Hạ tầng

Tháo gỡ vướng mắc thể chế để bứt phá đầu tư hạ tầng

23/12/2020, 06:30

Trong điều kiện hết sức khó khăn của năm 2020, ngành GTVT đã nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn

Trao đổi với Báo Giao thông trước thềm Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành GTVT (tổ chức vào ngày mai, 24/12), Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, năm 2021, ngành GTVT sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế để tiếp tục bứt phá đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tư hạ tầng và đảm bảo ATGT là điểm sáng

Năm 2020 đầy biến động chuẩn bị khép lại. Nhìn lại một năm ngành GTVT vừa chống dịch, vừa cùng cả nước chung tay phát triển kinh tế, điều gì để lại ấn tượng nhất với Thứ trưởng?

Năm 2020 sắp khép lại cùng với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong cuộc chiến ấy, Việt Nam đã làm nên kỳ tích, khi là quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được trạng thái “bình thường” trong bối cảnh cả thế giới đang phải căng mình đối phó với dịch bệnh.

Ngành GTVT cũng góp một phần công sức không nhỏ trong cuộc chiến gian nan đó.

Trong các đợt giãn cách xã hội, các đợt bùng phát dịch tại một số địa phương, Bộ GTVT liên tục cập nhật nhanh nhất các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 để có những quyết định nhanh nhất, kịp thời nhất giúp cho công tác khoanh vùng dập dịch hiệu quả, đảm bảo không để dịch lây lan, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ và hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách.

Theo Thứ trưởng, đâu là “điểm sáng” nhất của ngành GTVT trong năm 2020 vừa qua?

Tôi cho rằng, công tác xây dựng cơ bản là một trong những điểm sáng lớn nhất của ngành GTVT trong năm 2020. Trong năm 2020, Bộ GTVT được giao hơn 39.800 tỷ đồng (gồm vốn kéo dài).

Đến hết tháng 11/2020, kết quả giải ngân ước đạt gần 32.000 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch đã được giao. Qua tổng hợp, xem xét tình hình thực tế, Bộ GTVT dự kiến cả năm 2020 phấn đấu giải ngân nguồn vốn NSNN và TPCP đạt 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong điều kiện hết sức khó khăn, kết quả đạt được rõ ràng rất ấn tượng.

Cũng trong năm, các dự án giao thông trọng điểm được Bộ GTVT tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và cơ bản đáp ứng tiến độ. Đặc biệt là việc triển khai các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án sửa chữa đường băng, đường lăn Cảng hàng không (CHK) Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, các dự án giao thông cấp bách sử dụng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn…

Trong năm 2020, có khoảng hơn 20 dự án, công trình giao thông hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần cải thiện năng lực hạ tầng, tăng năng lực lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Có thể kể đến dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, giai đoạn 1 nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ cũng như hàng loạt dự án đường bộ quan trọng, cấp bách gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL3B đoạn Xuất Hóa - Pò Mã; Dự án kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1; Dự án nâng cấp QL4 đường nối Hà Giang - Lào Cai…

Một điểm sáng nữa, theo tôi là công tác đảm bảo ATGT. Số người chết và số người bị thương vì TNGT trong năm 2020 giảm sâu cả 3 tiêu chí, trong đó số người chết giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan bởi thời gian qua, TNGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vẫn còn ở mức cao.

Gỡ thể chế để tiếp tục hút vốn PPP

img

Trong năm 2020, có khoảng hơn 20 dự án, công trình giao thông hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần cải thiện năng lực hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (Trong ảnh: Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long khánh thành ngày 11/10/2020). Ảnh: Tạ Hải

Năm 2021, ngành GTVT sẽ triển khai hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm, trong đó đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam và CHK Quốc tế Long Thành. Bộ GTVT có chỉ đạo gì để triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng?

Chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa và triển khai công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu để hoàn thành tốt nhất mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, trong năm, Bộ GTVT sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án ODA chuyển tiếp; đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước, các dự án sử dụng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời, chú trọng giải quyết các khoản nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách bao gồm: Hoàn ứng trước kế hoạch, trả nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ khối lượng hoàn thành các dự án triển khai giai đoạn trước, trả nợ tới hạn các dự án BT, nợ địa phương, doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án trước năm 2016.

Ngành GTVT cũng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP Hà Nội và TP HCM; triển khai các dự án: CHK Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…

Để tiến độ và chất lượng các dự án đảm bảo tốt nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết và xác định đường găng của dự án.

Ngay những ngày đầu của năm 2021, lãnh đạo Bộ và các Cục, Tổng cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại phát sinh khác.

Các chủ đầu tư phải quyết liệt, sát sao với công trường để chỉ đạo các tư vấn thiết kế, giám sát; Trong công tác lựa chọn nhà thầu, hết sức chú ý năng lực nhà thầu trong quá trình đấu thầu, loại ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém, sau khi ký hợp đồng tiếp tục giám sát chặt chẽ để năng lực thi công trên công trường luôn đảm bảo.

Tiếp tục rà soát và xây dựng bổ sung các quy định về công tác nghiệm thu các hạng mục và công trình thi công; tăng cường trách nhiệm của đơn vị tư vấn kiểm định và các tổ chức liên quan tới chất lượng công trình.

Chúng tôi xác định, để có thể bứt phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là với các dự án cao tốc, ngoài các nguồn vốn từ ngân sách, ODA, không thể không thu hút vốn PPP.

Để hút vốn PPP cần tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong việc thu hút vốn, mà trước hết là tháo gỡ vướng mắc của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 bằng các văn bản, nghị định hướng dẫn.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe tất cả những ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp và từ thực tiễn triển khai các dự án BOT, đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc về thể chế để thực sự tạo đột phá về thể chế thu hút vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Liên quan đến mạng đường bộ cao tốc, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện mục tiêu Chính phủ giao, trong 10 năm tới sẽ phát triển thêm 3.000km đường bộ cao tốc để đến năm 2030, nước ta có được 5.000km đường cao tốc.

Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ năm 2021, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải tập trung triển khai đảm bảo tiến độ 11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Với dự án CHK Quốc tế Long Thành, đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển GTVT hàng không của đất nước.

Chúng tôi định hướng Long Thành sẽ là CHK trung chuyển của khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính vì vậy, dự án được người dân cả nước đặc biệt quan tâm, mong chờ ngày khởi công xây dựng.

Do đó, để thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo và hỗ trợ ACV rà soát, rút ngắn tối đa thời gian dự kiến thực hiện các công việc nội bộ như xây dựng hồ sơ, tài liệu, thẩm định, phê duyệt và bàn giao mặt bằng dự án.

Tiếp theo đó, trong thời gian thực hiện dự án sẽ theo dõi sát sao, thường xuyên kiểm tra để chỉ đạo và hỗ trợ ACV quản lý tốt dự án, bám sát tiến độ và đảm bảo chất lượng;

Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Bộ GTVT vẫn giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Năm 2021, Bộ GTVT cần làm gì để duy trì tiến độ giải ngân này, thưa Thứ trưởng?

Năm 2020, Bộ GTVT được giao giải ngân khoảng 39.826 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn ODA được giao là 6.131 tỷ đồng để giải ngân cho 47 dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.

Tính đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch năm và là một trong số bộ, ngành đạt mức giải ngân vốn đầu tư công cao.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến mọi lĩnh vực, kèm theo đó là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, chúng tôi xác định việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để kích cầu nền kinh tế.

Năm 2021, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công với số vốn dự kiến giải ngân là 46.005 tỷ đồng. Để đảm bảo kế hoạch giải ngân này, Bộ trưởng đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải nỗ lực, tập trung triển khai ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm.

Hàng tháng, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ thường xuyên kiểm điểm, rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án để thúc tiến độ giải ngân, nhất là với các dự án trọng điểm, các dự án sử dụng vốn ODA.

Chúng tôi cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ các dự án đang chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy mạnh tiến độ đối với các dự án đang triển khai, đảm bảo chất lượng; đặc biệt phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB; Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan. Nếu kết quả giải ngân không đạt yêu cầu sẽ không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan.

Đồng hành, chia sẻ cùng các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đặc biệt là hàng không và đường sắt thời gian qua bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Dự kiến, những khó khăn này sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2021, thậm chí cả những năm sau đó nữa. Bộ GTVT có giải pháp gì để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn chưa từng có trong lịch sử này?

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, Bộ GTVT luôn lắng nghe và chia sẻ với các doanh nghiệp trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực tế, những gì có thể làm được, chúng tôi đã làm ngay rồi, những gì vượt thẩm quyền, thì chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên.

Ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 là lĩnh vực hàng không. Các hãng hàng không gần như dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế. Trong nước, có thời điểm lượng hành khách vận chuyển chỉ bằng 1 - 2% so với thời điểm trước khi có dịch.

Cùng với hàng không, đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy cũng đều bị ảnh hưởng với những mức độ khác nhau. Bộ GTVT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics; không thanh tra ngoài kế hoạch; rà soát, ban hành giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính; không điều chỉnh tăng giá đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp.

Bộ GTVT đã và sẽ tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Căn cứ chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và tình hình thực tế diễn biến dịch Covid-19, có phương án từng bước bình thường hoạt động vận tải bảo đảm vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng tôi cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét đề xuất giải pháp hỗ trợ lãi suất cho vay; giãn, lùi thời gian trả lãi, nợ gốc cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Chỉ đạo Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét đề xuất giải pháp cho phép doanh nghiệp ngành GTVT bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được giãn thời gian đóng các loại thuế, phí như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất. Giãn tiền bảo hiểm như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, y tế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khi những khó khăn, thách thức to lớn do đại dịch chưa biết bao giờ kết thúc, kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:
Hoàn thành kế hoạch bảo trì gần 25.000km quốc lộ

Trong năm 2020, Tổng cục Đường bộ VN hoàn thành kế hoạch bảo trì trên 24.000km quốc lộ trong cả nước. Nổi bật trong công tác này là hàng trăm dự án đều hoàn thành tiến độ. 100% các gói thầu được đấu thầu qua mạng và giá trị với tỷ lệ tiết kiệm cao. Quản lý chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa được tăng cường. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ mới về xây dựng, vật liệu và biện pháp cơ giới trong sửa chữa, duy tu bảo dưỡng được ứng dụng giúp nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ.

Cũng trong năm, cả nước xóa 100% điểm đen và nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trên quốc lộ được xử lý triệt để, góp phần giảm TNGT cả 3 tiêu chí; Đưa công nghệ cân tự động vào kiểm soát tải trọng xe, kết nối phần mềm quản lý giúp công khai, minh bạch trong xử lý xe quá tải. Bên cạnh đó, đã cập nhật dữ liệu gần 25.000km cầu đường trên hệ cơ sở dữ liệu dùng chung. Trần Duy

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:
TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí

5 năm qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong 5 năm, toàn quốc xảy ra hơn 94.000 vụ, làm chết hơn 39.900 người, bị thương hơn 77.000 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm hơn 70.000 vụ, giảm gần 9.400 người chết, giảm hơn 90.000 người bị thương.

Chỉ tính riêng năm 2020, toàn quốc xảy ra gần 13.000 vụ TNGT, làm chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 9.600 người. So với 11 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.900 vụ, số người chết giảm 927 người, số người bị thương giảm gần 2.500 người. Số người chết và số người bị thương vì TNGT trong năm 2020 đã giảm sâu cả 3 tiêu chí, trong đó số người chết vì TNGT đã giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây, giảm xuống dưới 7.000 người.Trần Duy

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN:
Tập trung phát triển vận tải hàng hóa đường sắt

Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ dành nguồn trái phiếu Chính phủ 7.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý từ năm 2018 bố trí nâng dần mức kinh phí thường xuyên hàng năm cho công tác duy tu, bảo trì, đến năm 2023 đảm bảo đáp ứng 100% yêu cầu.

Đối với Tổng công ty Đường sắt VN, giai đoạn vừa qua có sự đột phá mạnh mẽ về đầu tư cải tạo, nâng cấp và đóng mới toa xe hàng, toa xe khách, tạo ra được diện mạo mới để thu hút khách hàng. Cách tiếp cận của đường sắt với người dân cũng gần gũi hơn, cởi mở hơn, nhất là về phương thức bán vé, giá vé.

Giai đoạn 2021 - 2025, Tổng công ty Đường sắt VN đặt mục tiêu đầu tư các dự án hạ tầng, tập trung vào nâng cao năng lực thông qua để có dư địa chuyển dần từ vận tải hành khách sang tập trung phát triển vận tải hàng hóa, đem lại hiệu quả hơn trong kinh doanh, khai thác vận tải đường sắt. Thanh Thúy

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam:
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp

Năm 2020, dù các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, song, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng, ước đạt hơn 689 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2019). Riêng khối lượng hàng container tăng tới 13%.

Thời gian tới, Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải đảm bảo đồng bộ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi. Nghiên cứu và xây dựng quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics...N.Khánh

5 năm khởi công 231 dự án, hoàn thành 252 công trình giao thông

Theo thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), trong năm 5 năm qua (2016 - 2020), Bộ GTVT đã khởi công 231 dự án và hoàn thành 252 dự án. Trong đó, nhiều công trình, dự án đã hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư. Tính riêng trong năm 2020, các dự án triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ, Cục QLXD&CLCTGT đã tham mưu hoàn chỉnh thủ tục kịp thời để khởi công 19 dự án và hoàn thành 21 dự án.

Đ.Quang

Khách qua cảng hàng không giảm mạnh

Cục Hàng không VN cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không Việt Nam giảm mạnh so với các năm trước. Sản lượng điều hành bay ước đạt 424 nghìn chuyến, giảm 548 chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019.

Liên quan đến công tác điều phối slot tại cảng hàng không, chất lượng điều phối được nâng cao, góp phần giảm tắc nghẽn tại cảng hàng không vào các khung giờ cao điểm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Hàng không VN triển khai tới các đơn vị ngành hàng không các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về công tác phòng, chống dịch trong ngành hàng không, thực hiện dừng hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam, việc dừng, giãn cách chuyến bay nội địa tại các thời điểm, địa phương.

T.Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.