Hồ sơ tài liệu

Thấy gì từ cuộc biểu tình đang nổ ra ở Thái Lan?

19/10/2020, 06:30

Dù biểu tình với Thái Lan không phải quá xa lạ nhưng biểu tình lần này diễn ra với nhiều đặc điểm khác biệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

img
Những người biểu tình đều ở độ tuổi trẻ, phái nữ chiếm số lượng quan trọng và không hề nhỏ

Thái Lan, quốc gia du lịch của Đông Nam Á, một lần nữa rơi vào cảnh hỗn loạn vì biểu tình, xã hội đặt trong tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng, buộc phải đóng băng mọi hoạt động giao thông công cộng… Dù biểu tình với Thái Lan không phải quá xa lạ nhưng hoạt động lần này diễn ra với nhiều đặc điểm khác biệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khác về thành phần

Hoạt động biểu tình đang diễn ra tại Thái Lan là hoạt động thể hiện sự bất bình xã hội trên quy mô lớn nhất từ cuộc đảo chính năm 2014, nằm dưới sự lãnh đạo của những người rất trẻ chỉ khoảng đầu 20, thậm chí có cả học sinh cấp 3.

Đặc biệt hơn, đa phần những người tham gia đầu tiên và có tiếng nói mạnh mẽ nhất là nữ giới. Điển hình là nhân vật chủ chốt: Nữ sinh viên năm 3 Đại học Mahidol, mới 21 tuổi, Panusaya Sithijirawattanakul.

Sự trỗi dậy của nữ giới trong biểu tình ở Thái Lan những ngày qua thể hiện rõ qua hình ảnh sự kiện khoảng trung tuần tháng 9 khi những người chống đối đứng lên chỉ trích những truyền thống gia trưởng của Hoàng gia Thái Lan, chẳng hạn như: Luật nối ngôi bắt buộc phải trao ngôi vương cho nam giới; Hội đồng cố vấn chọn lọc cho Hoàng gia đều là nam giới; Nhà vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarang kun kết hôn tới 4 lần, trong đó có 2 người bị phế truất…

Quan sát diễn biến biểu tình lần này, bà Chumaporn Taengkliang, người đồng sáng lập liên minh chính trị “Phụ nữ vì Tự do và Dân chủ” nhận định: “Xu hướng biểu tình lần này đã thay đổi. Nữ giới không còn ở hậu phương mà chuyển sang đứng ở tuyến đầu”.

Bà Duanghathai Buranajaroenkij, một chuyên gia nghiên cứu về giới tại Đại học Mahidol, Bangkok cũng cho biết: “Thế hệ trẻ Thái Lan hiện tại đã có vốn từ để định nghĩa rõ ràng xã hội Bangkok đang gặp vấn đề ở đâu khi nói về bình đẳng giới. Trước đây, khi tôi mới bắt đầu nghiên cứu về giới, hầu hết người dân Thái Lan thậm chí còn không biết sử dụng “lăng kính về giới tính” để nhìn nhận, đánh giá nhiều vấn đề của xã hội”.

Khác về tham vọng

Một điểm khác biệt quan trọng nữa đó là hoạt động biểu tình lần này không phải tranh đấu phe phái mà thách thức từ thế hệ rất trẻ đối với Hoàng gia được tôn kính hàng trăm năm. Gần một thế kỷ đã qua, những cụm từ như: Nhà vua, Hoàng gia... với người dân Thái Lan vô cùng thiêng liêng và buộc phải trân trọng.

Theo quy định luật pháp Thái Lan, bất cứ lời buộc tội, chỉ trích đối với Nhà vua, Hoàng hậu hoặc người trong Hoàng gia đều bị coi là tội nghiêm trọng và có thể phải chịu án tù dài hạn với chế tài xử phạt tội khi quân khắt khe bậc nhất thế giới.

Những người biểu tình đưa ra bản yêu sách 10 điểm bao gồm yêu cầu đưa thêm điều luật cho phép điều tra Nhà vua, cải cách luật phỉ báng Hoàng gia, xóa bỏ văn phòng Hoàng gia, giải thể lính gác và thay đổi chính phủ do quân đội nắm quyền, cải tổ những thể chế chính trị như đưa ra Hiến pháp, phương thức bầu cử mới…

“Khi đứng trước đám đông, đọc bản yêu sách này, tôi nhiều lần suýt khuỵu. Lúc đó, tôi không còn cảm nhận được bàn chân hay bàn tay mình vì rất lo sợ phản ứng của đám đông. Nhưng cuối cùng, đám đông biểu tình không hề rời đi”, hãng tin CNN dẫn lời nữ thủ lĩnh 21 tuổi Panusaya chia sẻ.

Thực chất, chế độ quân chủ tuyệt đối tại Thái Lan đã chấm dứt từ năm 1932. Nhà vua Thái Lan không nắm thực quyền chính trị nhưng vẫn có ảnh hưởng đáng kể. Bao năm qua, hình ảnh cố Vương Bhumibol được gìn giữ rất cẩn trọng.

Ông là hiện thân của một người cha chính trực, cai trị dựa trên nguyên tắc Phật giáo, dù trải qua biết bao sóng gió, biến cố chính trị và là người nỗ lực làm việc, cải thiện cuộc sống người dân thường Thái Lan.

Nhưng từ khi Nhà vua Bhumibol qua đời, Thái tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi từ năm 2016, ông thường xuyên sống ở nước ngoài, chỉ quay lại Thái Lan khi có việc phải chủ trì. Dù lịch trình sinh hoạt và đời sống của Nhà vua Maha Vajiralongkorn luôn là điều bất khả xâm phạm nhưng vẫn có những cáo buộc Nhà vua Vajirusongkorn dính líu đến nhiều hoạt động không tích cực, đời sống hôn nhân phức tạp và không gần gũi với người dân.

Vấn đề không dừng ở đó, nói đến Thái Lan, người ta cũng không lạ gì với những cuộc biểu tình chính trị, đẫm máu. Suốt từ năm 1932, nước này đã trải qua 13 cuộc đảo chính quân sự thành công.

Sự kiện gần đây nhất diễn ra năm 2014 và cựu tướng lĩnh Prayut Chan-o-cha đã lên nắm quyền, trở thành Thủ tướng như hiện nay. Thực chất, theo CNN, cố vương Bhumibol đã xây dựng quan hệ chặt chẽ với rất nhiều lãnh đạo quân đội, trao cho họ quyền hợp pháp để đổi lại sự ủng hộ vững vàng đối với Hoàng gia.

“Ngay bây giờ hoặc sẽ không bao giờ. Chúng ta không thể lờ đi nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề chính trị xuất phát từ thể chế này thêm nữa. Nếu không, chúng ta sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn của chính trị. Hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác với sự tán thành từ Nhà vua”, nữ thủ lĩnh Panusaya Sithijirawattanakul nói.

Tranh đấu cho tương lai

Một vấn đề khác khiến người biểu tình bất mãn với Hoàng gia có liên quan tới dịch bệnh. Tuy Thái Lan đã kiểm soát dịch Covid-19 thành công nhưng nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kinh tế lao dốc khiến cơ hội việc làm của người dân càng trở nên mỏng manh, đối lập với cuộc sống quyền lực và vô cùng giàu có của Nhà vua bất chấp dịch bệnh - người biểu tình nói.

Cô Punchada cho biết, thế hệ trẻ như cô nỗ lực hối thúc sự thay đổi vì họ không nhìn thấy tương lai của mình. “Chúng tôi không biết tương lai mình sẽ ra sao trong 40 năm nữa”. Ngoài trọng tâm cải cách Hoàng gia, người biểu tình cũng thúc đẩy quyền tự do dân chủ lớn hơn như quyền cho phụ nữ, người đồng tính cũng như cải cách kinh tế và giáo dục…

Tổ chức Các luật sư vì quyền của người Thái Lan cho biết, có 62 người bị bắt trong vòng 3 tháng kể từ khi biểu tình mới nhen nhóm cho đến khi bùng nổ như hiện nay. Nhiều người đối mặt các cáo buộc xúi giục, nổi loạn.

CNN dẫn lời Phó phát ngôn viên Cảnh sát trưởng Thái Lan, Đại tá Kissana Phathanacharoen xác nhận nhiều người biểu tình đã bị bắt vì tổ chức biểu tình khi chưa được cấp phép và bị giam giữ vì vi phạm Luật Biểu tình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.