Thời sự Quốc tế

Thấy gì sau đòn dọa tăng thuế của Donald Trump?

08/05/2019, 07:46

Các chuyên gia cho rằng, đòn đe dọa tăng thuế mới đây của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD khả năng sẽ phản tác dụng.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hồi đầu tháng 4/2019

Khi vòng đàm phán thương mại cuối cùng giữa Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị diễn ra trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra “chiêu bài thuế quan” quen thuộc nhằm gây sức ép với Bắc Kinh.

Thiếu niềm tin do “bốc đồng”?

Trong bài viết mới đây đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các chuyên gia cho rằng, đòn đe dọa tăng thuế mới đây của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD khả năng sẽ không khiến Bắc Kinh sợ hãi và thậm chí có thể phản tác dụng.

Ông Weihuan Zhou, giảng viên cao cấp từ Đại học New South Wales (Australia) cho rằng kỹ thuật đàm phán hiện tại của Tổng thống Trump sẽ không có hiệu quả.

“Nhà lãnh đạo Mỹ nghĩ rằng đe dọa áp thuế cao hơn sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi. Theo tôi, Bắc Kinh sẽ phản ứng nhưng họ sẽ không thỏa hiệp về các lợi ích cơ bản”, ông Zhou nhận xét.

Hơn nữa, các nỗ lực xây dựng, điều phối và thực hiện chính sách đối với Trung Quốc của các quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có Giám đốc cao cấp phụ trách khu vực châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSC) Matthew Pottinger và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall Schriver, đều bị giới hạn bởi quyết định của ông Trump có thể đảo ngược bất cứ lúc nào.

Giới phân tích dẫn chứng điều này bằng vụ việc cụ thể liên quan tới hãng viễn thông ZTE từ Trung Quốc. Các nỗ lực của Quốc hội Mỹ năm 2018 để ngăn ZTE mua linh kiện từ Mỹ đã nhanh chóng bị ông Trump đảo ngược sau khi nhận thư từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Eric Gomez, nhà phân tích chính sách quân sự và đối ngoại của Viện Cato cho rằng, sự mất lòng tin của các nhóm phụ trách chính sách an ninh và thương mại trong chính quyền Mỹ đang tăng lên, như việc ông Trump quyết định rút khỏi quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương đã vô tình giúp Trung Quốc nâng tầm ảnh hưởng quốc tế của nước này.

Ngoài ra, giới phân tích còn cho rằng, sau nhiều lần gây sức ép và cáo buộc các đồng minh đang dối Mỹ về thương mại theo khẩu hiệu “America First” (nước Mỹ trước tiên), chính quyền Hoa Kỳ đang vấp phải các lời kêu gọi từ những phe nhóm ôn hòa hơn để phản ứng thống nhất trong vụ việc của Huawei.

Washington tin rằng việc chặn thiết bị Huawei 5G trên diện rộng cùng với các đồng minh là điều cần thiết để ngăn chặn thông tin nhạy cảm rơi vào tay Trung Quốc do có mối liên hệ chặt chẽ giữa công ty viễn thông này với chính quyền Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các đồng minh Anh, Đức, Ấn Độ, UAE lại đang cho thấy sự miễn cưỡng trong việc cấm hoàn toàn thiết bị Huawei khỏi mạng nền tảng 5G của các nước này.

“Nói chưa đi đôi với làm”

Trên thực tế, cuộc chiến thương mại chỉ là một trong nhiều vấn đề gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington cũng không thiếu các công cụ để kiểm chứng các tác động lên Bắc Kinh.

Lầu Năm Góc đã tăng cường các chuyến thực thi tự do hàng hải trên Biển Đông để thách thức việc Bắc Kinh xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên vùng biển này. Washington cũng đề xuất một chương trình đào tạo cho phi công F-16 của Đài Loan trị giá 500 triệu USD. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ tăng cường hạn chế đầu tư của Trung Quốc và Bộ Tư pháp Mỹ đang thắt chặt các nỗ lực chống gián điệp từ Bắc Kinh.

Ông David Shear, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương (từ năm 2014 - 2016) và hiện là cố vấn cao cấp tại Công ty tư vấn McLarty Associates, cho rằng, Nhà Trắng đang không nhất quán trong cách sử dụng các công cụ nhằm đối phó với các vấn đề từ Bắc Kinh.

Theo ông Shear, có khoảng cách lớn giữa những gì Tổng thống Trump nghĩ và những gì cơ quan an ninh quốc gia suy tính.Khoảng cách lớn cũng đang tồn tại giữa những gì chính quyền Mỹ muốn thực hiện và những nguồn lực họ dành để hoàn thành nó.

Đồng ý với nhận định của ông Shear, giới phân tích cho rằng, việc phối hợp và tài trợ tương xứng cho các lĩnh vực về mặt quân sự, an ninh, ngoại giao và viện trợ nước ngoài đang bị thiếu hụt, mặc dù xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược.

Ví dụ điển hình là việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị chi 42 triệu USD trong ngân sách tài trợ chiến dịch quân sự nước ngoài năm nay cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo chương trình hỗ trợ đồng minh chống lại các mối đe dọa.

Tuy nhiên, số tiền này chưa đến 1% trong ngân sách 5 tỷ USD được đề xuất dành cho các chiến dịch quân sự nước ngoài. Trong khi chỉ riêng khoản ngân sách dành cho quân đội tại Tunisia cũng đã là 40 triệu USD.

Bà Susan Thornton, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, các tiếp cận song phương từng phần đang làm lãng phí nhiều lợi thế của Mỹ.

Theo bà Thornton, người phục vụ trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và 18 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, “làm việc theo nhóm luôn hiệu quả hơn theo cá nhân, trong việc gây áp lực tối đa đối với Trung Quốc để giải quyết những vi phạm của nước này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.