Thế giới

Thấy gì từ chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Mỹ?

20/03/2017, 08:05

Ngày 18/3, ông Rex Tillerson đã lên máy bay trở về nước, kết thúc chuyến công du 3 nước châu Á...

8

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngày 18/3, ông Rex Tillerson đã lên máy bay trở về nước, kết thúc chuyến công du 3 nước châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc kéo dài 4 ngày trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Trọng tâm của chuyến công du này tập trung vào 3 chủ đề, cũng là 3 thông điệp chính sách mà chính quyền Tổng thống Mỹ Trump muốn phát đi ở khu vực.

Cam kết sát cánh cùng các đồng minh

Theo AP, dù Tổng thống Mỹ Trump lúc còn đang tranh cử đã tuyên bố sẽ cân nhắc lại chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á, yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp nhiều tiền hơn cho việc được Mỹ “bảo kê” phòng thủ, nhưng trong chuyến công du Tokyo và Seoul lần này, ông Tillerson không nêu ra điều đó. Trái lại, ông nhấn mạnh việc hợp tác của Mỹ với hai đồng minh Nhật, Hàn có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cùng khẳng định rằng, Mỹ - Nhật có mối ràng buộc và những cam kết đồng minh vững chắc nhất.

Tại Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tuyên bố Mỹ và Nhật Bản có hiệp ước phòng thủ và quân đội Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật trước bất cứ cuộc xung đột nào, trong đó, quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông cũng không nằm ngoài cam kết của Washington.

Khi đến thăm Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với Thủ tướng kiêm Tổng thống Hàn Quốc tạm quyền Hwang Kyo-ahn rằng, Washington tái khẳng định “cam kết bọc sắt” trong mối quan đệ đồng minh an ninh với Hàn Quốc. “Tôi ở đây để bày tỏ và tái khẳng định mối quan hệ đồng minh vững chắc giữa Mỹ và Hàn Quốc - mối quan hệ được tạo nên vì an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên", Thông tấn Mỹ AP dẫn lời Ngoại trưởng Tillerson.

Hiện, quân đội Mỹ có khoảng 10.000 binh sỹ đang đóng quân tại các căn cứ bố trí trên lãnh thổ hai quốc gia đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc (trong trục quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn) lại không mấy ổn định chủ yếu xuất phát từ những vấn đề lịch sử.

Washington rất thấu hiểu thực tế này. Vì vậy, khi thăm Tokyo và Seoul, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tranh thủ ra lời kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc đoàn kết, gạt bỏ mọi mâu thuẫn, rào cản để cùng nhau đẩy mạnh hợp tác an ninh trong bối cảnh khu vực đang có những diễn biến phức tạp.

Vừa trấn an, vừa răn đe Triều Tiên

Theo AP, đề cập đến các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, thoạt đầu, khi làm việc với các quan chức Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí mà Washington cho là “nguy hiểm và không hợp pháp”, đồng thời, ông lên tiếng trấn an “Triều Tiên không cần thiết phải sợ Mỹ”.

Hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo, ông Tillerson tiết lộ rằng, Mỹ đã thảo luận các cách tiếp cận mới trong việc đối phó với những hành động của Bình Nhưỡng sau khi các nỗ lực ngoại giao kéo dài 20 năm của Washington đã thất bại.

Tuy nhiên, khi đến Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ông Rex Tillerson bất ngờ đưa ra một lời cảnh báo cứng rắn nhằm vào Triều Tiên khi cho rằng, Washington sẵn sàng triển khai chiến lược tấn công đánh phủ đầu nhằm vào Bình Nhưỡng nếu mối đe dọa từ chương trình vũ khí của nước này đạt đến một cấp độ buộc Mỹ phải hành động.

Tại khu phi quân sự Bàn Môn Điến ở biên giới liên Triều, ông Tillerson tuyên bố sẽ đóng cửa mọi cánh cửa đàm phán với Triều Tiên nếu nước này không từ bỏ các chương trình hạt nhân, vũ khí.

Đại diện chính quyền Donald Trump nói rằng, Mỹ không muốn để xảy ra xung đột quân sự nhưng nếu Triều Tiên đe dọa lực lượng của Mỹ hay Hàn Quốc thì Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với những phản ứng tương thích.

Tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã đề cập đến vấn đề Triều Tiên, ông cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã cam kết cùng nhau phối hợp để buộc Bình Nhưỡng phải thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Quan hệ với Trung Quốc, vấn đề Đài Loan, Biển Đông

Reuters cho hay, tại Bắc Kinh, hội đàm cùng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, chính quyền của Tổng thống Trump muốn tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Tillerson nhấn mạnh, đó cũng là cách giúp Washington và Bắc Kinh tăng cường các mối quan hệ và tạo ra "tông nhịp" cho một mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhất trí với quan điểm này, ông cho biết thêm, Trung Quốc và Mỹ đều đang trông đợi một kỷ nguyên hợp tác, phát triển theo cách thức có tính xây dựng.

Trước đó, khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 18/3, ông Tillerson và ông Vương đã nhất trí sẽ xúc tiến các cuộc đàm phán, hợp tác cấp cao Mỹ - Trung trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại, pháp luật, không gian số và văn hóa.

Về vấn đề Đài Loan và tranh chấp ở biển Đông, dù hai bên đã cố gắng ít đề cập đến nhưng quan chức của cả Mỹ và Trung Quốc đều thừa nhận rằng, Washington và Bắc Kinh đều có những khác biệt trong quan điểm, cách thức giải quyết những vấn đề này.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện mong muốn các bên giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình như đối thoại, đàm phán...

Ngoại trưởng Mỹ cũng đã lên tiếng bảo vệ hành động triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc bất chấp việc Ngoại trưởng Trung Quốc bày tỏ phản đối, cho rằng tên lửa THAAD tạo ra mối đe dọa cho lợi ích quốc gia Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.