Xã hội

Tháo dỡ nhà 8B Lê Trực: "Không thể chính quyền bất lực là đề xuất quân đội"

27/02/2020, 15:27

Nhiều tướng lĩnh quân đội không đồng tình với đề xuất đưa quân đội vào phá dỡ phần xây dựng sai phép tại dự án 8B Lê Trực.

img
Từ năm 2015 đến 2018, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm tại nhà 8B Lê Trực, tuy nhiên, UBND TP Hà Nội "rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại kéo dài".

Tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội chiều 25/2, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đã đưa ra đề xuất mời lực lượng công binh (Quân đội) tham gia tháo dỡ tầng 17-18 nhà 8B Lê Trực để đảm bảo an toàn công trình.

Ông Chiến cho biết để tìm đơn vị tư vấn phá dỡ giai đoạn 2 (tầng 17-18) phần vi phạm của dự án, quận đã gửi văn bản tới hơn 30 đơn vị có năng lực, nhưng "có đơn vị trả lời không tham gia, có đơn vị không hồi âm".

Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phạm Thanh Học thông tin thêm rằng, quận đã báo cáo đề xuất thành phố cho phép đơn vị công binh của Bộ Tư lệnh thủ đô tham gia tháo dỡ. Việc này phải đảm bảo an toàn khi cưỡng chế và an toàn cả khi hoàn thành, công trình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Trước đề xuất này, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng, hoàn toàn không phù hợp.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn RInh, vấn đề hạ thấp độ cao Tòa nhà 8B Lê Trực là trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân làm sai. Đây là vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh quốc gia. Sự việc đã để xảy ra quá lâu, quá dài với sự thiếu quyết liệt của các bên liên quan.

"Đến nay gần như chính quyền Hà Nội bất lực. Không thể khi anh bất lực, anh lại đề xuất lực lượng như quân đội tham gia vấn đề này. Kể cả Thành ủy, UBND TP Hà Nội cũng không thể chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội triển khai lực lượng công binh tham gia nhiệm vụ này”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nêu quan điểm.

img
Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng (Ảnh: Tùng Đinh)

Đồng quan điểm, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, sự việc xây dựng trái phép của tòa nhà 8B Lê Trực đã diễn ra đã 4 năm nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội gần như bất lực trong việc xử lý.

“Quan điểm của tôi về đề xuất đưa lực lượng công binh vào xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực là không đúng với nhiệm vụ và chức năng của quân đội. Trừ trường hợp đó là nhiệm vụ chiến đấu, cứu hộ - cứu nạn, cứu nhân dân thì dù khó khăn, phức tạp đến đâu lực lượng quân đội cũng sẽ quyết tâm để hoàn thành”, Thượng tướng Võ Tiến Trung cho hay.

Trước đó, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực cho rằng, việc phá dỡ tầng 18-17 tòa nhà 8B Lê Trực là không thể thực hiện do tầng 18 có hệ kết cấu dầm treo, phá thì không gia cố được mà sập đổ cả tòa nhà. Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của quận Ba Đình kéo dài 5 năm làm thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 50% giá trị công trình.

Công trình 8B Lê Trực nằm sát khu chính trị Ba Đình, cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội khoảng 300 m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ chủ tịch chừng 500 m, tính theo đường chim bay. Chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng.

Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn một. Cuối năm 2019, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm vi phạm tại nhà 8B Lê Trực để "đảm bảo kỷ cương, pháp luật", đồng thời nêu rõ việc xử lý phải đảm bảo an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Từ năm 2015 đến 2018, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm tại nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội "rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại kéo dài".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.