Giáo dục

Thầy giáo dạy Hóa lấn sân Tin học, cùng học trò "ẵm" giải toàn quốc

18/11/2022, 16:31

Là thầy giáo dạy Hóa nhưng được học sinh tin tưởng, thầy Thịnh không ngại học thêm điện tử, tin học, cùng các em chế tạo nhiều sản phẩm hữu ích.

Say mê nghiên cứu

Cứ ít lâu, chị Lan Hiếu, chủ tiệm điện nước ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ lại thấy thầy giáo Nguyễn Phúc Thịnh (SN 1985) ở Trường THPT Phan Văn Trị ghé tiệm. Mỗi lần như vậy thầy lại tìm tòi và mua những thứ mà theo chị “có khi để cả năm không ai hỏi”.

img

Thầy Nguyễn Phúc Thịnh (trái) được vinh danh tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.

Nhiều khi đó chỉ là những chiếc lò xo nhỏ, những linh kiện máy bơm hay những chiếc đèn bé xíu,… thầy mua về cho nhóm học trò đang đợi.

Việc nghiên cứu các sản phẩm điện tử thông minh đến với thầy giáo Thịnh khá bất ngờ.

Số là vào năm 2014, nhóm học sinh “ruột” ở Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) vây lấy thầy, hỏi han việc chế tạo thiết bị điều khiển bơm tưới nước qua điện thoại, thiết bị tự ngắt nước…

Năm 2019 - 2020, nhóm học sinh do thầy Thịnh hướng dẫn cũng đạt giải Khuyến khích Hội thi Tin học Trẻ toàn quốc với “Thiết bị hỗ trợ giao tiếp, dò đường và điều khiển thiết bị gia đình cho người khuyết tật”.

Sau đó, thầy trò này tiến lên với giải Ba toàn quốc trong năm học 2020 - 2021. Đến năm 2021 - 2022, năm học bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 nên TP Cần Thơ không tham gia cuộc thi…

Thầy Thịnh nói mình chỉ là giáo viên dạy Hóa nên khó giúp các em.

Tuy vậy, thầy Thịnh vẫn lên internet mày mò tự học thêm kiến thức về Vật lý, Điện tử, Tin học… “Tôi học cho có kiến thức hiểu biết chứ không có nhu cầu bằng cấp trong các lĩnh vực này”, thầy Thịnh nói.

Năm 2017, thầy Thịnh chuyển về trường THPT Phan Văn Trị. Tại đây, thầy cùng đám học trò mới bắt đầu công cuộc chinh phục những sản phẩm thông minh.

Lần lượt, nhóm của thầy Thịnh cho ra đời những sản phẩm xử lý khí thải sinh hoạt gia đình ở vùng nông thôn; tưới tiêu thông minh, tự ngắt nước khi nước cạn để không bị cháy máy bơm như các sản phẩm trước đây. Rồi đến những chiếc giường bệnh thông minh có thể tự nâng, hạ bằng smartphone…

“Hai năm đầu, các sản phẩm của thầy trò tôi chỉ đạt giải cấp thành phố. Từ năm thứ 3, bắt đầu chinh phục giải toàn quốc”, thầy Thịnh kể.

Thầy Nguyễn Hoàng Minh, khi ấy là Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, nhận thấy quyết tâm và năng lực của nhóm nên xin chủ trương đầu tư cả phòng nghiên cứu riêng cho nhóm, sắp xếp lịch dạy phù hợp cho thầy Thịnh.

img

Thầy Thịnh và các em học sinh trong một cuộc thi và đạt giải cao.

Từ ấy, chuyện thầy trò gom về nhà thầy Thịnh ở ấp Nhơn Lộc 2A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền nghiên cứu có hôm đến 1h sáng mới chịu nghỉ là bình thường. Thương học trò, thỉnh thoảng vợ chồng thầy lại nấu cháo bồi dưỡng các em.

Gần đây nhất, tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28 trao giải vào ngày 21/8/2022, nhóm học sinh trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã xuất sắc giành giải Nhì với sản phẩm sáng tạo “SEGI, hỗ trợ trong việc bảo vệ, phòng chống xâm hại ở nữ giới”.

img

Thầy Thịnh và nhóm học trò trong một lần ra Hà Nội nhận giải thưởng.

Em Trần Như Huỳnh, học sinh lớp 11A1 (Nhóm trưởng) chia sẻ: “Dưới sự hướng dẫn của thầy Thịnh, nhóm đã không ngừng sáng tạo để cho ra đời sản phẩm SEGI. Mục đích là bảo vệ mọi người khỏi nạn xâm hại tình dục”.

Sản phẩm là một thiết bị được cài đặt trên áo ngực phụ nữ. Khi sử dụng, thiết bị sẽ được lắp vào 1 sim điện thoại. Sau đó, người dùng thực hiện các thao tác kết nối với điện thoại của người thân để tạo ra mô hình báo động, hoạt động được lập trình sẵn.

Tâm huyết của người thầy

“Từ những lời nói, hành động nhỏ của mỗi giáo viên đôi khi lại là những ký ức khó quên trong lòng học trò.

Thế nên, tôi luôn hướng đến việc phấn đấu và cống hiến tâm sức của bản thân qua những hành động cụ thể để giáo dục học sinh, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

img

Nhóm của thầy Thịnh nghiên cứu chế tạo một sản phẩm mới.

Bản thân tôi đến với nghề từ niềm đam mê mãnh liệt khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhận được những cái cúi chào từ học trò, tôi luôn ý thức rõ sứ mệnh của mình”, thầy Thịnh tâm sự về nghề giáo.

Mỗi tuần, thầy có khoảng 17 tiết dạy Hóa. Phần thời gian còn lại, thầy cùng nhóm với hơn 40 thành viên, liên tục nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm hữu ích trong cuộc sống.

“Mỗi khi mệt mỏi vì công việc hay gặp khó khăn trong học tập, hãy tự nói với mình rằng: “Bạn mệt là bởi vì bạn đang lên dốc”. Bạn đang thăng tiến, bạn đang chạm đến một sự vượt trội hơn trước, cứ như việc đạp xe vậy. Chính vì hành trình đang lên dốc nên mới mệt một chút thôi”, thầy Thịnh chia sẻ.

“Mỗi dự án, nhóm thường làm mất 4-6 tháng, kinh phí khoảng 4 triệu đồng. Riêng tôi là thầy hướng dẫn, được bồi dưỡng 1,5 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng giúp nhiều em học sinh đam mê, muốn tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu sáng tạo”, thầy Thịnh chia sẻ.

Thầy Thịnh là con kế út trong gia đình có 7 anh em, vợ chồng chưa có đất sản xuất, ở chung với cha mẹ.

Thầy may mắn có người vợ cũng là giáo viên THCS cùng huyện nên thông cảm và chia sẻ với niềm đam mê của chồng.

Thu nhập giáo viên của thạc sĩ Thịnh khoảng 7 triệu đồng/tháng, thỉnh thoảng thầy tranh thủ làm thêm cho vài hộ dân lân cận nên cũng có đồng ra đồng vào góp cho vợ. Niềm vui của đôi vợ chồng giáo viên là cậu con trai 18 tháng tuổi, thông minh, lanh lợi…

Thầy Đặng Minh Vương, Hiệu phó Trường THPT Phan Văn Trị cho biết dù là giáo viên dạy Hóa, thầy Thịnh có niềm đam mê đặc biệt với công nghệ, vật lý. Trường cũng đã hợp tác với một số đơn vị, giới thiệu sản phẩm của nhóm thầy Thịnh để có thể hoàn thiện, đưa ra thị trường.

“Có thể nói nhóm nghiên cứu của thầy Nguyễn Phúc Thịnh là một trong những niềm hãnh diện của ngành Giáo dục Cần Thơ”, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho hay.

Thầy Nguyễn Phúc Thịnh, giáo viên Trường THPT Phan Văn Trị là 1 trong 68 nhà giáo tiêu biểu trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Và toàn TP Cần Thơ, duy nhất thầy Thịnh là người được vinh danh tại chương trình này.

Tối 16/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng các giáo viên tiêu biểu, có học sinh giành giải thưởng tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế, sáng kiến đổi mới dạy và học.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” hàng năm vinh danh các thầy, cô giáo “cắm bản”, “bám đảo”, là cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng trực tiếp dạy học cho thiếu niên, nhi đồng khuyết tật, học sinh người dân tộc thiểu số, có sáng kiến đổi mới dạy và học trong đại dịch, tại vùng thiên tai…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.