Điện ảnh

Thật, ảo doanh thu phim Việt: Vì sao phải khai vống doanh thu?

06/04/2016, 07:06

Thị trường phim chiếu rạp đang nhiễu loạn khi nhà sản xuất “bắt tay” phòng vé thổi phồng doanh thu...

de_mai_tinh

Poster phim Để mai tính - phim đạt doanh thu trên trăm tỷ

Khai vống doanh thu để lôi kéo người xem

Những năm trở lại đây, những công bố về doanh thu của các phim Việt đều tăng như phi mã. Nhiều người cho rằng: Kinh doanh phim ảnh đang là mảnh đất màu mỡ. Đạo diễn Đức Thịnh sau khi làm 3 phim điện ảnh Ma dai; Già gân, mỹ nhân và găng tơ; Taxi! Em tên gì? cho biết: “Đi sâu vào bên trong cũng vô cùng khắc nghiệt chứ không như mọi người nhìn thấy bên ngoài. Vì lợi nhuận cao nên xác suất thua lỗ nghiệt ngã. Năm 2016, có khoảng gần 45 phim ra rạp, thực sự chỉ có 7 phim thoi thóp được, còn lại sẽ lỗ hết. Con số cũng khắc nghiệt chứ không đơn giản”.

Một đạo diễn trẻ (giấu tên) có phim lọt vào top phim có lãi của năm 2016 cho hay, các NSX và phát hành phim thường có một quy định ngầm với nhau là sẽ công bố doanh thu tăng thêm 15-20% so với con số thật. Nhưng giờ ai cũng muốn nói phim họ lời, thắng lớn, để kéo khách ra rạp nếu phim đang chiếu. Hoặc để vớt vát danh tiếng của đạo diễn, NSX, dễ kêu gọi thu hút đầu tư cho các dự án sau. Nhiều phim công bố có khi cao hơn tới 30%-40% so với doanh thu thật. Chính điều này khiến người ngoài nghĩ làm phim là mảnh đất màu mỡ. Nhưng ai làm mới biết bán được cái vé cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Cầm cố nhà, bán xe để làm bộ phim Thám tử Hênry, nghệ sĩ Tấn Beo thừa nhận: “Lãi thì không nhiều nhưng thành công trên mặt dư luận”. Anh bình luận về thực tế chuyện nhà nhà làm phim có phần hài hước: “Thời nay, ai cũng làm phim được. Người nào không biết gì về phim ảnh, có tiền hùn vốn với nhà làm phim cùng nhau sản xuất. May mắn thì thắng, lỗ cũng không dám nói sợ bị mất mặt. Nếu thành công về doanh thu thì cứ bơm lên, bơm lên nhiều bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, không thành công thì nín luôn không nói. Làm phim thì phải chấp nhận vậy”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam) tính chi tiết cho PV Báo Giao thông thực chất về con số doanh thu khủng, chi phí sản xuất một bộ phim điện ảnh ít nhất 10 tỷ trở lên. Nếu doanh thu được gấp đôi thì NSX mới có chút lời vì phải nộp từ 50% - 70% doanh thu ấy cho nhà phát hành, nộp thuế 0,5%.

Cần kiểm toán  độc lập

Dưới góc nhìn kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, người có nhiều năm làm việc tại Mỹ cho biết, trên thế giới các NSX phim, các nhà phát hành lớn đều có những báo cáo tài chính và được kiểm toán bởi những công ty độc lập, nên những báo cáo tài chính của họ rất đáng tin cậy.

Ở Việt Nam, hầu như chưa có DN sản xuất phim, nhà phát hành phim, có kiểm toán độc lập tham gia nên những con số họ đưa ra chưa biết độ tin cậy ở mức nào.

Nếu mà đưa ra những doanh thu ảo thì sẽ tạo ra một thị trường ảo, từ đó rất nhiều người lao vào thị trường đó rồi cuối cùng kinh doanh thua lỗ. Để có thị trường lành mạnh, cần có những công ty kiểm toán độc lập.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư BQH,  hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về quản lý doanh thu phòng vé. Việc tung doanh thu phòng vé ảo là hành động thiếu trung thực trong quảng cáo bán hàng, xâm phạm quyền người tiêu dùng, quảng cáo sai với nội dung thực tế của sản phẩm. Có thể bị người xem kiện vì quảng cáo, đưa  thông tin sai sự thật lừa dối người tiêu dùng.

Vị luật sư này khẳng định: Để có thị trường điện ảnh lành mạnh, cơ quan chức năng cần xem lại những thông tin về doanh thu của các NSX có đúng không, hay đưa thông tin ảo lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, cần có những chế tài chống lại sự gian lận trong các phòng vé, hoặc phía NSX.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.