Trong nước

Thấy gì khi những “ông kẹ” V-League một thời sa sút?

23/10/2017, 09:05

HAGL, Long An, SLNA, B.Bình Dương từng được coi là biểu tượng ở V-League với nhiều thành công...

22

HAGL (phải) mấy mùa gần đây đều ngấp nghé ở khu vực xuống hạng

Quá khứ hào hùng, thực tại đau thương

V-League 2017 còn bốn vòng đấu nữa mới khép lại nhưng suất xuống hạng duy nhất gần như đã nằm chắc trong tay Long An. Đây được coi là hệ quả tất yếu bởi đội bóng miền Tây đã ngoi ngóp từ mùa trước và phải may mắn mới trụ hạng thành công sau trận play-off với Viettel. Với người hâm mộ bóng đá Long An, chắc chắn nỗi đau này rất khó chấp nhận bởi trong quá khứ, đội chủ sân Tân An từng có giai đoạn thống trị giải đấu số 1 Việt Nam với hai chức vô địch, ba lần về nhì.

HAGL tuy khá hơn đôi chút nhưng lối chơi bạc nhược, phong độ xuống nhiều hơn lên cùng vị trí 12/14 trên bảng xếp hạng V-League 2017 cũng chẳng thể khiến người hâm mộ hài lòng. Đáng nói hơn, đội bóng phố Núi mấy mùa gần đây đều ngấp nghé ở khu vực xuống hạng, bất chấp cũng có thời từng làm mưa làm gió tại V-League với hai chức vô địch liên tiếp (2003, 2004). Xếp ngay trên HAGL là B.Bình Dương, cái tên sở hữu bốn chức vô địch V-League (2007, 2008, 2014, 2015) và được ví như “độc cô cầu bại” của bóng đá Việt Nam.

SLNA với chuỗi trận thăng hoa vừa qua đã leo lên vị trí thứ 9 nhưng rõ ràng với lực lượng hiện có, đội bóng áo vàng rất khó mơ về thứ hạng cao hơn. Vấn đề là đại diện miền Trung gần như bằng lòng với những gì mình đang có, chơi kiểu cầm chừng để không rớt hạng chứ không dám nghĩ đến mục tiêu vô địch. SLNA tuy chưa bao giờ là rủng rỉnh tiền bạc nhưng suốt chiều dài lịch sử V-League vẫn sinh tồn mạnh mẽ, bằng chứng là ba chức vô địch (2000, 2001, 2011).

Bốn đội bóng, 11 chức vô địch V-League và cả bốn đều đang nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng. Không thể lấy quá khứ làm thước đo cho hiện tại nhưng việc những cái tên vốn có tính biểu tượng sa sút nghiêm trọng thì buộc phải nhìn nhận thấu đáo. Ai cũng thấy, HAGL đi xuống là do bầu Đức phải dồn lực sang đào tạo trẻ, sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn”. B.Bình Dương đi theo con đường tương tự, song việc bỏ bẵng công tác “ươm mầm” một thời gian dài khiến đội chủ sân Gò Đậu chẳng thể giới thiệu những cầu thủ trẻ xuất sắc.

Long An đi xuống kể từ khi ông Võ Quốc Thắng rời đội, nhường lại vị trí Chủ tịch cho em trai Võ Thành Nhiệm. Mức độ đầu tư của Tập đoàn Đồng Tâm cho đội bóng giảm sút nghiêm trọng và kể từ mùa giải 2017, cái tên Đồng Tâm buộc phải bỏ đi để Long An thu hút thêm nhà tài trợ. Với SLNA, câu chuyện cũng xoay quanh tiền bởi vì thiếu tiền, đội bóng xứ Nghệ mới buộc phải để hết lứa nhân tài này đến lứa nhân tài khác ra đi.

Cái gốc rễ chưa vững

Một ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phân tích, bản chất không phải HAGL, SLNA, B.Bình Dương hay Long An kém về yếu tố chuyên môn, việc những đội bóng này không duy trì được đỉnh cao đơn giản là do thay đổi mục tiêu, hướng đi. “Các nhà tài trợ, doanh nghiệp không thể cứ bỏ tiền ra đầu tư mãi. Sẽ đến lúc họ phải dừng lại, đầu tư cầm chừng và khi đó đội bóng sẽ bị động về mặt tài chính. Sân chơi V-League cực kỳ khốc liệt, nếu không có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, chắc chắn không thể nghĩ tới ngôi vô địch. Mức chi tiêu cho một đội bóng mỗi mùa rơi vào 30-40 tỷ đồng nhưng nếu không có ít nhất 60-70 tỷ đồng, đừng mơ vô địch”.

Trong khi đó, Chủ tịch một đội bóng đang thi đấu ở V-League cho hay: “Các đội bóng khi thiếu “bầu sữa” từ doanh nghiệp đều khó khăn bởi ngân sách địa phương cực kỳ eo hẹp. Đây là bài toán chung chứ không riêng bốn đội bóng giàu truyền thống kể trên. Hà Nội FC nếu không có bầu Hiển hậu thuẫn mạnh mẽ nhiều năm qua chắc chắn khó trở thành một thế lực lớn như hiện tại. Tiền rủng rỉnh sẽ có ngoại binh chất lượng cao, giữ được những cầu thủ nội tài năng ở lại cống hiến lâu dài”.

Bình luận viên Quang Huy cũng có cái nhìn tương tự và cho rằng, bóng đá Việt Nam vẫn phụ thuộc vào năng lực tài chính của các ông bầu. Theo ông Huy, nhìn vào V-League thì ta thấy, các ông bầu nào đang rủng rỉnh tiền bạc, ông nào gặp khó khăn. Nguyên nhân gốc rễ thì phải kể đến yếu tố chuyên nghiệp bởi gần như 100% các CLB V-League không thể tự nuôi mình chứ đừng nói đến việc phát triển khi thiếu nguồn tài trợ. Chỉ đến khi nào một CLB tách ra khỏi ông bầu vẫn sống tốt, khi đó bóng đá Việt Nam mới hi vọng có những biểu tượng mang tính lâu dài, bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.