Chuyện dọc đường

Thay đổi cách nghĩ về học trực tuyến

24/09/2021, 06:29

Năm học 2020 - 2021 có thể được xem là năm học đặc biệt, khi nó phải bắt đầu theo một kịch bản không ai mong muốn.

Năm ngoái, khi dịch bệnh bùng phát khiến nhiều địa phương phải áp dụng hình thức dạy và học trực tuyến (online), tôi đã phản đối. Nhưng đến nay, tôi đã dần chấp nhận hình thức này.

Năm học 2020 - 2021 có thể được xem là năm học đặc biệt, khi nó phải bắt đầu theo một kịch bản không ai mong muốn. Do ảnh hưởng của dịch, nhiều địa phương phải chọn phương án dạy học trực tuyến. Và sau gần 1 tháng, không khó để thống kê những bất cập.

img

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương phải áp dụng hình thức dạy và học trực tuyến (Trong ảnh: Học sinh cấp 2 Hà Nội tham gia buổi học trực tuyến)

Đó là sự thiếu thốn về trang thiết bị, máy tính, điện thoại thông minh để phục vụ cho việc học, sự khó khăn của nhiều gia đình, vốn đã khánh kiệt về kinh tế do dịch bệnh kéo dài.

Chưa kể, một số nơi đường truyền internet không ổn định khiến quá trình tiếp thu bài học của học trò gián đoạn...

Trước những bất cập phát sinh trong quá trình dạy học trực tuyến, không ít người băn khoăn và đặt ra câu hỏi, vậy Bộ GD&ĐT nên chủ trương tiếp tục hay dừng lại?

Trên thực tế, dịch bệnh tuy có giảm ở một số nơi, nhưng tình hình chung còn rất phức tạp, không thể một sớm một chiều để kiểm soát được trên phạm vi cả nước.

Tức là, cũng chưa biết đến bao giờ cuộc sống trở lại bình thường, chưa biết đến bao giờ học sinh mới có thể quay lại trường lớp như trước đây.

Nếu chúng ta không chọn phương án dạy học trực tuyến mà “tạm dừng” để chờ ổn định, thì sẽ không biết dừng đến khi nào. Trong khi đó, một nền giáo dục cần được vận hành liên tục, không thể “đóng băng” vô thời hạn được.

Thứ hai, trên thế giới nhiều nước đã mạnh dạn áp dụng hình thức dạy học trực tuyến ở tất cả các cấp học và đã ghi nhận những kết quả đáng kể. Những điều thế giới làm được, Việt Nam cũng nên phấn đấu để thực hiện.

Thứ ba, cả dạy học trực tiếp lẫn dạy học trực tuyến đều có những khó khăn nhất định. Nếu chúng ta chỉ “soi” vào những bất cập của chuyện dạy học online mà bỏ qua những ưu điểm của nó thì chưa khách quan.

Thực tế cho thấy, để duy trì và ổn định việc dạy học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đơn giản. Nó đòi hỏi sự nỗ lực, chung sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hiện tại, Chính phủ cũng ra sức kêu gọi đóng góp từ nhiều nguồn lực khác nhau để hỗ trợ trang thiết bị học tập cho học sinh. Phía Bộ GD&ĐT cũng ban hành công văn hướng dẫn khung chương trình và nội dung dạy học bậc phổ thông theo hướng tinh giản trong điều kiện dịch bệnh.

Bộ GD&ĐT cũng như các Sở GD&ĐT đã triển khai sách giáo khoa trực tuyến, các phần mềm ứng dụng dạy và học online để giáo viên, học sinh có thể tiếp cận được dễ dàng nhất. Nhiều giáo viên hiện tại đã bắt nhịp được xu hướng, đã thuần thục trong việc dạy online.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn giáo viên ngại khó, ngại đổi mới nên phản đối việc dạy trực tuyến. Trong khi, chất lượng dạy và học chịu ảnh hưởng rất lớn từ vai trò của người thầy.

Do vậy, nếu giáo viên chưa thực sự tâm huyết với hoạt động dạy học này, thì khó lòng để quá trình giảng dạy thành công.

Chưa kể thời gian qua, tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn còn hoài nghi chất lượng của hình thức dạy học trực tuyến. Điều này dẫn đến thái độ phê phán, thiếu hợp tác với ngành giáo dục và các thầy cô giáo.

Chúng ta cần biết rằng, trong một lớp học trực tiếp, dù thầy cô tích cực giảng dạy, thì vẫn có trò giỏi, trò yếu. Cho nên, trong lớp học online, chuyện học trò chậm tiến, yếu kém cũng không phải là khó hiểu.

Chúng ta không nên quy kết vào việc dạy trực tuyến, mà phải bình tĩnh phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ, để từ đó giúp con em chúng ta học tập hiệu quả hơn.

Nếu tâm lý phụ huynh lúc nào cũng bài bác chuyện học trực tuyến, thì con em của chúng ta sẽ khó có thái độ tích cực với việc này. Do vậy, thay vì phê phán, các bậc phụ huynh nên thay đổi tư duy, đồng hành với thầy cô giáo.

Về phía học sinh, sau quá trình giảng dạy, thông qua các bài kiểm tra đánh giá, chúng tôi nhận thấy em nào học tập chăm chỉ thì kết quả học tập khả quan, em nào lười thì kết quả thấp.

Điều này phần nào cho thấy, thái độ học tập, sự chuyên cần của học sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng học tập của các em, chứ không hẳn là do dạy trực tuyến hay trực tiếp.

Để cải thiện thành tích, học sinh cần chuyên tâm hơn, tích cực học tập, chịu khó làm bài theo các yêu cầu của thầy cô hơn, thay vì chỉ lo tìm các “chiêu trò” để qua mắt thầy cô như “mic hư”, “trời mưa không nghe nội dung bài giảng”, “camera không hoạt động được”, “nhà hàng xóm mở nhạc to”...

Trương Chí Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.