Ẩm thực

Thay đổi thói quen nêm nếm khi chế biến, người vụng mấy cũng nấu ngon

14/01/2021, 16:00

Chỉ cần thay đổi một số thói quen nêm nếm gia vị thì món ăn của bạn sẽ trở nên thơm ngon hơn gấp nhiều lần, không thua kém các đầu bếp chuyên nghiệp.

Trong ngũ vị chua, cay, mặn, ngọt và đắng thì mặn là vị quan trọng nhất khi nấu ăn, bởi nếu thiếu vị mặn thì dù cho có cho thêm bao nhiêu vị khác vào đi chăng nữa món ăn cũng không thể ngon được. Vì vậy nên vị mặn còn được gọi là vị cơ bản.

img

Vị mặn còn được gọi là vị cơ bản

Tuy nhiên trong khi nấu ăn, dù là nấu món gì, dùng gia vị nào cũng vậy, không phải cứ bỏ bừa gia vị vào là món ăn có thể ngon được. Nếu nêm gia vị cho món ăn sai thời điểm thì hương vị của chúng có thể trở nên rất tệ. Do đó những đầu bếp chuyên nghiệp thường lưu truyền bí kíp “thời điểm vàng” để nêm nếm gia vị trong khi nấu ăn.

Khi xào rau xanh

Hầu hết các loại rau xanh đều tương đối mềm và chứa nhiều nước, do đó bạn không nên bỏ gia vị vào ngay từ khi bắt đầu xào rau. Điều này không những làm mất đi vị thơm đặc trưng của các loại rau mà muối còn khiến rau bị mất nhiều nước, làm cho rau không còn tươi mềm, bị chuyển sang màu vàng sau khi xào.

Chính vì thế, khi xào bất kể loại rau xanh nào, bạn cũng nên đợi đến khi rau chín 8-9 phần rồi mới nêm gia vị để món ăn giữ được hương vị tươi ngon.

img

Khi xào rau, nên đợi đến khi rau gần chín rồi mới nêm gia vị

Khi nấu cá

Vì cá là thực phẩm có mùi tanh nên khi nấu bạn nên cho 4 loại gia vị là rượu, hoa tiêu, thảo quả hoặc gừng vào trước vì chúng có tác dụng khử mùi tanh và tăng hương vị cho món ăn. Khi cá chín được một nửa thì mới bắt đầu cho muối và các gia vị khác vào để chúng ngấm dần vào thịt cá. Không nên cho muối vào quá sớm bởi làm vậy sẽ khiến thịt cá mất nhiều nước, cá sẽ không được mềm, thớ thịt không dai ngon.

img

Khi chế biến cá nên cho những gia vị có công dụng khử mùi tanh vào trước, đợi đến khi cá đã chín được một nửa mới tiếp tục cho thêm muối và các gia vị khác

Khi xào hoặc nướng thịt

Khi chế biến các món thịt bò, thịt lợn, thịt dê, v.v ... chúng ta nên ướp thịt trước khi đem đi nấu. Những gia vị nên cho vào để ướp thịt thường là muối, rượu, xì dầu, gừng, v.v... chúng sẽ giúp khử mùi hôi của thịt đồng thời khiến cho thịt mềm và đậm đà hơn.

img

Nên ướp gia vị vào thịt trước rồi mới đêm đi nấu

Khi chế biến các loại rau củ cứng

Những loại rau củ như đậu đũa, súp lơ, cà rốt, v.v ... thường có kết cấu khá cứng chứ không mềm như những loại rau xanh khác. Bởi vậy khi chế biến những loại rau củ này, chúng ta nên thêm muối vào ngay từ đầu để rau mềm và thấm gia vị, hơn nữa nó còn khiến món ăn nhanh chín mà không bị nát. Khi nấu gần xong mới cho thêm hạt tiêu hoặc bột thịt gà để món ăn có thể giữ được mùi hương của những gia vị này.

img

Với những loại rau cứng như súp lơ, nên nêm muối vào món ăn ngay từ đầu

Dù chế biến bất kỳ món nào đi chăng nữa chúng ta cũng nên nhớ chỉ cho những loại gia vị có hương vị thơm, ngọt như bột thịt gà, bột ngọt, xì dầu, tiêu,... vào cuối cùng. Còn đối với muối thì tùy vào đặc trưng của từng món ăn định chế biến mà quyết định nên nêm nếm vào thời điểm nào. Chỉ cần nắm vững những quy tắc cơ bản ở trên là chúng ta đã có thể chế biến ra những món ăn chuẩn vị như nhà hàng rồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.