Hồ sơ tài liệu

Thấy gì từ bê bối nhà báo của BBC dùng chiêu trò với Công nương Diana?

24/05/2021, 08:46

Cảnh sát London và Chính phủ Anh đã vào cuộc và khẳng định sẽ đánh giá lại cách thức điều hành của BBC.

img

Công nương Diana trong cuộc phỏng vấn năm 1995

BBC - hãng thông tấn quốc gia lâu đời nhất thế giới của Anh đang đối mặt với cáo buộc dùng mánh khóe, lừa Công nương Diana tham gia chương trình phỏng vấn để đẩy cao kịch tính, tạo nên một chương trình kỷ lục người xem năm 1995… Sau tất cả, niềm tin của dư luận vào báo chí có thể thêm mong manh nhưng xét từ chiều ngược lại, liệu độc giả có vô can?

BBC nhận trách nhiệm, trả lại giải thưởng

Cuối tuần qua, báo cáo điều tra do cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Anh Lord Dyson thực hiện đã phát hiện, Đài BBC đã không đảm bảo nguyên tắc chính trực và minh bạch khi thực hiện cuộc phỏng vấn Công nương Diana năm 1995 cho chương trình Panorama do nhà báo Martin Bashir thực hiện.

Báo chí vẫn cần thiết với nỗ lực tìm hiểu, điều tra và truyền tải chính thức cho những nỗi đau, bất công, oan khuất… của phụ nữ hoặc các đối tượng yếu thế khác. Nhưng với lối suy nghĩ và tìm kiếm thông tin nhân văn từ độc giả, một bộ phận không nhỏ những người làm nghề sẽ không phải chạy theo những cú click hay lượng view để tìm mọi cách khai thác, mổ xẻ vấn đề, soi mói sự việc theo chiều hướng tiêu cực mà sẽ truyền tải vấn đề dưới con mắt nhân ái và mang tính xây dựng hơn.


Để thực hiện chương trình, mời được nhân vật được chú ý nhất trong dư luận Anh thời điểm đó và khơi gợi để bà nói ra những tâm tư tình cảm u uất trong lòng khi sống trong Hoàng gia Anh, đồng thời tiết lộ “động trời” về việc chồng mình (Thái tử Charles) ngoại tình, ê-kíp sản xuất chương trình và cụ thể là nhà báo Martin Bashir đã sử dụng chiêu trò.

Theo CNN, ông Bashir giả mạo giấy tờ, gửi bản sao kê ngân hàng giả cho Bá tước Charles Spencer, em trai Công nương Diana với nội dung chứng minh nhiều người thân cận với cố Công nương đang bị mua chuộc bằng tiền để theo dõi bà.

Từ đó, Bashir khuyến khích ông Spencer thuyết phục chị gái tới cuộc phỏng vấn. Nhờ cuộc phỏng vấn thu hút 23 triệu khán giả theo dõi, Bashir trở thành nhà báo được chú ý nhất ở Anh thời điểm đó, Đài BBC cũng nhận được nhiều giải thưởng liên quan.

Đáng nói hơn, ngay năm 1996, BBC đã điều tra lý do vì sao nhà báo Bashir có thể mời được Công nương Diana và đã biết rõ sự tình nhưng được cho là đã giấu nhẹm sự việc. Chưa hết, Bashir lại được đưa trở lại để làm việc cho BBC vào năm 2016 ở vai trò biên tập viên tôn giáo và vừa từ chức vì lý do sức khỏe, ít giờ trước khi cựu thẩm phán Dyson nộp báo cáo lên lãnh đạo BBC.

Đến nay, tân Tổng giám đốc BBC Tim Davie thừa nhận toàn bộ những phát hiện của cựu thẩm phán Dyson và xin lỗi vì “quy trình đánh giá, kiểm duyệt cuộc phỏng vấn không phù hợp”. Hãng thông tấn khẳng định sẽ trả lại các giải thưởng mà chương trình đã giành được nhờ cuộc phỏng vấn.

Lực lượng Cảnh sát London và Chính phủ Anh đã vào cuộc và khẳng định sẽ đánh giá lại cách thức điều hành của BBC, xem xét lại toàn bộ thông tin, tìm thêm bằng chứng liên quan tới sự việc.

Cựu Tổng giám đốc BBC thời điểm đó là ông Tony Hall đã từ chức Chủ tịch Bảo tàng Quốc gia London để nhận trách nhiệm liên quan tới sự việc trên. Thời điểm cuộc phỏng vấn diễn ra, ông Hall là người chịu trách nhiệm cuộc điều tra nội bộ của BBC năm 1996 liên quan tới cuộc phỏng vấn.

Khi cảnh sát vào cuộc, có thể sẽ còn nhiều chi tiết gây sốc khác được công bố và hệ lụy mất đi niềm tin của độc giả mà một hãng thông tấn lớn như BBC phải gánh chịu sẽ còn dai dẳng.

Không ai vô can

img

Nhà báo Martin Bashir

Sau bê bối, tân Tổng giám đốc BBC Tim Davie thừa nhận, hãng đã học được bài học lớn, phải chịu trách nhiệm và tiếp tục cải thiện.

Nhưng nếu nhìn rộng hơn, đây có lẽ là bài học cho cả nền báo chí, bởi không riêng BBC mà rất nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng đang khai thác những câu chuyện về đời tư của từ dân thường cho đến người nổi tiếng để câu view khi báo chí hiện đại đang phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội và bị thị trường hóa.

Bà Kara Alaimo, Phó Giáo sư về quan hệ công chúng tại Đại học Hofstra, từng là người phát ngôn của Vụ Quan hệ quốc tế Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama chia sẻ trên CNN: “Cuộc điều tra chương trình phỏng vấn Công nương Diana là bài học lớn không chỉ với báo giới mà còn cả với công chúng”.

Theo bà Alaimo, dễ hiểu tại sao BBC ngay từ đầu đã không điều tra kỹ sự việc, đó là bởi đã có hơn 20 triệu người xem chương trình đó và đến nay chúng ta vẫn nhắc về chương trình đã làm rúng động Hoàng gia và toàn nước Anh lúc ấy. “Công nương Anh không phải là người phụ nữ duy nhất có những nỗi đau và vấn đề về hôn nhân bị báo chí thao túng”, chuyên gia Alaimo chia sẻ trên CNN.

Tại Mỹ cũng có nhiều người nổi tiếng như: Britney Spear, Lindsay Lohan, Paris Hilton… là mục tiêu để khai thác đời tư, từ cách sống đến cách ăn mặc… và không ít người trong số họ đã gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý nghiêm trọng.

Nhưng, cách làm này sẽ không được áp dụng tràn lan nếu như công chúng tẩy chay và quyết không quan tâm tới những tin tức kiểu như vậy. “Theo cách nhìn này, tất cả những độc giả như chúng ta đều là đồng lõa”, bà Alaimo nói.

Bản thân độc giả dù là tìm kiếm tin tức trên các kênh báo chí hay qua mạng xã hội nếu hướng đến những thông tin trong sáng, không tò mò đi sâu vào những nỗi đau đớn, những câu chuyện ngoại tình hay những hình ảnh hở hang của phụ nữ thì có lẽ báo chí cũng không có đất cho những câu chuyện này sinh sôi.

Còn các nền tảng mạng xã hội đủ thông minh với công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ tự động không đề xuất những câu chuyện tiêu cực tương tự xuất hiện trên trang cá nhân của độc giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.