Xã hội

Thật - giả trên mạng xã hội

14/02/2020, 09:56

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang.

img
Văn bản giả chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho học sinh nghỉ hết tuần sau

Hôm qua, tờ văn bản giả chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho học sinh nghỉ hết tuần sau được lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Báo chí đã khẳng định đó là thông tin sai sự thật nhưng tốc độ chia sẻ vẫn không dừng lại.

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang, nhiều độc giả đã gửi bình luận, email về Báo Giao thông cho rằng, cần đẩy mạnh xử phạt việc thông tin sai sự thật trên mạng theo Luật An ninh mạng.

Nhưng nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, ai cũng có quyền phát ngôn, vì vậy ngoài việc chính quyền xử phạt người cố tình đăng thông tin ngụy tạo, thông tin sai gây thiệt hại cho người khác, cho cộng đồng thì mỗi người tham gia mạng xã hội cần trang bị cho mình kỹ năng nhận diện thông tin đúng sai.

“Vô tình tiếp tay lan truyền thông tin sai sự thật là điều nhiều người mắc phải. 3 nghệ sĩ ở TP HCM bị phạt mỗi người 10 triệu đồng do đưa tin sai về người chết do virus Corona là ví dụ điển hình. Vì vậy, cũng nên có kỹ năng lọc tin, không phải ai đưa cái gì cũng lập tức chia sẻ, nhất là những thông tin tiêu cực”, bạn đọc Vi Hoa (Quảng Ninh) viết.

“Mạng xã hội là nơi bất cứ ai cũng có thể nói lên ý kiến của mình, nếu ý kiến đó hợp với quan điểm của nhiều người, nó có thể được lan tỏa mạnh mẽ. Thậm chí, thông tin càng gay gắt, càng phê phán, khả năng được chia sẻ càng lớn. Vì vậy, nhiều người khi có lượng theo dõi lên tới hàng nghìn, hàng triệu lượt dễ bị ảo tưởng sức mạnh. Đôi lúc lại trở thành những cái “loa” phát đi thông tin xấu độc, có khi bị lợi dụng để kích động chống phá chế độ. Cái này thuộc về bản lĩnh của mỗi người. Tuy nhiên, nếu chơi facebook có nguyên tắc thì sẽ ít trở thành nạn nhân”, bạn đọc Lê Vi (Hà Nội) chia sẻ.

Bạn đọc Hoàng Hà (TP HCM) cho rằng: “Khi xảy ra vụ việc ở Đồng Tâm, 3 chiến sĩ hy sinh có địa chỉ gia đình rõ ràng nhưng nhiều người trên cộng đồng mạng vẫn cho rằng đó là thông tin không có thật. Sự việc đã dẫn đến những tranh luận gay gắt và phân hóa mạnh mẽ hai phe. Điều này nói lên điều gì? Ngoài việc xây dựng lòng tin cho người dân, xây dựng hệ thống thông tin nhanh, minh bạch, chính xác qua kênh chính thống như cổng thông tin, báo chí thì chính quyền cần nắm bắt và đáp ứng nhu cầu thông tin của mạng xã hội”.

“Bài học ở châu Âu và Mỹ vẫn còn đó, nhiều người dân sẵn sàng tin một dòng tin do bạn bè chia sẻ hơn là thông tin chính thống từ chính phủ. Người Anh đã bỏ phiếu để tách khỏi liên minh châu Âu để lại hệ lụy rất lớn, người Mỹ thì có thời điểm phản đối chính quyền và bỏ phiếu không tín nhiệm Tổng thống vì những thông tin không chính xác. Nếu chỉ chăm chăm mặt trận truyền thông chính thống mà bỏ qua truyền thông trên mạng xã hội thì Chính phủ sẽ khó hiểu được lòng dân, đáp ứng được nguyện vọng của dân”, bạn đọc Hoàng Hà phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.