Chiều 13/9, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chủ trì, thị sát hiện trường toàn tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong.
Báo cáo với thứ trưởng, ông Hồ Xuân Thắng, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Ban Quản lý dự án 7 - chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay toàn tuyến bàn giao mặt bằng hơn 46km, đạt hơn 96% trong tổng số gần 49km.
Trong đó mặt bằng có thể tiếp cận thi công đạt hơn 43km. Phần còn lại chủ yếu do vướng hạ tầng kỹ thuật, chờ tái định cư...
Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, hiện Phú Yên hoàn thành 4/6 khu tái định cư, 2 khu còn lại cũng sẽ cán đích trong tháng 9/2023. Các cấp ngành địa phương đang triển khai thực hiện di dời 104 vị trí hạ tầng kỹ thuật; trình Bộ Công thương thẩm định 41 vị trí.
Vật liệu đá cơ bản đảm bảo chất lượng, công suất theo yêu cầu của dự án. Riêng vật liệu cát chỉ mới khai thác được 2/3 mỏ (trữ lượng 1,13 triệu m3) đáp ứng 65,31% nhu cầu.
Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong cần khoảng 5,5 triệu m3 đất, dự kiến sử dụng đất từ 6 mỏ có tổng trữ lượng khoảng 38,68 triệu m3. Các nhà thầu đã trình hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác 4 mỏ với trữ lượng 5,83 triệu m3, địa phương đã chấp thuận bản đăng ký 3/4 mỏ với trữ lượng 4,43 triệu m3.
Tuy nhiên đến nay chưa khai thác được mỏ nào.
Tranh thủ điều kiện mặt bằng, vật liệu, các nhà thầu đã huy động 42 mũi thi công với 394 máy móc, thiết bị; hơn 1.100 nhân lực đến hiện trường.
"Dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên dự án cần tăng tốc bù tiến độ gần 6% so với kế hoạch trong thời gian tới. Trong đó gói thẩu XL02 hiện đang chậm hơn 21%", ông Thắng báo cáo.
Theo các nhà thầu, chủ đầu tư, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố khách quan. Trong đó, thời gian xin cấp phép các mỏ vật liệu kéo dài nên chưa có vật liệu thi công. Đến nay, mới chỉ khai thác được 2/3 mỏ cát, mỏ đất chưa đủ điều kiện khai thác.
Bên cạnh đó, một số mỏ đất gặp khó khăn trong công tác thương thảo đền bù do chủ đất đang yêu cầu giá cao hơn giá thị trường, thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn thủ tục đất đai đối với trường hợp thuê đất, hợp tác kinh doanh, khai thác…
Sau khi kiểm tra hiện trường, nghe báo cáo từ các đơn vị chức năng, địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ghi nhận nỗ lực của các đơn vị triển khai dự án. Đồng thời, yêu cầu, ban quản lý dự án, nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo thứ trưởng, các đơn vị cần tranh thủ điều kiện thuận lợi mặt bằng, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ khi thời tiết thuận lợi, không được chủ quan.
Đối với các tồn tại về mặt bằng do hạ tầng kỹ thuật, bố trí tái định cư, thứ trưởng chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu cần tăng cường phối hợp với địa phương để giải quyết và bàn giao dứt điểm những đoạn tuyến còn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi công.
Về các vướng mắc thủ tục về cấp mỏ vật liệu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, di dời hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư, đơn vị thi công cần tăng cường phối hợp với địa phương đề ra phương án sớm giải quyết.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong đang được triển khai với hai gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng.
Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong có điểm đầu trùng điểm cuối dự án đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (Phú Yên), điểm cuối kết nối với quốc lộ 1 và dự án hầm Đèo Cả ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Trên tuyến có hầm đường bộ Tuy An dài 1.020 m.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT). Dự án khởi công tháng 1/2023, cơ bản hoàn thành 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận