Hạ tầng

Tháo dỡ trạm BOT cầu Bình Triệu sau 5 năm ngáng đường vào TP.HCM

02/11/2020, 21:57

Trạm thu phí BOT cầu Bình Triệu 2 bị bỏ hoang 5 năm nay, gây cản trở giao thông khu vực đã được tháo dỡ, trả lại lòng đường thông thoáng.

img
Trạm thu phí BOT cầu Bình Triệu 2 (TP.HCM) đã được tháo dỡ để trả lại lòng đường thông thoáng

Chiều 2/11, cơ quan chức năng đã tháo hai trạm thu phí ở hai đầu cầu Bình Triệu 1 và 2 để trả lại lòng đường thông thoáng sau 5 năm bỏ hoang, không hoạt động.

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án cầu Bình triệu đã dừng thu phí 5 năm nay nhưng vẫn chưa tháo dỡ là do dự án vẫn chưa chính thức chấm dứt hình thức hợp đồng BOT. Mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận ngừng hợp đồng BOT và chuyển đổi sang đầu tư ngân sách đối với dự án này.

Tháng 7/2020, UBND TP.HCM đã giao cho các sở, ngành làm thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT dự án, đồng thời chấp thuận đề xuất của Sở GTVT TP.HCM giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ tổ chức tháo dỡ 2 trạm thu phí trên.

Hai trạm thu phí này suốt 5 năm qua nằm giữa đường, gây cản trở giao thông khu vực, gây kẹt xe vào những dịp lễ tết khi lượng xe đổ về Bến xe Miền Đông tăng.

Dự án BOT cầu Bình Triệu 2 giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2004, do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Đến năm 2008, UBND TP.HCM cho phép triển khai giai đoạn 2 và giao Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông TP.HCM (Công ty CII) làm chủ đầu tư.

Dự án bao gồm các hợp phần như: Nâng cấp mở rộng QL13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước; sửa chữa cầu Bình Triệu 1; mở rộng đường Nguyễn Xí và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài Liệt Sĩ; mở rộng đường Ung Văn Khiêm; hoàn trả chi phí đầu tư mà Cienco 5 đã thực hiện.

Tuy nhiên, đến năm 2010 Công ty CII mới chỉ hoàn thành xây cầu Bình Triệu 2, sửa chữa cầu Bình Triệu 1 và cũng đã thu phí hoàn vốn.

Đến năm 2018, UBND TP.HCM và Công ty CII ký hợp đồng BOT về dự án cầu đường Bình Triệu 2 trên cơ sở điều chỉnh hợp đồng cũ, với các hạng mục chưa được thực hiện gồm: Mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m; xây dựng nút giao thông Đài Liệt Sĩ; mở rộng cầu Ông Dầu trên QL13 với tổng vốn đầu tư 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.364 tỷ đồng do nhà đầu tư ứng cho địa phương trả.

Công ty CII chỉ mới hoàn thành mở rộng cầu Ông Dầu trên QL13 với tổng vốn đầu tư 2.293 tỷ đồng, các hạng mục khác chưa thực hiện được do có những thay đổi trong các phương án. Do vậy, trạm BOT "chờ thu phí" này phải được dỡ bỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.