Đường bộ

Tháo gỡ nút thắt hạ tầng, rộng cửa thông thương 4 vùng kinh tế ASEAN

13/12/2020, 20:49

Sau cầu Hữu Nghị 2, “nút thắt” cầu Xà Ợt trên trục Hành lang Đường 9 được tháo gỡ đã kết nối thông thương thuận lợi giữa các vùng kinh tế ASEAN.

img

Đoàn du lịch Caravan chụp ảnh lưu niệm tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trước khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tháng 10/2019

Xóa cách trở, lan tỏa kết nối

Gần 3 năm trước, lễ khởi công xây dựng cầu Xà Ợt tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh đã được UBND tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet (Lào) phát lệnh triển khai. Công trình cầu Xà Ợt được xây dựng với 2 đơn nguyên kết hợp với cầu cũ này hoàn thành đưa vào sử dụng đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc xóa “nút thắt” về hạ tầng trên tuyến Hành lang Đường 9 Việt - Lào nói chung, 2 tỉnh nói riêng. Đồng thời là cây cầu kết nối thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 nước Việt Nam - Lào và các quốc gia, địa phương trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC)...

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ GTVT đã hình thành các trục hành lang vận tải xuyên biên giới.

“Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc tế và các tuyến kết nối của tuyến EWEC qua địa phận tỉnh Quảng Trị địa hình rất thuận lợi, hạ tầng phía các nước ASEAN như Lào, Thái Lan, Myanmar đều rất tốt”, ông Tiến nhấn mạnh.

Xác định vai trò quan trọng của trục đường này trong việc thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, thu hút đầu tư, phát triển... Quảng Trị đã tập trung nỗ lực để khai thác những lợi thế sẵn có, quy hoạch và hình thành các Khu, Cụm công nghiệp, Khu du lịch và từng bước xây dựng để tạo nên một chuỗi đô thị trên tuyến EWEC...

img

Khởi công xây dựng cầu Xà Ợt tháng 8/2017, xóa "nút thắt" giao thông trên tuyến Đường 9 Việt - Lào

Trước khi điểm cách trở lớn nhất trên trục hành lang kinh tế xuyên biên giới này (cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mê Kông nối giữa Lào và Thái Lan hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2006 mở ra hướng giao thương thông thoáng giữa Quảng Trị với các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế - PV), các nước Tiểu vùng sông Mê Kông cũng đã ký kết triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước (Hiệp định GMS-CBTA).

Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, các cửa khẩu khác đường bên phía đất Lào đều qua địa hình đồi núi, đường đèo dốc, nhưng riêng Đường 9 Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo qua địa hình bằng phẳng. Đây là trục đường thuận lợi nhất trong số các tuyến đường vận tải xuyên biên giới ra vào các nước ASEAN. Đặc biệt tại khu cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Densavanh đã hình thành 2 cửa khẩu quốc tế 2 bên. Đây cũng là trục vận tải đường bộ gần nhất nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương hiện nay.

“Trên tuyến hành lang Kinh tế Đông Tây thông qua hành lang Đường 9 thì “điểm nghẽn” lớn nhất là cầu Xà Ợt và quy hoạch toàn bộ khu kinh tế 2 bên cửa khẩu đã cơ bản hoàn thành. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc muốn vào ASEAN và ngược lại thì thông qua Việt Nam, trong đó Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay là thuận lợi nhất”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho hay.

img

Một đoạn QL9 qua tỉnh Quảng Trị

Đặc biệt, cùng với trục EWEC (trục hành lang Đường 9) kết nối từ Cửa Việt lên Lao Bảo... Quảng Trị cũng đang tập trung nỗ lực hình thành trục song song với EWEC nối từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy - QL15D - cửa khẩu quốc tế La Lay - kết nối tuyến đường chiến lược QL15B của nước bạn Lào đến Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, qua Myanmar đến Ấn Độ Dương (khoảng hơn 1.300km).

Theo đó, hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương sẽ vận chuyển theo đường bộ khoảng 1.300km, rút ngắn thời gian và khoảng cách vận chuyển rất lớn do không phải đi qua eo biển Malacca và tạo ra hành lang quan trọng theo hướng Đông - Tây, kết nối Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương nhanh nhất…

Rộng đường kết nối giao thương

Hơn 15 năm nay lăn lộn trên các cung đường ASEAN, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch lữ hành Việt Hà cho hay, những “điểm nghẽn”, “nút thắt” về hạ tầng giao thông được tháo gỡ đã mở ra hướng thông thương thông suốt tuyến đường bộ trục EWEC gần nhất nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đồng thời, kết nối giữa 4 vùng kinh tế - văn hóa của 4 nước: miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào, miền Đông Bắc Thái Lan qua đến thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar.

img

Các phương tiện đậu chờ tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo qua Lào trong đợt ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh chụp tháng 3/2020

Hạ tầng kết nối ngày càng đồng bộ đã thúc đẩy giao thương phát triển cả về vận tải hàng hóa, du lịch, thương mại. Tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh, những chuyến hàng trên xe tải, container nối đuôi nhau qua lại.

“Hàng hóa của vùng Đông Bắc Thái Lan xuất sang thị trường thế giới chỉ cần quá cảnh qua Lào về miền Trung Việt Nam khoảng 350km so với đi lên thủ đô Băng Cốc của Thái Lan đã hơn 800km”, ông Hà cho hay.

Theo ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế, đến nay đã có hàng chục đầu xe khách khai thác liên vận quốc tế 8 tuyến từ tỉnh Thừa Thiên Huế các tỉnh của nước bạn Lào. Tour du lịch đường bộ Việt - Lào, Thái Lan cũng không ngừng phát triển. Mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh mặc dù còn một số bất cập, nhưng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho phương tiện và hành khách.

“Hơn 15 năm trước mà nói đi đường bộ từ Việt Nam qua Thái Lan nghe mông lung lắm. Sáng sớm đi từ Đông Hà thì 20-21h đêm mới tới, còn hiện nay 7h sáng từ Đông Hà thì khoảng 12h30 trưa đã tới Thái rồi nên thoải mái đi trải nghiệm “một ngày ăn cơm 3 nước”, ông Hà chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.