Đi ++

Thày giáo quân hàm xanh kỳ công “gieo chữ” trên đảo Hòn Chuối

09/06/2018, 08:05

Thượng úy Trần Bình Phục, bộ đội đảo Hòn Chuối đã cùng đồng đội mở lớp dạy cho hàng chục em thoát mù chữ.

thay phuc1

Thượng úy Bộ đội Biên phòng Trần Bình Phục gần 10 năm nay miệt mài dạy học cho trẻ em nghèo trên đảo Hòn Chuối 

“Tháng định mệnh”

Trò chuyện với chúng tôi, thày Phục cho biết, thực ra lớp học này đã có từ năm 1995, ban đầu chỉ là chỗ dựng tạm bằng cây, mái lợp tôn, chỉ có 2-3 bộ bàn ghế để ngồi học, tất cả đều rất sơ sài, mục đích chủ yếu là để mấy anh biên phòng dạy cho các em học sinh trên đảo biết đọc, biết viết. Lâu ngày, cây bị mối ăn hư hỏng, tôn thiếc bị thủng, anh em phải lấy xốp trộn với xăng trám vào lỗ thủng để chống dột. Những lúc mưa giông, thày trò rất sợ sập trường.

“Năm 2009, tôi ra đảo nhận nhiệm vụ. Lúc đó, lớp học chỉ có khoảng 2-3 em, chứ không nhiều.  Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hầu hết người dân nơi đây chỉ lo làm ăn, không mặn mà gì với việc học. Qua tìm hiểu, hầu hết các em đều không biết chữ, nên tôi đã đề xuất lên chỉ huy Đồn để tôi đi dạy thử. Tuy nhiên, khi dạy được khoảng một tháng thì gắn bó đến ngày hôm nay và tôi coi đó là “tháng định mệnh” với tôi, giúp tôi gắn bó với việc dạy học cho các em đã gần 10 năm”, thày Phục chia sẻ.

Theo thày Phục, ban đầu, lớp học còn khó khăn nhiều thứ, nhưng được sự quan tâm của Thường vụ Đảng ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và các anh ở đồn đã quyết liệt chỉ đạo, bằng mọi giá phải vận động người dân trên đảo có con em trong độ tuổi đến trường đều được đến lớp 100%.

Để làm được điều đó, các anh em ở đồn đã tích cực vận động. Riêng “thày” Phục, vừa mua kẹo, vừa mua quần áo để dụ các cháu đến lớp. Ban đầu, các cháu vừa học, vừa nghỉ, giống như kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Dần dần, lớp học được duy trì thường xuyên hơn và tất cả các cháu đều đến lớp và đã biết đọc, biết viết.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan (53 tuổi) người dân ở đảo Hòn Chuối chia sẻ, các cháu ở đảo này đều do thày Phục dạy. “Gia đình tôi có một đứa cháu trí tuệ chậm phát triển, nhưng nhờ thày Phục dạy dỗ, đến giờ cháu nó cũng đã biết đọc, biết viết. Bên cạnh đó, có một số cháu đã được đưa vào đất liền để tiếp tục học cao hơn, người dân ở đây ai cũng mến và quý trọng thày Phục”, bà Lan nói.

Nhắc đến thày giáo Phục, bà Ngô Thị Huệ (64 tuổi) cũng là người dân sống trên đảo Hòn Chuối phấn khởi: “Mấy đứa học trò ngoài này được thày Phục dạy rất tốt, ai cũng cảm kích với tấm lòng của thày, thày rất gần rũi và nhiệt tình giúp đỡ các cháu biết đọc, biết viết”.

Cảm mến tấm lòng của thày Phục, bà Huệ nói, người dân trên đảo ai cũng mong thày ở lại để tiếp tục giảng dạy cho các cháu, vì “nếu không có thày, không biết đến bao giờ các cháu ở đảo mới biết chữ”.

Mong các cháu tiếp tục học tốt

Thế rồi, mơ ước có được một ngôi trường khang trang cũng đã đến với thày và trò của lớp học tình thương ở đảo Hòn Chuối. “Vào năm 2016, Hội Liên hiệp Thanh niên của Trung ương cho thày trò tôi tiếp cận nguồn tài trợ của Quỹ Thiện Tâm tặng cho ngôi trường trị giá khoảng 500 triệu đồng. Nhận được nguồn tài trợ, anh em ở đảo đã ròng rã cả năm trời, vận chuyển từng bao cát, đá, xi măng,... trọng lượng từ 50 -70kg đi đoạn đường dốc khoảng 800m, để xây dựng. Đến nay, trường đã hoàn thành, thày trò tôi rất vui, nhiều khó khăn khác dần dần cũng được giải quyết như: Sách, vở, quần áo,...”, thày Phục phấn khởi.

phuc 4

Thượng úy Trần Bình Phục cùng ngư dân thu hoạch cá ở đảo Hòn Chuối

Chia sẻ với chúng tôi, thày Phục cho biết, ngay từ đầu, anh đã rất hy vọng và đặt niềm tin vào lớp học này, bằng sự phấn đấu không biết mệt mỏi trong nhiều năm qua, giờ đã có kết quả, với 100% học sinh biết đọc và viết theo chương trình căn bản hiện tại.

Gần 10 năm nay, thày Phục đã dạy được khoảng 40-50 em, chuyển vào đất liền khoảng 20 em để tiếp tục học cao hơn, còn lại ở đảo khoảng 22 em. Đến thời điểm hiện tại, đã có 1 em tốt nghiệp đại học ngành Xây dựng và đã đi làm. Ngoài ra, còn 4 em đã vào PTTH, số còn lại cũng đang học THCS và tiểu học.

Theo đánh giá của thày Phục, nhìn chung, mặt bằng kiến thức của các em ngoài đảo và đất liền không chênh lệch bao nhiêu. Điển hình là hàng năm, các em trở lại đảo thăm cha mẹ, đều mang theo thành tích học tập là những tấm giấy khen từ khá, giỏi đến xuất sắc. “Tôi cũng đã thành lập một quỹ, chủ yếu những phần quà là vài chục cuốn tập để khen thưởng, động viên các em. Tuy giá trị không lớn lắm, nhưng góp phần động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em. Mong rằng trong thời gian tới, các em sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển”, thày Phục nói.

Thày Phục trăn trở: “Chúng tôi là những chiến sĩ mang quân hàm xanh, dù cố gắng mấy thì cũng chỉ là kiêm nhiệm chứ không được như những giáo viên có chuyên môn thực thụ, được đào tạo bài bản. Trong thời gian sắp tới, được các cấp lãnh đạo quan tâm đưa những giáo viên thực thụ ra đảo để giúp các em tiếp cận được nguồn kiến thức ngày càng phong phú và đa dạng, mặt bằng kiến thức của các em ở đảo sẽ càng gần hơn với các em ở đất liền. Để một ngày không xa, đảo Hòn Chuối sẽ trở mình giống như những đảo khác và sẽ phát triển hơn”, thày Phục hy vọng.

Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) cho biết, được sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Sau khi mở lớp học đã giao cho đồng chí Phục đứng lớp, bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ. “Sau một thời gian, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đến nay đã có được lớp học đàng hoàng, khang trang, nhiều cháu đã trưởng thành từ lớp học này, có cháu đã vào Đại học. Đây là niềm vui chung của những người lính đảo chúng tôi”, Thượng tá Thái chia sẻ.

Với tinh thần trách nhiệm trong công tác, Thượng úy Trần Bình Phục đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” 4 năm liền; Năm 2013, anh được tổ chức UNESCO công nhận là Địa chỉ nhân văn; Bằng khen của Trung ương Đoàn vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Chăm lo cho thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vào năm 2016; Bằng khen của Bộ Quốc phòng về việc thực hiện tốt Cuộc vận động cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ vào năm 2017 (giai đoạn 2014-2017); Bằng khen của Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong việc Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vào năm 2017.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.