đô thị, khu vực đông dân cư, lưu thông hỗn hợp với các loại xe thô sơ nên không thể đáp ứng vai trò là tuyến vận tải có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn và khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp, mở rộng.

img

Ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu kiểm tra về tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam hồi tháng 9 vừa qua

So với các tuyến đường bộ thông thường khác như Quốc lộ, Đường tỉnh..., tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang đầu tư trên địa bàn tỉnh có lợi thế vượt trội, đảm nhận năng lực vận tải hàng hóa, hành khách với khối lượng lớn, khi đi vào khai thác hoạt động sẽ giảm giá thành vận tải, thời gian di chuyển, giảm ùn tắc, TNGT...

Cũng theo ông Liêm, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 98,5km được đầu tư hoàn thành sẽ cùng với mạng lưới các tuyến đường của địa phương kết nối thông qua 07 nút giao liên thông sẽ rút ngắn hành trình từ Thanh Hóa đi các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đẩy mạnh cơ hội đầu tư vào khu vực miền Bắc và miền Trung, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa miền Bắc với miền Trung cũng như hai đầu Bắc - Nam, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa.

img

Tuyến cao tốc Bắc - Nam sau khi được hoàn thành sẽ là "đòn bẩy" để tỉnh Thanh Hóa liên kết vùng kinh tế trọng điểm, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân được nâng cao

Đồng thời, cùng với đường bộ cao tốc, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy triển khai nhiều dự án giao thông khác như: Nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hóa cảng hàng không Thọ Xuân, tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội -Vinh, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển… để ngày càng hoàn thiện bức tranh giao thông xứ Thanh, thuận lợi cho giao thương vùng miền.

Tạo đà thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội

Với việc đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay là một nhu cầu hết sức cấp thiết, không chỉ đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước mà với tỉnh Thanh Hóa là mong mỏi của toàn Đảng bộ, nhân dân xứ Thanh. Khi tuyến đường hình thành có ý nghĩa và vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương trên mọi phương diện.

Trong đó, người dân ở vùng dự án đi qua sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, cụ thể: Thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, tiết kiệm thời gian và chi phí vận tải, đảm bảo an toàn giao thông; Tạo cơ hội về việc làm cho nhân dân do sẽ có nhiều khu công nghiệp, nhà máy dọc các tuyến đường gom của đường bộ cao tốc, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân; Thuận lợi cho nhân dân chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang các ngành, nghề dịch vụ thương mại, sản xuất kinh doanh, du lịch, mang lại thu nhập cao và ổn định.

img

Cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sẽ tạo tiềm năng cho nhà đầu tư khai thác du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Bến En

Với lợi thế có nhiều phương thức giao thông đa dạng, đặc biệt là việc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang được đầu tư sẽ rút ngắn khoảng cách về địa lý với các tỉnh trong khu vực và là tiền đề để Thanh Hóa thu hút giới đầu tư.

Được biết, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư lớn quan tâm, đầu tư trên địa bàn tỉnh như Tập đoàn VinGroup đã đầu tư thành công dự án Vinhomes Star City Thanh Hóa; Tập đoàn SunGroup đang đầu tư Dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn và đang nghiên cứu đầu tư dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, huyện Như Thanh; Tập đoàn TNT đang đầu tư dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân và nhiều dự án lớn khác đang được các tập đoàn nghiên cứu, triển khai trên địa bàn như: Tập đoàn Foxconn Việt Nam nghiên cứu đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa; ký kết biên bản ghi nhớ với CTCP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu, các đối tác về dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung Bộ…

Cùng với việc hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, để phát huy hết những tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới phía Bắc; triển khai thực hiện theo Nghị quyết 58, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND ngày 09/8/2021, trong đó giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan, bám sát nhiệm vụ thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra.

Trong đó, trọng tâm huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo sự kết nối thuận lợi giữa Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ, nước bạn Lào và phục vụ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm về giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng thủy lợi, đảm bảo đến năm 2030, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đáp ứng được yêu cầu phát triển như: các tuyến đường kết nối các tuyến giao thông trục chính của tỉnh với 07 nút giao của đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển, đường nối từ trung tâm TP Thanh Hóa đi CHK Thọ Xuân …

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.