Hạ tầng

"Thay da đổi thịt" hai tuyến huyết mạch quốc gia

03/03/2014, 07:01

Toàn bộ các dự án mở rộng QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ và QL14 qua Tây Nguyên đang được ngành GTVT triển khai khẩn trương với tinh thần "chỉ tiến, không lui" để triển khai đảm bảo đúng tiến độ.

Toàn bộ các dự án mở rộng QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ và QL14 qua Tây Nguyên đang được ngành GTVT triển khai khẩn trương với tinh thần “chỉ tiến, không lui” để triển khai đảm bảo đúng tiến độ. Với tiến độ như hiện tại, cuối năm 2015, đầu năm 2016 toàn bộ các dự án sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ, thực sự làm “thay da, đổi thịt” và mang lại bộ mặt mới cho hai tuyến huyết mạch của cả nước. 
 

Các dự án mở rộng nâng cấp QL1, QL14 đang được đồng loạt triển khai để hoàn thành, khai thác cuối năm 2015, đầu năm 2016
Các dự án mở rộng nâng cấp QL1, QL14 đang được đồng loạt triển khai để hoàn thành, khai thác cuối năm 2015, đầu năm 2016

Chỉ tiến, không có lui


Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, toàn bộ 40 dự án và tiểu dự án mở rộng, nâng cấp QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ (bao gồm cả trái phiếu và BOT), đều đã được triển khai thi công đồng loạt. Trong đó, toàn tuyến bao gồm 18 dự án được đầu tư theo hình thức BOT với số vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng; 21 dự án, tiểu dự án sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, tổng mức đầu tư hơn 46.000 tỷ đồng; 1 dự án đầu tư bằng vốn ODA vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng. 
 

"Bộ GTVT chỉ làm đúng theo yêu cầu của Thủ tướng. Nếu tỉnh nào muốn đẹp, rộng hơn, có cây xanh, đèn chiếu sáng… thì tự bỏ tiền ra làm. Giờ không có chuyện địa phương này chạy chọt tốt thì được mở rộng hơn, còn địa phương khác không chạy thì làm hẹp”.

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng

 


“Khi ngân sách hạn hẹp, vốn dành cho giao thông ngày càng giảm thì việc Bộ GTVT ưu tiên cho mở rộng QL1 là hết sức thiết thực. Nhất là chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các nguồn vốn từ các nhà đầu tư, chia ra làm nhiều đoạn nhỏ là phù hợp và sẽ mang đến hiệu quả cao nhất”.

 

Ông Bùi Danh Liên 

 Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

 

QL14 qua Tây Nguyên hiện tại đang đầu tư 11 dự án với tổng mức đầu tư hơn 15.800 tỷ đồng cũng đang được đồng loạt triển khai. Trong số này có 5 dự án vốn trái phiếu Chính phủ; 1 dự án cầu yếu đang lập dự án; còn lại 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT.

Về tiến độ, tại nhiều cuộc họp liên quan đến các dự án mở rộng QL1, QL14, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quyết tâm chính trị cao nhất, không lùi thời hạn hoàn thành các dự án vào năm cuối 2015, đầu 2016. Cuối năm 2013, các địa phương phải cơ bản bàn giao hết mặt bằng. Chỉ có một số ít điểm khó khăn linh động sang đầu năm 2014. “Địa phương nào không hoàn thành ngoài việc chịu phê bình trước Thủ tướng thì đoạn đường đó không làm nữa, để địa phương đó tự làm” - Phó Thủ tướng nói


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng cho rằng, mở rộng QL1, QL14 đều là các dự án đặc biệt quan trọng, được Đảng, Chính phủ, nhân dân quan tâm. Toàn ngành GTVT phải dốc sức, tập trung trí tuệ cao nhất, với tinh thần chỉ tiến, không có lui để triển khai đảm bảo đúng tiến độ.


Theo ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, để triển khai các dự án đảm bảo đúng kế hoạch, ngoài nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ngành GTVT đã huy động được một lượng vốn khổng lồ từ ngoài ngân sách. Tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đến năm 2013 khoảng gần 120.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn mà trước đây không ai dám mơ tới. Riêng năm 2013 con số này là 80.000 tỷ đồng. 


Báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, trong 3 tháng gần đây, các dự án mở rộng QL1, QL14 đã có nhiều khởi sắc về tiến độ. Nhiều tỉnh đã có chuyển biến rõ trong công tác GPMB như: Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận… Các nhà thầu đã triển khai huy động đầy đủ thiết bị, nhân lực, máy móc trên công trường. Ngoài dự án đầu tiên trên QL1 là Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP Hà Tĩnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác, nhiều dự án đã dải được lớp cấp phối đá dăm. 
 

Khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo diện mạo mới cho hai tuyến huyết mạch
Khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo diện mạo mới cho hai tuyến huyết mạch


Diện mạo mới cho hai tuyến huyết mạch

Bộ GTVT cho biết, QL1 từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) có tổng chiều dài 2.300 km, hiện đã nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp 3, quy mô 2 làn xe trên toàn tuyến, một số đoạn có lưu lượng lớn đã được mở rộng lên 4 làn xe (khoảng 476km) và xây dựng 18 tuyến tránh qua các khu đô thị (khoảng 164km). Trong đó, từ Hà Nội - Cần Thơ là đoạn có lưu lượng lớn nhất trên toàn tuyến, hiện đang được mở rộng, nâng cấp nhiều đoạn.


Quy mô mở rộng, nâng cấp toàn tuyến được thống nhất đồng bộ là 20,5m. Bộ trưởng Đinh La Thăng tại nhiều cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án mở rộng QL1, QL14 qua Tây Nguyên khẳng định, nếu địa phương nào đã GPMB rộng hơn rồi thì phần còn lại để làm hành lang. Không có chuyện làm đèn chiếu sáng, hay cây xanh trái quy định. 


Để giảm chi phí, một trong những giải pháp đặc biệt hiệu quả được Bộ GTVT chỉ đạo là tận dụng hàng trăm chiếc cầu cũ đang được khai thác trên tuyến QL1, QL14. Ông Trần Xuân Sanh cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo hết sức cụ thể, xuyên suốt: “Các chủ đầu tư phải tiết kiệm tối đa chi phí, quyết không để tăng tổng mức đầu tư. Để giảm chi phí, cần tận dụng tối đa các cầu cũ đang sử dụng được, cần thiết thì gia cố, sửa chữa cho phù hợp. Việc này có thể tiết giảm được hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư”.


Đánh giá rất cao hiệu quả của các dự án nâng cấp mở rộng QL1 và QL14 qua Tây Nguyên, đối với tương lai của vận tải và công tác đảm bảo ATGT, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, thời điểm đó việc di chuyển từ Hà Nội vào TP HCM bằng đường bộ sẽ rút ngắn được từ 10 - 15 giờ so với hiện nay. QL14 từ TP HCM lên Tây Nguyên cũng giảm được nhiều thời gian và bớt được nhiều nguy cơ TNGT


Ông Liên cho biết, QL1 là trục xương sống trong vận tải Bắc - Nam. Thời gian qua, tuyến đường này đang xuống cấp, trong khi đó, mật độ phương tiện ngày càng tăng cao khiến QL1 quá tải nghiêm trọng. Hơn nữa, trên tuyến đường hiện hữu nhiều đoạn chỉ có 2 làn xe, mặt đường quá hẹp, khiến cho tốc độ di chuyển rất thấp và nguy cơ mất ATGT cao. Do đường không có dải phân cách giữa nên các phương tiện tránh vượt rất khó khăn, tình trạng lấn đường diễn ra phổ biến và là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người.


Cũng theo ông Liên, hiện tại với tốc độ lưu thông trung bình 50km/h, và khoảng cách khoảng 1.700km, đi từ Hà Nội vào TP HCM mất từ 35 - 40 giờ. Còn đến thời điểm cuối 2015, đầu năm 2016, khi các dự án mở rộng QL1 đi vào khai thác, có dải phân cách giữa, tốc độ lưu thông có thể tăng lên 70km/h. Khi đó, thời gian từ Hà Nội đến TP HCM sẽ chỉ còn 25 - 30 giờ. Tình trạng ùn tắc và TNGT cũng sẽ giảm đáng kể.


Đ.Thắng - T.Mạnh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.