Y tế

Thấy gì từ việc phần lớn bệnh nhân Covid-19 tự khỏi?

30/06/2021, 10:00

Thống kê trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, trong tổng số ca nhiễm, số không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm khoảng 90%.

img

Việc tiêm vaccine đang được đẩy mạnh với mục tiêu đạt 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Ảnh: Phùng Đô

Tính trong cả 4 đợt dịch đến nay, tỷ lệ tử vong khoảng 0,5% (thấp hơn nhiều so với con số 2,1% trên thế giới). Những con số này nói lên điều gì? Dựa trên căn cứ này, liệu cách thức phòng, chống dịch nên chăng có những thay đổi, nhằm sớm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường?

Thay đổi mô hình “tháp 3 tầng” trong điều trị F0

Đánh giá về tình hình đợt dịch Covid-19 thứ 4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đợt dịch này với sự xuất hiện của biến chủng Delta (Ấn Độ) khiến quy mô lây nhiễm lan rộng, phức tạp, kéo theo số người mắc Covid-19 tăng nhanh.

Các biện pháp chiến lược trong phòng chống dịch Covid-19 từ các mùa dịch trước tiếp tục được duy trì là “phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, điều trị”. Tuy nhiên, với biến chuyển của dịch bệnh trong tình hình mới, đòi hỏi linh hoạt trong chiến lược cốt lõi và đẩy mạnh các chiến lược mới.

Cụ thể, theo thống kê của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (đến ngày 28/6), trong đợt dịch lần thứ 4 có khoảng 41,8% người mắc không có triệu chứng, 52,1% có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 3,3% có triệu chứng lâm sàng mức trung bình… Riêng tại TP.HCM, trong tổng số hơn 3.000 ca, có tới 80% không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Theo ông Sơn không phải đến bây giờ, khi dịch bùng phát tại TP.HCM, mà ngay khi dịch diễn biến phức tạp tại Bắc Giang với hơn 5.000 ca, Bộ Y tế đã có sự thay đổi trong chiến lược điều trị với F0 với mô hình “tháp 3 tầng”, giúp giảm nhẹ gánh nặng lên các cơ sở y tế.

Cụ thể, chỉ bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch cần dùng ICU (chăm sóc tích cực chuyên sâu) mới được đưa vào bệnh viện điều trị, đây là tầng thứ nhất.

Tầng thứ 2, tận dụng các trung tâm y tế nhưng có bộ phận hồi sức để sẵn sàng chuyển tuyến trên nếu bệnh nhân có dấu hiệu nặng.

Tầng thứ 3, ví như Bắc Giang đã tận dụng ký túc xá của các trường học bố trí làm nơi thu dung trường hợp F0 cách ly, có theo dõi y tế hàng ngày kỹ hơn so với trường hợp F1. Khi bệnh nhân có triệu chứng như tỷ lệ oxy máu giảm, có tổn thương phổi qua chụp X-quang sẽ chuyển lên trung tâm điều trị cao hơn.

Mô hình này tiếp tục được ứng dụng tương tự tại TP.HCM. Và theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, số lượng bệnh nhân vẫn trong tầm kiểm soát, người không triệu chứng sẽ được bố trí khu vực riêng để tiện theo dõi sức khỏe, phát hiện, xử trí kịp thời nếu xuất hiện triệu chứng và chưa tính đến cách ly F0 tại nhà.

Để phù hợp hơn với tình hình mới khi số lượng ca F1 tăng mạnh, gây áp lực tại các khu cách ly tập trung và tăng khả năng lây nhiễm chéo ở TP HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã có công văn gửi TP HCM chấp thuận thí điểm cách ly F1 tại nhà với các điều kiện y tế đảm bảo. Nếu được đánh giá hiệu quả, sẽ áp dụng rộng rãi.

"Test nhanh chưa thể để dân tự làm làm đại trà"

Trước ý kiến cho rằng, với việc “lạm dụng” xét nghiệm như hiện nay với những vùng, khu vực có xuất hiện ca nhiễm, Thứ trưởng Sơn nhận định: “Có thể nói xét nghiệm càng nhiều càng tốt nhưng vẫn phải xác định đúng trọng tâm, trọng điểm. Đó là nhiệm vụ quan trọng của CDC các địa phương, họ phải phân tích được dịch tễ, truy vết, xem lại các chuỗi bệnh nhân mắc ở khu vực nào để khoanh vùng, xét nghiệm…

Nên khoanh vùng nhiều tầng, vùng lõi, vùng đệm. Với nhóm ngoài, nhóm cộng đồng ở vùng đệm vẫn ưu tiên xét nghiệm PCR mẫu gộp, khi dương tính sẽ tách mẫu đơn, không ảnh hưởng lớn. Nhưng với vùng lõi, việc tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng rất quan trọng”.

Liên quan đến đề xuất của một số chuyên gia, cần thay đổi chiến lược xét nghiệm, chẳng hạn như cung cấp các bộ test nhanh tại các hiệu thuốc để người dân tự làm xét nghiệm tại nhà, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách, ông Sơn cho rằng: “Test nhanh chỉ có thể làm trong 1 số khu công nghiệp, khu cách ly với điều kiện kiểm tra giám sát được. Người dân với kiến thức, ý thức khác nhau nên việc này rất khó”.

Chưa thể "sống chung với dịch" khi chưa miễn dịch cộng đồng

Về quan điểm nên tính đến việc sống chung với dịch như các nước Singapore hay một số nước châu Âu khi khó kiểm soát dịch ngoài cộng đồng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định: “Sống chung với dịch có thể được tính tới trong tương lai, chưa phải ở thời điểm này.

Trong thời điểm hiện nay, với một số nước mà chiến lược vaccine đạt cấp độ cơ bản thì người mắc cũng sẽ có những triệu chứng nhẹ hơn, tỷ lệ tử vong giảm hẳn so với chưa tiêm vaccine. Nhưng ở ta độ bao phủ vaccine chưa thể đảm bảo được. Quan niệm “Covid-19 cũng như bệnh cúm mùa” chỉ tính đến sau khi xã hội có miễn dịch cộng đồng. Hiện, Việt Nam vẫn duy trì 2 hướng: vừa chống dịch, vừa phòng dịch”.

Còn theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, kể cả khi Việt Nam đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine cho đa số người dân thì điều đó cũng không có nghĩa là diệt được hoàn toàn Covid-19, bởi những biến chủng của nó vẫn còn.

Đó là lý do phải xác định “sống chung với dịch”. Tuy nhiên, phải xây dựng một lộ trình, vì với 100 triệu dân cùng hạ tầng, trang thiết bị, vật tư y tế và con người như hiện nay, chúng ta chưa đủ điều kiện để sống chung với Covid-19.

Vừa mua, vừa chuyển giao công nghệ vừa tự sản xuất vacccine

Nhận định về chiến lược vaccine Covid-19 trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, vaccine là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định việc thành công hay không trong chiến lược phòng chống Covid-19.

Với mục tiêu đến cuối năm nay sẽ tiêm phủ 70% dân số cho những người từ trên 18 tuổi để đạt được miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế đã chủ động kết nối, bàn thảo trực tiếp với các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Đồng thời, qua các kênh ngoại giao, tới nay chúng ta đã có được một số nguồn vaccine.

Theo ông Thuấn, với một số nguồn tương đối chắc chắn thì chúng ta có khoảng 120 triệu liều, một nguồn đang đàm phán, khả năng cao sẽ về kịp trong năm nay đó là nguồn của Nga với khoảng 20 triệu/tổng số 40 triệu liều; nguồn của Moderna, 5 triệu liều.

“Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục thúc đẩy sản xuất, nghiên cứu vaccine trong nước và cố gắng cuối năm 2021, đầu năm 2022, có thể chủ động vaccine trong nước”, ông Thuấn cho biết.

Đồng thời, với phát triển vaccine trong nước, có một số đơn vị khác đang tiếp nhận nghiên cứu, chuyển giao từ một số tổ chức nghiên cứu của nước ngoài.

Trước hết Công ty Vabiotech từ tháng 7 tới sẽ đóng bán thành phẩm vaccine Sputnik của Nga kết hợp chuyển giao công nghệ của Nga với công suất khoảng 5 triệu liều/tháng. Đơn vị này cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty ANZ của Nhật Bản về dự kiến khởi động pha 3 vaccine phòng Covid-19 của hãng này vào tháng 7 tới tại Việt Nam kết hợp chuyển giao công nghệ.

“Ngoài ra, nhiều nước như Cuba, Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang bàn bước đầu với Việt Nam về chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, có một tập đoàn lớn đã được Chính phủ giao để nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ. Tập đoàn này cũng đang khẩn trương tiếp nhận, song song với việc xây dựng nhà máy. Chúng tôi hy vọng cuối năm 2021, đầu năm 2022 có thể đưa sản phẩm vaccine vào thực tế”, ông Thuấn cho hay.

Tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vaccine

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “5K + vaccine” và tăng cường ứng dụng công nghệ. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, tấn công là chủ động, đột phá.

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không được hoang mang, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh. Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược vaccine.

Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù để thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine, tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vaccine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.