Y tế

Thấy gì từ số ca nhiễm mới Covid-19 giảm?

08/04/2020, 07:01

Theo chuyên gia, các ca mắc Covid-19 mới đang giảm nhưng chưa thể đánh giá tình hình dịch bệnh ở giai đoạn này bởi một số ổ dịch đã mất dấu F0.

img
Bệnh viện Việt Đức tăng cường kiểm soát người ra vào ngay từ cổng để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh

Không nên chủ quan

3 buổi sáng liên tiếp (từ 5- 7/4), thông tin Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới Covid-19 được cho là tin vui giữa mùa dịch Covid-19, khi nhiều nước trên thế giới tiếp tục chứng kiến con số tăng không ngừng các ca nhiễm và tử vong vì căn bệnh này.

Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay: “Các ca mắc mới giảm bởi chúng ta đã tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh với số ca mắc được phát hiện từ nguồn này chiếm trên 62%. Tuy nhiên, chưa thể đánh giá được tình hình dịch bệnh. Hiện, tại một số ổ dịch đã “mất dấu F0”, do vậy các ca phát hiện trong cộng đồng chính là mối quan tâm hàng đầu”.

Ông Phu cho biết thêm, cần tối thiểu thời gian 2 tuần nữa mới có thể đánh giá dịch đã được khống chế hay chưa. Đây là giai đoạn mang tính quyết định, nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước khác. Chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tạo sự giãn cách để tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị, hạn chế tử vong.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Lao phổi T.Ư cũng cho rằng: “Việc còn mầm bệnh trong cộng đồng đang là mối lo hiện nay của nước ta. Để rà soát các mầm bệnh trong cộng đồng, xét nghiệm nhanh là một giải pháp. Tuy xét nghiệm này không khẳng định được người mắc bệnh vì có một số dương tính giả do kháng nguyên khác, nhưng có tác dụng chỉ điểm nhất định và là yếu tố khả quan để tiên lượng tình hình dịch trong cộng đồng, hạn chế các trường hợp mất dấu F0”.

Giãn cách xã hội giúp giảm nguy cơ

Thêm hàng chục nhân viên y tế bị cách ly
Tính đến tối ngày 6/4, lại có thêm 63 nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội buộc phải cách ly vì đã có tiếp xúc trực tiếp, hay gián tiếp với trước bệnh nhân phát hiện nhiễm Covid-19. Như vậy, đến nay đã có 8 cơ sở y tế trên cả nước buộc phải cách ly cán bộ nhân viên y tế vì lý do “vô tình” tiếp đón người bệnh mắc Covid-19.
Trước tình huống này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.


Trước thông tin F0 bị mất dấu, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 1, TP HCM cho biết: “Nếu hiểu cơ chế lây bệnh của Covid-19 thì hoàn toàn không nên quá lo lắng khi đã mất dấu F0”.

Ông Khanh phân tích, tại các điểm nóng Covid-19 hiện nay là: Quán bar Buddha, Công ty Trường Sinh hay khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai đều chưa xác định rõ nguồn lây F0. Cụ thể với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm hầu hết nhân viên y tế BV Bạch Mai đề âm tính (trừ hai ca điều dưỡng số 86, 87), điều đó thấy rõ họ có đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, phòng bệnh tốt hơn. Còn một số ca lây nhiễm giữa người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên Công ty Trường Sinh, nếu người nhà bệnh nhân mang virus có xuống căng tin và tiếp xúc gần sẽ lây cho người ở căng tin hoặc ngược lại.

“Chỉ ngồi gần, ngồi tán chuyện và không có biện pháp phòng ngừa trong tiếp xúc gần thì nguy cơ mắc cao hơn. Chắc chắn những người mắc Covid-19 ở quán bar Buddha hay Bệnh viện Bạch Mai đều là tiếp xúc gần dưới 2 mét và không có dự phòng bệnh tốt”, ông Khanh khẳng định.

Chính vì thế, trong điều kiện khi F0 mất dấu, BS. Khanh nhấn mạnh, mọi người không tiếp xúc gần, có biện pháp phòng hộ thì không lo ngại khi có tiếp xúc với F0 hay F1. “Thực hiện nghiêm cách ly xã hội, giữ khoảng cách 2 mét khi tiếp xúc, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang… chính là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm. Việc giãn cách xã hội sẽ giúp những người có triệu chứng hoặc có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng”, ông Khanh khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.