Quản lý

Tháo “ngòi nổ” Nam Triệu thời hậu Vinashin

19/03/2016, 10:45

Năm 2014 được coi là giai đoạn “hậu Vinashin”, 8 đơn vị trực thuộc đơn vị này được giữ lại và cơ cấu...

3

Đời sống, việc làm của CBNV SBIC dần ổn định sau giai đoạn hậu Vinashin - Ảnh: Khánh Linh

Năm 2014 được coi là giai đoạn “hậu Vinashin”, 8 đơn vị trực thuộc đơn vị này được giữ lại và cơ cấu trong mô hình mới là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Tình hình việc làm, đời sống người lao động dần ổn định. Song Nam Triệu - được coi là “anh cả” trong số các công ty đóng tàu của Vinashin trước đây lại thuộc diện không giữ lại. Khó khăn âm ỉ bấy lâu được đà bùng phát thành khiếu kiện tập thể.

Người lao động không “ngồi” với giám đốc

Nam Triệu từng là “anh cả” trong lĩnh vực đóng tàu với cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động có thể một lúc hạ thủy được 2 - 3 tàu cỡ 53.000 tấn. Song những yếu kém của Vinashin do phát triển “nóng” trước đó cũng bộc lộ mạnh nhất ở Nam Triệu: Nợ đọng lớn dẫn đến âm nhiều lần vốn chủ sở hữu, tuyển lao động ồ ạt, hợp đồng ký mới không có, nhiều chủ hàng dừng hợp đồng đang triển khai khiến hàng loạt sản phẩm dở dang.

Tình thế lúc đó, công nhân đi làm chỉ có ứng lương, rồi làm không lương đã nhiều tháng, ốm đau không có thẻ BHYT. 700 người trong đó không có việc làm, đã chờ đợi lâu mà xin nghỉ thì doanh nghiệp không còn nguồn lực nên không trả được tiền trợ cấp mất việc, cũng không đóng bảo hiểm nên không chốt được sổ trong khi doanh nghiệp cứ trì hoãn mãi. Nếu lo được, họ đã lo lâu rồi, nhưng Nam Triệu thực sự không có cách nào khác. Việc không có, tiền không có, khách hàng thì có nhưng chưa trả tiền ngay, nên không có tiền về.

Người lao động Nam Triệu lúc đó đã không “ngồi” với giám đốc được nữa, thậm chí cũng không “ngồi” với công đoàn cơ sở. Hễ thấy lãnh đạo là mặt mũi “tưng bừng náo nhiệt”, đối kháng nhau. 700 công nhân Nam Triệu mất việc làm, đơn khiếu kiện tập thể, kêu gọi nhau cùng ký đơn đòi cả chế độ mất việc và thất nghiệp.

Nhiều lần, cả tập thể ban lãnh đạo Nam Triệu phải lên làm việc với Công đoàn Tổng công ty. Họ nói: “Các anh phải hỗ trợ chúng tôi. Không thể ngồi bàn bạc nữa. Ngồi mấy cuộc rồi nhưng cũng không giải quyết được. Cứ căng thẳng, cãi vã, đôi co nhau thì không nói chuyện với nhau được”.

4
Công nhân đang làm việc trong một xưởng đóng tàu tại nhà máy

Nhờ cậy công đoàn viết đơn khiếu kiện

Lúc ấy có rất nhiều đơn thư người lao động gửi đi. Thế nhưng bao giờ họ cũng “Kính gửi công đoàn” đầu tiên. Thậm chí, trước khi viết đơn đề nghị, nhiều người đã gọi điện cho tôi. Nhiều trường hợp đến gặp trực tiếp để nhờ công đoàn tư vấn trước khi viết, gửi đơn. Cho nên từ đó, công đoàn đã định hướng, từ tư tưởng đến nội dung đơn thư cho phù hợp. Đối với tất cả các vấn đề mà người lao động gửi lên, chúng tôi đều tìm các biện pháp để giải quyết và có hồi âm nhanh nhất. Cái nào khó, trong thời gian ngắn cũng phải trả lời ngay cách giải quyết như thế nào để họ đỡ phải chờ đợi.

Từ niềm tin như thế, trong quá trình giải quyết, bản thân tôi xác định rõ nhiệm vụ chức năng của công đoàn, đồng thời thấy rằng, hoạt động lúc này phải hết sức mềm dẻo. Nhiều người lên đây với tình trạng rất bức xúc. Lúc ấy mình phải làm sao cho mềm lại, dịu đi rồi tìm cách giải quyết. Mà doanh nghiệp cũng bất khả kháng, có ép cũng không giải quyết được bởi không đủ nguồn lực tài chính. Ngay cả nhân sự lãnh đạo cũng đã thay đổi. Lãnh đạo cũ không còn, ông mới lên lại phải gánh nhiệm vụ trả nợ, giải quyết hậu quả. Lại càng khó…

Tự đi đòi tiền để lo cho người lao động

Công đoàn lúc này phải uyển chuyển để làm sao vừa giải quyết được chế độ cho người lao động, nhưng cũng phải gỡ thế bí cho doanh nghiệp.

Lúc bình thường có thể mời anh em lên phòng làm việc. Nhưng tôi nghĩ, lúc này mình nên xuống ngồi với anh em sẽ tốt hơn. Vì thế, trực tiếp Chủ tịch Công đoàn ngồi riêng với công nhân lao động mà không cần hội nghị. Tôi mời mọi người ra quán nước rồi trao đổi, trò chuyện, tâm sự. Nhiều đồng chí lãnh đạo doanh nghiệp thấy vậy không yên tâm, sợ người lao động hành động quá khích.

- Khó khăn của Vinashin bắt đầu bộc lộ từ năm 2010, tới năm 2012 đã thành những điểm nóng và bùng lên từ năm 2013 - 2014. Trong quá trình ấy, Công đoàn Tổng công ty vào cuộc cùng các cấp, các ngành tìm cách giải quyết. Có nhiều bài toán, nhiều phương án, không cái nào giống cái nào, nhưng những lúc đó đã khẳng định vai trò là chỗ dựa, sự hy vọng đối với người lao động.

- Giờ đây nhà máy cũng đã dần ổn định trở lại, tiến hành tái cơ cấu. Nhớ lại những ngày trong “tâm bão” ấy, dù đã góp phần hạ nhiệt tình hình khi ấy nhưng quả thực tôi không bao giờ muốn mình rơi vào hoàn cảnh như vậy nữa.

Thế nhưng ra đấy, anh em lại rất cởi mở, trò chuyện thoải mái như người nhà. Quá trình trò chuyện tôi mới nắm bắt hoàn cảnh của từng người. Có thông tin chia sẻ từ người lao động rồi thì bàn với doanh nghiệp ngay. Có những văn bản xin cơ chế chính sách, đồng thời cũng phải có những nỗ lực xoay nguồn tài chính. Bình thường Nam Triệu phải lo cục nợ cả mấy trăm người như thế, nhiều tiền lắm, không thể lo được. Vì thế, công đoàn yêu cầu giám đốc trước mắt giải quyết một số yêu cầu tối thiểu, tuy nhỏ nhưng phần nào giải quyết khó khăn cho người lao động. Những người sắp về hưu, người đang ốm đau hoặc có hoàn cảnh đặc biệt phải lo trước tiên. Với những yêu cầu ấy, công ty lại lo được.

Điểm chốt lúc này là hỏi Nam Triệu, ông có bao nhiêu khách hàng có thể đòi được tiền? Công đoàn phải có công văn, rồi gặp gỡ thuyết phục chủ hàng: “Giờ sản phẩm chưa bàn giao được, nhưng xong 70-80% rồi, ông trả tiền cho Nam Triệu theo từng công đoạn để chi trả cho công nhân. Thậm chí, công đoàn còn đứng ra giám sát việc chi trả, không để công ty dùng cho việc khác, trả nợ ngân hàng chẳng hạn. Công đoàn đứng giữa, có bộ máy giám sát tiền đó trả cho công nhân, đồng thời giám sát tiến độ từng sản phẩm. Cho nên nhiều bạn hàng yên tâm ứng tiền ra để mình giải quyết được chỗ nóng nhất.

Tiền trả cho BHXH, BHYT... cũng thế, sức ép rất lớn, công đoàn đều phải đứng ra, có công văn xin bảo lãnh. Doanh nghiệp không xin gì được nữa, nhưng lại làm được việc này, đề nghị với bảo hiểm là doanh nghiệp giờ họ khó khăn quá, bảo hiểm cho đóng cá nhân thôi, để chốt sổ cho những người về hưu trước. Nam Triệu không có tiền đóng BHYT cho cả nghìn người, Công đoàn đứng ra yêu cầu Tổng giám đốc, các trường hợp người lao động ốm đau, bệnh tật, đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, lấy hóa đơn về doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ. Số người này không nhiều, Nam Triệu lúc đó phải chấp nhận để tháo bớt “sức nóng”.

Tuy nhiên, đó là những biện pháp tạm thời để có thời gian làm việc với Tổng Liên đoàn và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đưa ra chính sách giải quyết triệt để. Người lao động Nam Triệu sau khi được nhà máy quan tâm, được các cấp, các ngành vào cuộc tháo gỡ, 700 người sau đã nhận trợ cấp mất việc để ổn định cuộc sống.

Trần Bá Thành
Chủ tịch Công đoàn SBIC

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.