Chuyện dọc đường

Thấy gì từ đề xuất quy hoạch sân bay Măng Đen?

25/09/2022, 23:06

Việc đề xuất xây dựng sân bay tại Kon Plông (Kon Tum) cần phải xem xét, đánh giá kỹ, bởi tần suất động đất ngày một dày và mạnh lên tại đây.

UBND tỉnh Kon Tum vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đề xuất, Cảng hàng không Măng Đen có quy mô, sân bay cấp 4E, dự kiến xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với diện tích đất khoảng 350 ha.

Cảng có công suất thiết kế từ 3 - 5 triệu hành khách/năm; tổng mức đầu tư Dự án khoảng 4.000 tỷ đồng bằng phương thức PPP; thời gian thực hiện là từ năm 2023 đến 2027.

img

Quốc lộ 24 đoạn qua địa phận huyện Kon Plông - Kon Tum

Đề xuất của tỉnh Kon Tum đang được dư luận quan tâm. Bên cạnh ý kiến đồng thuận, nhiều người lo ngại khu vực quy hoạch sân bay nằm ở huyện Kon Plông thường xuyên xảy ra động đất sẽ gây tác động khi công trình đưa vào khai thác.

Thật ra các ý kiến lo ngại này không phải không có lý.

Theo thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn huyện Kon Plông chỉ tính riêng từ thời điểm ngày 14/4 đến nay xảy ra trên 80 trận động đất. Các trận động đất nêu trên có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1.

Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút 22 giây ngày 14/4 có độ lớn 4,5 độ richter và trận động đất vào lúc 14 giờ 08 phút 04 giây ngày 23/8 có độ lớn 4,7 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km, cao nhất từ trước tới nay.

Còn nếu tính cả thời gian trước đó, chỉ trong thời gian ngắn tại Kon Plông xảy ra hàng trăm trận động đất, đều ở khu vực xung quanh hồ chứa thuỷ điện Thượng Kon Tum.

Các trận động đất được dự báo có thể lên tới 5,6 độ đến 6 độ richter. Động đất ở cường độ này có thể xảy ra đứt gãy công trình giao thông, hạ tầng và ảnh hưởng rất lớn đến các công trình, nhà cửa của người dân. Nghiêm trọng hơn, nếu các trận động đất lớn có thể làm vỡ các đập thuỷ điện ở thượng nguồn, lúc đó hậu quả sẽ rất lớn.

Vì thế, cần phải khảo sát, nghiên cứu để đánh giá lại các công trình thuỷ điện lớn tại khu vực huyện Kon Plông để làm rõ mức độ nguy hiểm. Bởi trên thực tế những trận động đất đã xảy ra với tần suất ngày càng tăng và cường độ càng lớn. Vậy nên, ngành chức năng cần phải nghiên cứu, khoanh vùng vị trí thường xuyên xảy ra những trận động đất ấy để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình hạ tầng khác.

Hiện nay, tại huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện, nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re.

Trong đó, thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220 MW, dung tích trữ 145,52 triệu m3, có tính toán thiết kế động đất cấp 7. Thủy điện Đăk Đrinh có công suất 125 MW, dung tích trữ 248,51 triệu m3, có tính toán thiết kế động đất cấp 8. Thủy điện Đăk Re có công suất 60MW với 2 tổ máy, dung tích trữ nước 249,3 triệu m3, có tính toán thiết kế động đất cấp 7.

Ngoài ra, Kon Plông còn hàng loạt công trình thủy điện có đập, hồ chứa nhỏ và vừa. Cụ thể như thủy điện Đăk Pô Ne; thủy điện Đăk Lô; thủy điện Đăk Lô 2...

Từ thực tế trên, có thể thấy, việc tỉnh Kon Tum đề xuất quy hoạch dự án sân bay tại khu vực thường xuyên xảy ra động đất cần phải được nghiên cứu hết sức cẩn trọng. Chúng ta không thể phớt lờ lời cảnh báo của các nhà khoa học trước hàng loạt trận động đất đang xảy ra tại vùng đất này.

Bên cạnh đó, cách trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum khoảng 40km là sân bay Pleiku (Pleiku, Gia Lai) có vị trí thuận lợi về giao thông cũng như dân cư đông đúc. Còn tại trung tâm TP Kon Tum đi đến huyện Kon Plông trên 50km đường dốc núi quanh co, dân cư thưa thớt...

PGS.TS Đào Trọng Tứ

(Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.