Kinh tế

Thấy gì từ xếp hạng chính quyền phục vụ dân?

05/04/2017, 07:25

Cần Thơ được xếp đầu bảng trong khi Hà Nội, Quảng Ninh hay Bình Dương vẫn nằm trong nhóm điểm thấp.

5

Hà Nội nhiều năm bị xếp nhóm đạt điểm thấp nhất ở tiêu chí hiệu quả quản trị và hành chính công (Người dân đến giao dịch tại bộ phận Một cửa phường Hà Cầu, quận Hà Đông) - Ảnh: Bích Hương

Theo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI 2016) được công bố ngày 4/4, Cần Thơ được xếp đầu bảng trong khi Hà Nội, Quảng Ninh hay Bình Dương vẫn nằm trong nhóm điểm thấp.

UBND tỉnh viết thư chia buồn, chúc mừng và xin lỗi người dân

Theo công bố PAPI 2016, nhóm địa phương có số điểm thấp nhất gồm: Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và Kiên Giang. Cũng theo kết quả công bố, Ninh Thuận lần đầu tiên sau 3 năm bị lọt vào top điểm thấp, năm nay đã có sự bứt phá. Chia sẻ về thành quả này, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, xây dựng hình ảnh cán bộ công chức gần gũi thân thiện là một trong những biện pháp cải thiện hiệu quả chỉ số PAPI.

“Năm 2016, sau khi chỉ số PAPI được công bố, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ tìm hiểu nguyên nhân, ban hành chỉ thị nâng cao chỉ số PAPI. Theo đó, các sở, ngành của tỉnh đã rà soát liên quan tới các vấn đề thuộc trách nhiệm ngành mình, đặc biệt là y tế, giáo dục và tài nguyên môi trường; Đồng thời, xây dựng cụ thể các nội dung chỉ đạo các UBND cấp huyện, xã để thực hiện và rút kinh nghiệm những nội dung chưa được người dân đánh giá cao”, ông Vĩnh thông tin.

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng thực hiện hàng loạt giải pháp liên quan tới siết chặt kỷ cương, tăng cường công khai minh bạch, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm… “Để xây dựng hình ảnh cán bộ công chức gần gũi thân thiện, UBND tỉnh còn viết thư chia buồn, chúc mừng và xin lỗi người dân khi liên quan tới giải quyết vụ việc”, Chủ tịch UBND Lưu Xuân Vĩnh nói. Người đứng đầu tỉnh Ninh Thuận cũng thông tin, dù tỉnh này có những bước tiến bộ nhưng trong năm 2017, tỉnh sẽ không ngừng cải cách và nỗ lực để vươn lên đứng trong top 35 tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân.

Không chỉ Ninh Thuận, nhiều tỉnh nghèo khác cũng bày tỏ quyết tâm thay đổi để phục vụ người dân tốt hơn. Kết quả PAPI 2016 cho thấy, trong số 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất, có 8 địa phương khu vực Đông Bắc bộ (gồm Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và Ninh Bình); 5 địa phương duyên hải miền Trung (gồm Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị và Bình Định) và 3 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm Cần Thơ, Bến Tre và Đồng Tháp). Trong đó, đáng lưu ý là Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Đà Nẵng vẫn duy trì vị trí của mình trong nhóm đạt điểm cao nhất qua 6 năm liên tiếp, từ 2011 đến 2016.

Các “đầu tàu” gây thất vọng

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), thành viên nhóm nghiên cứu, các địa phương có số điểm cao nằm trong nhóm dẫn đầu đều không phải là các tỉnh giàu, trừ Đà Nẵng. Đơn cử như đứng đầu tiêu chí “Trách nhiệm giải trình với người dân” là Quảng Ngãi, đứng đầu tiêu chí “Kiểm soát tham nhũng khu vực công” là Cần Thơ (tiếp đó là Tiền Giang, Bến Tre), đứng đầu tiêu chí  “Tham gia của người dân cấp cơ sở” là Hà Tĩnh (tiếp đến là Bắc Ninh, Bắc Giang), đứng đầu tiêu chí “Công khai ngân sách cấp xã” là Bình Phước…

16 địa phương có chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở mức cao nhất là: Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An... Riêng Long An ở trong nhóm này 6 năm liên tiếp. 16 tỉnh, thành thuộc nhóm thấp nhất gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Ngược lại, hai đầu tàu cả nước là Hà Nội và TP.HCM lại khá mờ nhạt. Cụ thể, trong tiêu chí kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Hà Nội bị nêu danh khi là địa phương “luôn có tên trong nhóm đạt điểm thấp nhất kể từ năm 2011-2016”. Ngoài ra, Hà Nội cùng với một số địa phương có điều kiện KT-XH ở mức khá như: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng... cũng có tên trong nhóm đạt điểm thấp nhất ở tiêu chí hiệu quả quản trị và hành chính công.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay: “Kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy, hầu hết các tỉnh thành có thể làm tốt hơn để cải thiện năng lực và thái độ của công chức, viên chức; tăng tính minh bạch, khả năng phản hồi và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước”. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, với dữ liệu PAPI năm 2016 và 5 năm tới, Chính phủ có thêm nguồn thông tin tham khảo để theo dõi và đánh giá những nỗ lực hiện nay trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân.

Dịch vụ y tế cải thiện tích cực

Khảo sát PAPI 2016 cho thấy, điểm tích cực là tỉ lệ người dân hài lòng hơn với dịch vụ y tế công lập và giáo dục tiểu học công lập cao hơn so với những năm khảo sát trước. Nhận thức của người dân về y tế công lập cải thiện rõ rệt do số lượng người có BHYT tăng từ 62% năm 2015 lên 73% năm 2016. Báo cáo cũng cho thấy chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh với 32% người khảo sát cho biết, dịch vụ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi “rất tốt”, cao hơn so với tỉ lệ 23% năm 2015. Người dân chấm điểm chất lượng bệnh viện công tuyến huyện/quận cao hơn, song đánh giá của người sử dụng dịch vụ này giữa các tỉnh, thành phố có mức chênh lệch lớn. Ví dụ, Sóc Trăng đạt 8,16 điểm trong khi Gia Lai chỉ đạt 1,9 điểm, theo thang điểm từ 1-10.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.