Thế giới

Thấy gì từ thông điệp tầm nhìn “kỷ nguyên mới” của Trung Quốc?

19/10/2017, 09:00

Đại hội toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc với lời cam kết xây dựng “một đất nước...

30

Chủ tịch - Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Đại hội trước gần 2.800 đại biểu

Đại hội toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc với lời cam kết xây dựng “một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại” trong “kỷ nguyên mới” song song với việc mở cửa với toàn cầu của Chủ tịch, Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Chủ nghĩa xã hội Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới

Ngày 18/10, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước gần 2.800 đại biểu ở Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, dưới sự bảo đảm an ninh chặt chẽ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu kéo dài gần 3,5 giờ, đưa ra tầm nhìn đầy tự tin với một Trung Quốc ngày càng thịnh vượng và vị trí của nước này trên trường quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ “nhổ tận gốc” vấn nạn tham nhũng, khẳng định rõ Trung Quốc không có ý định hay kế hoạch cải tổ chính trị.

“Sau hàng chục năm xây dựng cần mẫn, chủ nghĩa xã hội mang những đặc trưng của Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên mới, đây là hướng đi lịch sử trong sự phát triển của đất nước Trung Hoa”, ông Tập nói. Đáng chú ý, trong bài phát biểu, ông sử dụng cụm từ “kỷ nguyên mới” tới 36 lần.

Đại hội toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện chính trị quan trọng diễn ra 5 năm/lần, kéo dài 6 ngày (từ 18-24/10), hầu hết là các buổi họp kín. Tại đây, Trung Quốc sẽ chọn ra các thành viên của Ban Thường trực Bộ Chính trị mới nắm quyền điều hành đất nước với 1,4 tỉ dân trong 5 năm tới. Sự kiện thu hút gần 2.800 đại biểu cùng 3.000 phóng viên trong và ngoài nước đổ về Thủ đô Bắc Kinh đã gây áp lực tương đối lớn lên hệ thống giao thông địa phương. Đầu tuần này, Thủ đô Bắc Kinh chứng kiến dòng người chờ đợi trước sân ga đường sắt để thực hiện thêm nhiều quy định kiểm tra bổ sung. Theo BBC, sự kiện này cũng ảnh hưởng tới một số hoạt động kinh doanh khi nhiều nhà hàng, phòng tập, câu lạc bộ đêm, quán karaoke đóng cửa vì để đảm bảo việc chấp hành các quy định an ninh nghiêm ngặt.

Riêng về mặt kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch ra tầm nhìn, Trung Quốc sẽ mở rộng việc tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài, tiếp cận với ngành dịch vụ và cải cách sâu sắc hệ thống tài chính, tỉ giá hối đoái theo định hướng thị trường; cùng lúc tăng cường các công ty nhà nước.

Hãng tin Reuters dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định, như dự đoán, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu nghiêng về những tham vọng và nêu tóm tắt một số biện pháp cụ thể. Nhưng, trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã gây ngạc nhiên cho nhiều người khi dư luận quốc tế cho rằng, nước này sẽ cải cách sâu hơn theo định hướng thị trường.

Một vấn đề không thể không nhắc tới trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập chính là cuộc chiến chống tham nhũng. Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” do ông Tập phát động và thực hiện trong suốt 5 năm qua đã mang đến kết quả hơn 1 triệu quan chức bị trừng phạt và hàng chục cựu quan chức cấp cao bị bắt giam. Ông Tập khẳng định, số quan tham bị trừng phạt sẽ không dừng ở đây. Trung Quốc tiếp tục truy bắt từ “ruồi” đến “hổ” để diệt tận gốc vấn nạn tham nhũng vốn được xác định là “mối đe dọa nguy hiểm nhất” đối với sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mở cửa với thế giới

Ông Tập hứa hẹn, Trung Quốc sẽ hoàn toàn mở cửa với thế giới, nhấn mạnh cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. “Không đất nước nào có thể đơn phương giải quyết hàng loạt thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc đặt ra viễn cảnh với nước này, đó là phát triển trở thành đất nước chủ nghĩa xã hội hiện đại “cơ bản” tính đến năm 2035, trở thành một trong những đất nước sáng tạo nhất thế giới, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa người dân khu vực thành thị và nông thôn, hạn chế những vấn đề cơ bản liên quan tới môi trường. Tính đến năm 2050, ông Tập nói, Trung Quốc sẽ trở thành một “cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại mạnh mẽ” có tầm ảnh hưởng hàng đầu với thế giới.

Tuy nhiên, ông Tập đưa ra những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ không cải cách chính trị. Điều này thể hiện qua lời khẳng định: Hệ thống chính trị Trung Quốc vốn là cách điều hành hiệu quả nhất, thông minh nhất và bao quát nhất để bảo đảm quyền lợi cơ bản của người dân. “Chúng tôi sẽ không sao chép một cách máy móc hệ thống chính trị của các nước khác. Chúng tôi phải kiên cường duy trì và cải thiện hệ thống lãnh đạo của Đảng Cộng sản, củng cố đảng mạnh mẽ”, ông khẳng định.

Đối với Đài Loan, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép hòn đảo này tách rời độc lập, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ nỗ lực để cải tổ toàn diện các lực lượng vũ trang của nước này để có thể trở thành tổ chức quân sự mạnh, đẳng cấp hàng đầu thế giới tính đến giữa thế kỷ 21. Trong bài phát biểu, ông Tập không nhắc đến vấn đề Triều Tiên - nước láng giềng đang đối mặt với căng thẳng leo thang vì kiên quyết theo đuổi chiến lược hạt nhân, tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.