Làm báo cùng Giao thông

Thành tích giáo dục vì sao thành ngáo ộp?

21/04/2018, 08:07

Xin mỗi người bố, người mẹ chúng ta hãy thay đổi trước, để không đánh mất con mình...

13

Nam sinh lớp 10 tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh như giọt nước tràn ly về căn bệnh thành tích trong giáo dục

Vụ nam sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh nói “con thực sự rất mệt” như giọt nước tràn ly về căn bệnh thành tích trong giáo dục.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn tốt cho con, nhưng chấp nhận con mình không có điểm số cao như các bạn là điều không phải ai cũng làm được. Nhất là khi bệnh thành tích đã trở thành vấn nạn của cả xã hội. Khi điểm số, bằng cấp mặc nhiên trở thành thước đo lớn nhất cho giá trị cá nhân.

Nói thật, tôi không chắc mình không bị ảnh hưởng ít nhiều bởi điều này nếu vẫn sống ở Việt Nam. Nhưng nhiều năm nay, do yêu cầu công việc, gia đình tôi sống ở nhiều nước khác nhau. Và hiện giờ, khi đang ở Thụy Sỹ, tôi càng thấm thía những điểm khác biệt trong triết lý giáo dục của mỗi nước.

Ngay trong câu chuyện hàng ngày, khi con cái đi học về, bố mẹ không bao giờ hỏi con được mấy điểm mà hỏi chúng ở trường có vui không, có chuyện gì thú vị? Ở Thụy Sỹ, lên lớp 3 mới bắt đầu chấm điểm, nhưng giáo viên không công bố điểm trước lớp, bạn nào biết điểm của bạn đấy, cũng không có xếp thứ hay xếp hạng.

Hệ thống trường công ở Thụy Sỹ không có lớp chuyên hay lớp chọn. Nhà trường không phải là “đấu trường” cho các đội tuyển học sinh giỏi mà là nơi mỗi đứa trẻ đều cảm thấy bình đẳng như nhau.

Điểm số không phải là thứ quan trọng nhất, trẻ em được khuyến khích phát triển tính sáng tạo, kỹ năng sống, trách nhiệm đối với xã hội. Các con tôi học tiểu học không viết chữ đẹp hay làm những phép tính phức tạp như học sinh Việt Nam nhưng lại biết cầm kim khâu, khi nhìn thấy chó thì biết phải làm thế nào để không bị cắn, biết phân loại rác thải, biết rằng sở hữu nhiều ô tô thì làm hại môi trường...

Và quan trọng nhất, hầu hết các cháu đều cảm thấy vui vẻ khi tới trường.Trẻ con ở Thụy Sỹ có rất ít bài tập và các giáo viên đều cho rằng, các bạn bé mỗi ngày làm bài tập 10 phút tốt hơn là kéo dài một tiếng. Họ dẫn ra nhiều trắc nghiệm cho thấy trẻ bị bắt học thật lâu thường tiếp thu bài kém hơn. Trẻ cũng cần phải ngủ đủ giấc.

Bọn trẻ thường đi ngủ vào 20h để hôm sau có thể tới trường trong trạng thái khỏe khoắn và tràn trề năng lượng. Thụy Sỹ luôn là một trong những quốc gia được xếp hàng đầu về giáo dục không chỉ nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước mà còn là sự đầu tư của chính phụ huynh vào việc giáo dục con cái và sự hợp tác của họ với nhà trường.

Ở cấp tiểu học, việc họp phụ huynh chỉ diễn ra hai năm một lần vì cứ hai năm thì các cháu sẽ đổi lớp và đổi giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường và phụ huynh liên hệ bằng sổ liên lạc, ghi rõ từng ngày ở lớp các cháu học gì và làm gì. Giáo viên hàng năm sẽ gặp riêng từng phụ huynh để trao đổi về tình hình học tập của con và lập tức liên hệ với phụ huynh nếu như trẻ có bất kì dấu hiệu bất thường nào.

Thụy Sỹ là nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng là vì họ rất coi trọng giáo dục dạy nghề. Từ rất sớm, vào năm lớp 7, học sinh sẽ được phân loại định hướng để sau này sẽ tiếp tục học lên đại học hay đi học nghề. Vì vậy, không xảy ra tình trạng thừa thầy, thiếu thợ như các quốc gia châu Âu khác.

Để thành tích về điểm số không còn là những con ngáo ộp, thậm chí cướp đi cả sinh mạng của những đứa trẻ, nếu xã hội chưa kịp thay đổi, xin mỗi người bố, người mẹ chúng ta hãy thay đổi trước, để không đánh mất con mình.

Vào đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công. Và điểm số cao không phải là đích đến bắt buộc phải đạt được. Mỗi đứa trẻ đều có những tài năng và sở thích riêng biệt. Điều quan trọng không phải là trẻ sẽ trở thành một người thợ làm bánh hay một quan chức, mà là chúng phải được hạnh phúc trong sự lựa chọn của chính mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.