Lối sống

Thầy giáo - thủy thủ chinh phục đại dương

03/04/2016, 06:50

Nghề đi biển vốn hiểm nguy nhưng cũng lãng mạn khiến nhiều nhà giáo đã ở tuổi 60 nhưng vẫn khát khao lên tàu.

13

Sinh viên Khoa Điều khiển tàu biển, Đại học Hàng hải thực tập trên tàu

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một ngôi trường khá đặc biệt, ở đó hơn 90% cán bộ, giảng viên tới hiệu trưởng đều là những người đi biển. Không phải đi biển theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà có tới nửa thời gian công tác của họ ở trên những con tàu lênh đênh khắp đại dương. Bằng cấp, nghiên cứu lý thuyết quan trọng nhưng chỉ là thứ yếu trong môi trường này.Tại đây, một người có bằng tiến sỹ nhưng lần đầu tiên xuống tàu cũng chỉ làm thủy thủ (chức danh thấp nhất trên tàu).

Biển cả là quê hương thứ 2

Phải có kiến thức đi biển, đem những kiến thức, kinh nghiệm thực tế điều khiển những con tàu vượt đại dương để giảng dạy cho sinh viên - Đó là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ cán bộ, giảng viên nào của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Người giữ vị trí quản lý cao nhất của trường là Nhà giáo nhân dân, PGS. TS. Lương Công Nhớ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng đội ngũ các trưởng, phó khoa từng có hàng chục năm điều khiển những con tàu đi khắp thế giới. Gắn bó với những con tàu tung hoành khắp đại dương, khi lên bờ lại giảng dạy về ngành Hàng hải nên đối với những nhà giáo này, nói không hề ngoa ngôn: Với họ biển cả là quê hương thứ 2.

Sinh viên trường Hàng hải thường nhắc và ngưỡng mộ các thầy giáo như: Nguyễn Viết Thành, Bùi Thanh Huân, Quách Thanh Trung, Nguyễn Mạnh Cường, Trương Minh Hải, Phạm Trung Đức… bởi các bài giảng của họ là những kinh nghiệm các ngày bôn ba khắp các đại dương.

Nhà giáo ưu tú, PGS. TS. Nguyễn Viết Thành, hiện là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thuyền viên (Trường Đại học Hàng hải) có 31 năm công tác tại trường thì 15 năm lênh đênh trên những con tàu đi thực hiện nhiệm vụ trường phân công. Như nhiều nhà giáo khác, ông Thành cũng đã hàng chục lần vượt qua tất cả các đại dương, đến tất cả các châu lục. Thế nhưng, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi ông làm thuyền trưởng cùng 26 thuyền viên điều khiển con tàu biển Việt Nam đầu tiên vượt qua 3 châu lục. Đó là năm 2003, khi đó ngành Công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang ở thời cực thịnh, Vinashin đã đóng con tàu Vinashin Sun với giấc mơ đưa tàu đi khắp thế giới. Ông Thành khi đó đã điều khiển con tàu vượt qua 12.000 hải lý vượt qua Ấn Độ Dương, Biển Đỏ qua kênh đào Suez rồi Địa Trung Hải, Đại Tây Dương để cập cảng Vita bốc an toàn 11.000 tấn gạo xuống đất nước Cuba. Thuyền trưởng Thành cùng thủy thủ đoàn với chuyến hải hành đó đã trở thành những người đầu tiên điều khiển 1 con tàu do Việt Nam đóng vượt qua 3 đại dương.

Du lịch miễn phí khắp thế giới

Thầy Trương Minh Hải, Trưởng khoa Hàng hải, Trường Cao đẳng nghề VMU (Trực thuộc Đại học Hàng hải) khi được hỏi về nghề đi biển đã không ngần ngại trả lời: “Chúng tôi là những người đi du lịch miễn phí khắp thế giới”.

Một lần “xuất ngoại” đối với nhiều người là cả một cơ hội hiếm có trong đời. Tuy nhiên đối với những thuyền trưởng, thuyền viên trên các con tàu viễn dương thì đó là chuyện thường ngày. Thầy Hải nhớ lại: “Có lần sau chuyến hải hành qua nhiều nước, tàu chúng tôi dừng lại tại Bắc Kinh (Trung Quốc) để đi máy bay về nước cho thuyền bộ khác lên tàu thay. Tại sân bay, chúng tôi gặp một đoàn cán bộ lão thành từ Việt Nam sang du lịch. Nghe các cụ hào hứng kể chuyện lần đầu tiên đặt chân tới Vạn lý trường thành, chúng tôi thấy… thương các cụ quá. Anh em tôi không ai dám nói ra rằng, chúng cháu đã cả chục lần ngồi chơi, uống nước ở Vạn lý trường thành cùng hàng chục địa danh nổi tiếng khác trên thế giới”.

Thầy Đỗ Đình Định, Chủ tịch Công đoàn của Trung tâm Huấn luyện thuyền viên tâm sự: “Đi ra bên ngoài nhiều, thấy nhiều nơi…lạ lắm. Còn nhớ năm 1998, tàu chúng tôi đến cảng Mogadisu của Somalia, lúc đó chưa có cướp biển như bây giờ, nhưng đã bắt đầu rơi vào tình trạng vô Chính phủ. Chúng tôi được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vẫn nhìn thấy ở đấy trẻ con dùng súng AK như đồ chơi. Ở Yemen thì bất cứ thanh niên nào cũng đeo lủng lẳng một con dao quắm như đồ trang sức. Một số nước châu Phi khi chúng tôi đến, thấy có người cởi trần, người mặc sơ mi trong khi có người lại mặc… áo da. Hỏi ra mới biết, họ khó khăn đến mức ai có gì thì mặc nấy, không có thì cởi trần”.

Nhưng nghề thủy thủ viễn dương không chỉ có những chuyến dạo chơi mà còn là nghề vất vả, hiểm nguy. Tháng 1/2011, tàu Hoàng Sơn Sun là con tàu đầu tiên của ngành Hàng hải Việt Nam bị cướp biển tấn công. Khi đó, báo chí có nói tới việc bọn cướp biển Somalia định cướp 1 con tàu khác cũng do các thủy thủ người Việt Nam điều khiển. Con tàu đó là Lucky Vship trọng tải 6,3 vạn tấn do thầy Trương Minh Hải điều khiển đi qua vùng biển Eden. Từ xa, thuyền viên trên tàu đã quan sát thấy 3 ca nô của bọn cướp biển đuổi theo, thuyền trưởng Hải cùng thủy thủ đoàn đã khéo léo điều khiển con tàu để chúng không thể tiếp cận. Sau 45 phút đấu trí với bọn cướp biển, hàng chục lần ca nô của chúng áp sát mạn tàu nhưng đều bị đánh bật ra, tàu Lucky Vship sau đó được ứng cứu, giải thoát bởi tàu của hải quân Hàn Quốc. Thầy Trương Minh Hải, hiện là cán bộ quản lý kiêm thuyền trưởng tàu huấn luyện Sao Biển (Con tàu chuyên huấn luyện sinh viên của Trường Đại học Hàng hải). Hơn 10 năm gắn bó với biển, khi tàu thì nhớ bờ, lúc lên bờ ở lại nhớ biển đến quay quắt, nhớ những con sóng bạc đầu, nhớ những vùng đất mới ở một châu lục xa xôi.

Tình người đi biển

Đã hơn 10 năm qua, mỗi khi có dịp, vợ chồng anh Trần Văn Đang, chị Trần Thị Thu ở tổ 1, khu vực 1, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn lại ra Hải Phòng, tìm đến nhà thầy Nguyễn Viết Thành cảm ơn đã cứu mạng anh Đang. Đó là mùa hè năm 1998, thầy Thành làm thuyền trưởng điều khiển tàu Flying Dragon đang hành trình từ TP.HCM về Quảng Ninh. Khi đi ngang qua vùng biển Quy Nhơn, thủy thủ trên tàu phát hiện bóng dáng một người đang nhấp nhô trên mặt biển. Lệnh huy động toàn tàu được phát ra, tàu Flying Dragon vòng quay lại cứu người. Sau gần 1 giờ quần thảo trên vùng biển, người gặp nạn được đưa lên tàu. Sau khi hồi phục sức khỏe, ngư dân Đang kể lại, hôm đó đang đánh cá ở vùng biển Quy Nhơn thì bị ngã xuống biển. 15 tiếng ngâm mình trong dòng nước lạnh, mất thân nhiệt nghiêm trọng, anh Đang chỉ biết bám vào 1 mảnh gỗ phó mặc cho số phận. Rất may anh đã gặp tàu Flying Dragon do thầy Thành điều khiển và được cứu sống.

Sau khi bàn giao và ghé thăm nhà, thấy gia cảnh anh Đang quá khó khăn, các thuyền viên bảo nhau góp tiền mua tặng con anh chiếc xe đạp. Nhớ lại ân tình của những người cứu mạng chồng mình, chị Trần Thị Thu tâm sự: “Anh Đang là lao động chính trong gia đình, rất may ngày ấy anh được các thầy giáo cứu sống chứ nếu không thì cả 5 đứa con của tôi đã mồ côi. Không những vậy, chiếc xe đạp mà các thầy tặng là tài sản lớn tới giờ gia đình tôi vẫn nâng niu, trân trọng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.